Ngày 5/2, hơn 100 nhà kinh tế trong đó có Thomas Piketty, Laszlo Andor and Paul Magnette đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cung cấp 2.500 tỷ euro (3.000 USD) thông qua việc xóa nợ để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế hậu Covid tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Trong Bản kiến nghị được đăng trên 9 tờ báo lớn tại các nước thuộc Eurozone như Le Monde (Pháp), El Pais (Tây Ban Nha), a Libre Belgique (Bỉ) hay Der Freitag (Đức), các nhà kinh tế nhấn mạnh khoảng 25% số nợ công của các quốc gia Eurozone hiện do ECB nắm giữ. Các nhà kinh tế chỉ ra: Để trả được số nợ trên, các quốc gia sẽ phải đi vay để trả nợ thay vì đầu tư, hoặc tiến hành tăng thuế, hoặc cắt giảm chi tiêu; Cả ba phương án này đều sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng và kìm hãm sự phục hồi kinh tế.
Các nhà kinh tế này đề xuất ECB nên xóa nợ để đổi lấy những cam kết về đầu tư vào quá trình chuyển đổi “xanh” và các dự án xã hội” của các quốc gia, đồng thời "chữa lành" những tổn thất nghiêm trọng về xã hội, văn hóa và kinh tế do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng y tế đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuy nhiên, tại cuộc phỏng vấn ngày 7/2 với tờ Le Journal du Dimanche, Pháp, Chủ tịch ECB Christine Lagarde1 khẳng định: “Không thể có vấn đề xóa nợ, điều này sẽ vi phạm Hiệp ước Châu Âu, trong đó nghiêm cấm việc tài trợ tiền tệ cho các quốc gia. Quy tắc này là một trong những trụ cột chính cho sự tồn tại của đồng Euro”. Bà cho rằng: “Mặc dù tất cả các nước khu vực đồng Euro sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này với mức nợ cao, nhưng chắc chắn rằng họ sẽ có thể trả hết” và theo bà, sẽ có lợi hơn nhiều nếu sử dụng “năng lượng dành cho việc yêu cầu ECB xóa nợ” để thảo luận về vấn đề quản lý khoản nợ và phân bổ chi tiêu của chính phủ hợp lý và hiệu quả.
Bà Lagarde nhận định năm 2021 sẽ là năm phục hồi kinh tế châu Âu nhưng cũng thừa nhận rằng chỉ đến giữa năm 2022, nền kinh tế mới có thể phục hồi trở lại như thời điểm trước khi diễn ra đại dịch.
Bà cũng dự đoán rằng khu vực đồng Euro sẽ tăng trưởng khoảng 4% vào năm 2021, mặc dù điều này sẽ phụ thuộc vào các chính sách và chiến dịch tiêm chủng, cũng như các biện pháp kinh tế mà các chính phủ thực hiện để đối phó với tình hình sức khỏe.
Người đứng đầu ECB tự tin rằng “cuộc khủng hoảng hiện tại đã củng cố Liên minh châu Âu” và nhấn mạnh quyết định về các khoản vay chung là một thời điểm gắn kết đặc biệt trong lịch sử của dự án châu Âu. Tuy nhiên, theo bà Lagarde, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những khác biệt đã có từ trước giữa các nước châu Âu. Trong bối cảnh đó, Kế hoạch kích thích kinh tế châu Âu được các nước thông qua vào mùa hè năm 2020, càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là do gói trợ cấp sẽ được cung cấp cho từng bang phù hợp với các tình hình cụ thể tại các quốc gia. Ví dụ, theo bà Lagarde, Italy sẽ nhận được khoảng 200 tỉ Euro tiền vay và trợ cấp.
1 Bà Christine Lagarde là một nhà kinh tế, doanh nhân, luật sư và chính trị gia người Pháp. Bà từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Thủy sản, Bộ Kinh tế, Pháp. Năm 2011, Lagarde là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2016. Năm 2019, bà Lagarde từ chức Giám đốc của IMF để đảm nhiệm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu.