Vì sao Pakistan tiếp tục tìm đến gói cứu trợ của IMF?

10:48 AM 16/05/2019 |  Lượt xem: 7179 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

14 tháng 5 năm 2019 - Nền kinh tế Pakistan tiếp tục trải qua chu kỳ lên xuống dẫn đến việc phải tìm kiếm gói giải cứu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), theo Bloomberg đưa tin. Quy mô nợ ở mức cao, lạm phát tăng đột biến, dữ trữ ngoại hồi đang trên đà giảm và đồng nội tệ của quốc gia này đã trải qua nhiều đợt phá giá. Sau nhiều đợt đàm phán dài ngày, chính phủ của Thủ tướng Imran Khan sắp tiếp nhận gói cứu trợ lần thứ 13 cho nền kinh tế này trong ba thập kỷ vừa qua.

1. Diễn biến lịch sử

Năm 2013, Thủ tướng Pakistan đương nhiệm ông Nawaz Sharif đã đồng ỳ các điều khoản của khoản vay cứu trợ từ IMF trị giá 6,6 tỷ USD được giải ngân trong vòng 36 tháng. Trong giai đoạn này, chính phủ Pakistan đã không thực hiện được đúng những cam kết mở rộng cơ sở thuế cũng như tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động thua lỗ. Tuy vậy, nền kinh tế Pakistan vẫn có dấu hiệu phục hồi sau chương trình của IMF, với tăng trưởng kinh tế lấy lại đà, chỉ số chứng khoán tăng cao, tiền nội tệ ổn định trở lại và dự trữ ngoại hối quốc gia tăng gấp 3 lần lên mức cao kỷ lục.

Tuy vậy, những thành tựu kinh tế này bị đảo chiều vào năm 2017 khi giá dầu tăng, trong khi tăng trưởng kinh tế nóng – cùng với việc đón nhận hàng tỷ đô la đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc – đẩy nhanh nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Thâm hụt cán cân vãng lai trở nên trầm trọng dẫn đến giảm quy mô dự trữ ngoại hối, khiến đồng nội tệ của Pakistan mất giá 20% trong năm 2018, và đưa chỉ số chứng khoán KSE-100 xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua.

Khi Thủ tướng Imran Khan nhậm chức năm 2018, nền kinh tế Pakistan đã trong tình trạng khủng hoảng.

2. Nội hàm của gói cứu trợ mới

Ngày 12/5/2019, IMF cho biết Pakistan và IMF đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về một khoản vay với kỳ hạn 39 tháng với quy mô khoảng 6 tỷ đô la, và còn chờ vào phê duyệt của hội đồng điều hành và ban quản lý của tổ chức này. IMF cho biết các khoản vay nhằm hỗ trợ các chiến lược của chính phủ Pakistan trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua cắt giảm thâm hụt ngân sách, kiềm chế lạm phát, tăng cường thu thuế và quản lý thuế, và đẩy mạnh nguồn thu ngân sách nhà nước từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trong khi vẫn tăng cường chi ngân sách cho an sinh xã hội. Những biện pháp được đề cập tới bao gồm tăng thuế suất, giảm trợ cấp nhà nước cho lĩnh vực năng lượng và bán cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước. IMF cũng đưa ra khuyến nghị về việc áp dụng chính sách tỷ giá hối đoái dựa trên các yếu tố thị trường

Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế, gặp ông Asad Umar, Bộ trưởng tài chính Pakistan, tại Bali, Indonesia, vào tháng 10/2018

3. Tính cấp bách của nhu cầu cứu trợ

Khi Thủ tướng Khan bắt đầu nhiệm kỳ năm 2018, nền kinh tế Pakistan đã trong tình trạng khủng hoảng. Dữ trữ ngoại hối giảm một nửa xuống mức 7 tỷ đô la năm ngoái, và chính phủ đang đối mặt với thâm hụt cán cân vãng lai và bội chi ngân sách nhà nước trên 5% GDP. Điều này đồng nghĩa với việc thiếu hụt nguồn ngoại tệ để chi trả nợ, và để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu rất cần thiết để kích cầu. Tuy mức dự trữ ngoại hối hồi phục nhẹ trong năm 2019 dưới tác động của các gói cho vay từ Trung Quốc và Ả rập Xê-út, Pakistan lại đối mặt với rủi ro mới: lạm phát vượt mức 8%, hệ số tín nhiệm quốc gia bị hạ nhiều bậc dưới mức Đầu tư và tốc độ kinh tế đang chững lại. IMF dự báo tăng trưởng của Pakistan sẽ giảm xuống mức 2,9% trong năm 2019 (so với mức 5,2% của năm 2018) và xuống mức 2,8% năm 2020.

4. Pakistan còn những lựa chọn nào khác?

Pakistan cũng đã đạt được thỏa thuận tiếp nhận một số khoản vay trị giá 3 tỷ đô la từ Ả Rập Xê-Út, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất và Trung Quốc. Vai trò của Trung Quốc đối với nền kinh tế Pakistan ngày càng lớn, tài trợ hàng loạt dự án năng lượng và giao thông trị giá hàng tỷ đô la trong khuôn khổ chương trình Vành đai, Con đường, là các khoản tài trợ vốn thường không kèm theo các điều kiện thay đổi chính sách như những khoản vay từ IMF. Trong chuyến công du tại Pakistan đầu năm nay, Ả Rập Xê-Út cam kết đầu tư 20 tỷ đô la vào Pakistan, bao gồm một nhà máy lọc dầu, tuy đến nay thỏa thuận chính thức vẫn chưa được ký kết./.

Hồ Việt Hương