Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực lên triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Á Thái Bình Dương

02:11 PM 07/04/2020 |  Lượt xem: 4842 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Moody’s dự báo suy thoái kinh tế sẽ diễn ra trên diện rộng dưới sức ép của đại dịch Covid-19. Cùng với cú sốc về giá dầu giảm sâu tiếp tục tạo áp lực đang kể lên tình hình kinh tế cũng như tài khóa của các quốc gia bị ảnh hưởng. Một số nhận định chính của Moody’s về tác động của cú sốc kép như sau:

Việc dịch bệnh Covid-10 lây lan với tốc độ ngày càng nhanh và trên diện rộng khả năng sẽ dẫn đến tình trạng đình trệ kinh tế đáng kể. Tổng cầu suy giảm ở những quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến tình trạng đứt gãy trong chuỗi cung ứng và giao thương hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới ngày càng trầm trọng hơn. Tình trạng đình trệ càng kéo dài thì rủi ro xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu càng lớn. Moody’s nhận định rủi ro này nghiêng về kịch bản xấu. Số lượng người nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng khiến tâm lý toàn cầu trở nên mong manh, biến động giá tài sản cực đoan hơn, điều kiện vay vốn thắt chặt lại và tác động cộng dồn của những yếu tố này có thể khiến kinh tế suy thoái sâu hơn.

Moody’s cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực, trong đó nhận định Nhật Bản và Singapore sẽ không tăng trưởng trong năm nay, Hồng Kông và Ma Cao sẽ suy giảm kinh tế, và dự báo tăng trưởng của Việt Nam hạ xuống 6% năm 2020 trước khi hồi phục ở mức 6,7% năm 2021. Dự báo này thấp hơn mức đã đưa ra trước đó trong tháng 2/2020 để phản ánh giá hàng hóa giảm thấp, chính sách hạn chế đi lại ngày càng nghiêm ngặt và việc triển khai những biện pháp cực đoan hơn để kiềm chế dịch bùng phát.

Cú sốc về giá dầu làm gia tăng áp lực lên tăng trưởng và tài khóa cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Giai đoạn giá dầu duy trì ở mức thấp sẽ tiếp tục là gánh nặng đến các yếu tố nền tảng về kinh tế và tài khóa của các quốc gia xuất khẩu dầu, trong khi làm suy giảm tác động của các cú sốc thương mại đối với các nước nhập khẩu dầu.

Đây là giai đoạn kiểm chứng các mức đệm chính sách. Một số chính phủ và ngân hàng trung ương đã công bố các giải pháp để chống lại ảnh hưởng của dịch bệnh, bao gồm các gói kích thích tài khóa, cắt giảm lãi suất chính sách và áp dụng các quy định khoan dung (theo đó cho phép ngân hàng và các tổ chức tài chính hoạt động ngay cả khi đã hết vốn); tuy nhiên hiệu quả của việc nới lỏng chính sách sẽ bị giảm một phần do các giải pháp kiềm chế dịch bệnh lây lan, và dư địa chính sách của một số quốc gia là tương đối hạn chế.

Các quốc gia phát triển nhìn chung có mức đệm dự phòng tài khóa tốt hơn tại thời điểm đầu năm 2020

Biến động tài chính toàn cầu làm rõ nét rủi ro thanh khoản và khả năng dễ bị tổn thương trước các yếu tố bên ngoài đối với các thị trường cận biên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Điều kiện huy động vốn thắt chặt và tỷ giá hối đoái sụt giảm có thể gây áp lực lớn đối với các quốc gia với trạng thái ngoại tệ lớn, phụ thuộc nhiều vào các nguồn huy động vốn thị trường nước ngoài và có quy mô dự trữ ngoại hối mỏng.

Trong các nền kinh tế cận biên, Sri Lanka là nước duy nhất có khoản trái phiếu quốc tế đến hạn năm 2020. So với các quốc gia trong khu vực, rủi ro bên ngoài của Việt Nam được đánh giá ở mức vừa phải, với Chỉ tiêu đánh giá rủi ro từ bên ngoài (được tính bằng tổng Nợ ngắn hạn nước ngoài, nợ đến hạn trong dài hạn + tổng tiền gửi từ người không cư trú trong vòng 1 năm so với Dự trữ ngoại hối) thấp hơn đáng kể so với Sri Lanka, Pakistan hay Mông Cổ.

Một số quốc gia đối mặt với rủi ro từ bên ngoài cao hơn

Tiếp đó vào ngày 2/4/2020, Moody’s đã hạ triển vọng tín dụng đối với hệ thống ngân hàng của 12 quốc gia thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, để phản ánh tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát và suy thoái kinh tế trên diện rộng.

Hồ Việt Hương