Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố thông cáo báo chí sau đợt tham vấn điều khoản IV năm 2019 tại Việt Nam

10:41 AM 03/05/2019 |  Lượt xem: 7113 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Đoàn cán bộ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Ông Alex Mourmouras dẫn đầu vừa kết thúc đoàn tham vấn Điều khoản IV năm 2019 cho Việt Nam. Trong khuôn khổ đợt làm việc từ ngày 3 đến 19 tháng 4 năm 2019, IMF đã tổ chức làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Trung ương và một số cơ quan nhà nước khác. Trong thời gian ở Việt Nam, Đoàn cán bộ IMF còn gặp gỡ một số đại diện các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân, các học giả, viện nghiên cứu và các cơ quan hữu quan khác tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
 

Chiều 19/4/2019 tại Trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã tiếp Đoàn cán bộ của IMF

Trong thông cáo báo chí vào cuối đợt công tác này được công bố ngày 23 tháng 4 năm 2019, IMF đưa ra các tuyên bố của đoàn về những kết quả làm việc sơ bộ sau chuyến công tác tại Việt Nam. Một số nhận định chính của IMF trong thông cáo báo chí như sau:

1. Những căng thẳng thương mại và bất ổn tài chính ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi trong năm 2018 cũng đã có những tác động đến nền kinh tế rất mở của Việt Nam, gồm cả qua sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, IMF đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn có sức chống chịu tốt và tăng trưởng đạt mức 7,1%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây với đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì trong quý 1/2019. Tăng trưởng đồng đều ở mọi lĩnh vực được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng tốt về thu nhâp và tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đô thị đang tăng lên, bởi khu vực chế biến chế tạo tăng trưởng mạnh mẽ và dòng tiền vào nhờ du lịch, kiều hối và đầu tư trực tiếp ngày càng tăng.

2. Triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn khả quan nhờ các yếu tố nền tảng vững mạnh, cơ cấu thương mại đa dạng và cam kết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng lấy khu vực kinh tế tư nhân làm động lực chính. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng theo dự báo của IMF sẽ giảm nhẹ về mức 6,5% trong năm 2019 và trong trung hạn, phản ánh các điều kiện bên ngoài ít thuận lợi hơn. Lạm phát dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm 2019 do sự tăng giá của một số mặt hàng nhà nước quản lý nhưng vẫn nằm dưới mục tiêu 4% của Chính phủ.

3. Thâm hụt ngân sách nhà nước đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2016-18 so với giai đoạn trước năm 2016. Mức thâm hụt thấp hơn cùng với các quy định chặt chẽ về cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới và với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đang giúp nền tảng tài chính công của Việt Nam vững chắc hơn. Theo đánh giá của IMF, nợ công giảm từ mức 60% GDP vào cuối năm 2016 xuống 55,5% GDP vào cuối năm 2018. Việt Nam vẫn tiếp tục cắt giảm bội chi, song cần cải thiện chất lượng củng cố tài khóa để tạo thêm dư địa tài khóa, thu hẹp khoảng cách giữa chi an sinh xã hội và chi đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng phó với thách thức sắp tới về già hóa dân số nhanh.

4. IMF hoan nghênh nỗ lực thúc đẩy sự phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng của thị trường vốn của Việt Nam, trong đó bao gồm thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường vốn phát triển sẽ giúp giảm chi phí huy động vốn tại Việt Nam và thúc đẩy việc chuyển dịch sang các ngân hàng bán lẻ. Kế hoạch hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ gồm cả điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nhằm làm cho đồng nội tệ trở thành một công cụ hấp thụ tốt hơn các cú sốc bên ngoài cũng rất đáng hoan nghênh.

5. IMF nhận định, nền kinh tế vững mạnh đã tạo cơ hội cho cải cách cơ cấu mạnh mẽ hơn nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nước, giải quyết sự méo mó chính sách kinh tế và thúc đẩy đầu tư. IMF khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính và cấp phép và tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với đất đai và tín dụng. Việc chia sẻ thông tin nhiều hơn và tăng tính minh bạch trong toàn bộ các cơ quan của Chính phủ, giữa khu vực công và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp Việt Nam đạt được vị thế hoàn toàn là một thị trường mới nổi. Những nỗ lực hiện nay về phòng chống tham nhũng rất đáng hoan nghênh. Các cán bộ của IMF đã và đang tham gia thực hiện những hỗ trợ tăng cường năng lực với Việt nam trên nhiều lĩnh vực như tài khóa, tiền tệ, tài chính, pháp lý và thống kê và sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ các cơ quan chức năng./.

Hồ Việt Hương