Đánh giá của Credendo về mức độ rủi ro và triển vọng của Việt Nam

06:01 PM 12/04/2021 |  Lượt xem: 15065 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Ngày 17 tháng 2 năm 2021, Credendo đã đăng tải bài phân tích đánh giá về mức độ rủi ro và triển vọng của Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Credendo đánh giá Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong việc phát triển kinh tế trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh. Chi tiết bài đánh giá của Credendo về tình hình của Việt Nam, mức độ rủi ro và triển vọng như sau:

Các yếu tố rủi ro và triển vọng

  • Việc kiểm soát tốt đại dịch tạo nền tảng cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.
  • Nhu cầu cung cấp thiết bị điện tử và y tế gia tăng cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công kích thích sự phát triển kinh tế.
  • Các rủi ro của quốc gia không giảm và xếp hạng rủi ro giữ nguyên.
  • Các yếu tố rủi ro chính bao gồm các cú sốc từ bên ngoài, các vấn đề liên quan đến các ngân hàng nhà nước và tài chính công.
  • Căng thẳng thương mại và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng theo xu hướng có lợi cho Việt Nam.

 

Thông tin và số liệu:

  • Yếu tố tích cực:

Tình hình chính trị ổn định.

Nền kinh tế đa dạng và sản xuất xuất khẩu tăng trưởng đều.

Điểm đến hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chuyển dịch từ Trung Quốc.

Hội nhập kinh tế khu vực và các thỏa thuận thương mại lớn là động lực cho tăng trưởng kinh tế.

  • Yếu tố tiêu cực:

Rủi ro trong lĩnh vực tài chính công ở mức trung bình.

Tính minh bạch công ở mức thấp

Lĩnh vực ngân hàng dễ tổn thương

Căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề biển Đông

  • Lãnh đạo Chính phủ:

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

  • Dân số:

96,5 triệu người

  • GDP đầu người

2.540 USD

  • Mức thu nhập

Trung bình thấp

 

Đánh giá rủi ro quốc gia

 

Một trong số ít các quốc gia thành công tránh được khủng hoảng liên quan đến dịch bệnh Covid-19

Việt Nam là một trong số các nước ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 chủ yếu nhờ việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 một cách nhanh chóng, nhất quán và cực kỳ hiệu quả sau khi dịch bùng phát ở nước láng giềng Trung Quốc. Trong số các biện pháp kiềm chế dịch bệnh, Việt Nam đã sớm áp đặt lệnh hạn chế đi lại, tiến hành xét nghiệm và truy vết tiếp xúc trên diện rộng nhằm giúp kiểm soát dịch bệnh.Do đó, mặc dù ban đầu sự gián đoạn kinh doanh ở mức cao, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, tuy với tốc độ tăng trưởng thấp hơn các năm trước. Nhờ đó, trong năm qua, Việt Nam đạt được thành quả kinh tế ngoạn mục trong bối cảnh hầu hết các quốc gia khác bị khủng hoảng nghiêm trọng và phải vật lộn với những tác động kinh tế do đại dịch gây ra.

Đối với Việt Nam, sự sụt giảm nhu cầu của thế giới đã được bù trừ hoàn toàn nhờ sự tăng mạnh về nhu cầu đối với các sản phẩm y tế, điện tử và máy tính do tác động của đại dịch Covid-19. Thêm vào đó, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, thể hiện ở sự tăng mạnh vốn đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu (sang Hoa Kỳ) từ trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Từ những nguyên nhân này, lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng trong năm ngoái. Ngoài ra, việc Chính phủ Việt Nam đầu tư mạnh cho phát triển cơ sở hạ tầng cũng góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, một chính sách tiền tệ thích ứng mạnh - bao gồm việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất từ 6% xuống 4% - đã tạo thêm động lực cho hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, sự sụt giảm trong xuất khẩu dịch vụ do việc tạm dừng du lịch, di chuyển cá nhân cũng như sự sụt giảm tiêu dùng cá nhân và vốn đầu tư nước ngoài tạo gánh nặng lên tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm.

 

Triển vọng về rủi ro là lạc quan

Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia có sức chống chịu tốt với các làn sóng tiếp theo của dịch bệnh đang ảnh hưởng đến các quốc gia khác trên thế giới. Do đó, các nhà chức trách Việt Nam sẽ có thời gian để thực hiện việc tiêm chủng cho toàn bộ dân số, đồng nghĩa với việc các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có thể sẽ được duy trì trong nhiều tháng nữa. Việt Nam đang tự tin theo đuổi mục tiêu tiếp tục câu chuyện thành công của đất nước, vốn đã tạo ra mức tăng trưởng trung bình 6,8% trong hai thập kỷ qua. Một thành công đáng chú ý trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay là rủi ro kinh tế và tài chính của Việt Nam không tăng thêm.

 

Mặc dù tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1980 của thế kỷ trước (chỉ tăng 2,8% theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1 năm 2021 của Ngân hàng Thế giới), song không giống như hầu hết các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương trong năm 2020 và kỳ vọng sẽ đạt từ 6,5%-7% trong năm 2021 và 2022.

Trong khi đó, nợ nước ngoài vẫn ở mức thấp, mức chi trả nợ (Debt Service) hầu như không tăng, tài khoản vãng lai vẫn thặng dư mặc dù có giảm nhẹ. Dự kiến sau dịch COVID-19, những nhân tố mang tính rủi ro này sẽ vẫn có sự phát triển tích cực nhờ sự tương hỗ từ sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy Việt Nam vẫn gặp vấn đề với tài chính công do đây là điểm yếu mang tính hệ thống, các tác động xấu của vấn đề này không quá lớn do các nhà chức trách đã thực hiện một số gói kích thích nhỏ và thành công ngăn chặn thâm hụt tài khóa vượt mức 6% GDP trong năm 2020 và giữ nợ công ở mức 46.6% GDP (43.3% trong năm 2019) trong bối cảnh dư địa tài khóa bị hạn chế. Tuy nhiên, việc giảm nguồn thu ngân sách nhà nước (xuống dưới 18% GDP) lại là một vấn đề trong bối cảnh nợ công và chi trả lãi tăng, trong đó nợ nước ngoài chiếm phần lớn và yêu cầu cần cẩn trọng trong việc thực hiện các chính sách tài chính. Mặc dù vậy, rủi ro về tài chính công của Việt Nam vẫn giữ ở mức trung bình. Thêm vào đó, trong trung hạn, với tốc độ tăng trưởng GDP cao, sự hồi phục thu ngân sách nhà nước và việc thắt chặt chi tiêu ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ giảm dần nợ công và thâm hút tài khóa.

Lĩnh vực ngân hàng dễ tổn thương là một rủi ro tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tín dụng/GDP tăng nhanh lên trên mức 100% và dự phòng vốn đối với các ngân hàng nhà nước ở mức thấp. Nợ trong lĩnh vực bất động sản ở mức cao và tác động xấu của sự mất cân đối thu chi của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, có thể ảnh hưởng xấu đến các ngân hàng thông qua việc tăng nợ xấu và thậm chí là một làn sóng vỡ nợ. Do đó, Chính phủ đang xem xét việc tái cấu trúc vốn và nợ của một số ngân hàng nhà nước.

 

Lợi ích đến tư chiến tranh thương mại và tác động của đại dịch Covid-19 lên chuỗi cung ứng

Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ bên ngoài. Nền kinh tế mở định hướng xuất khẩu sẽ chịu nhiều tác động từ các cú sốc bên ngoài. Trong ngắn hạn, đại dịch COVID-19 tiếp diễn sẽ làm suy yếu hơn nữa hoạt động kinh tế, trong khi về lâu dài, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng có nguy cơ gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, cho đến nay, Việt Nam đã và đang được hưởng lợi từ sự thay đổi của môi trường thương mại và việc tổ chức lại chuỗi cung ứng đang diễn ra. Thứ nhất, chiến tranh thương mại Mỹ Trung vẫn đang tiếp diễn và Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc dịch chuyển thương mại từ Trung Quốc. Ngoài ra, khác với chính sách hạn chế thương mại của ông Trump trong bối cảnh thâm hụt thương mại liên tục gia tăng giữa Việt Nam – Mĩ và Việt Nam bị coi là một trong các quốc gia thuộc nhóm giám sát thao túng tiền tệ, các chính sách mới của Ông Biden có thể làm giảm áp lực lên các nước đồng minh trong khu vực. Thứ hai, việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị rung chuyển do đại dịch sẽ mang lại lợi thế cho Việt Nam trong dài hạn vì Việt Nam được xem là địa điểm đầu tư ổn định cho việc chuyển dịch đầu tư tại Đông Nam Á. Thứ ba, trong hai năm 2019, 2020, Việt Nam đã ký kết hai Hiệp định tránh đánh thuế lớn, một Hiệp định với EU năm 2019 và sau đó là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), là Hiệp định tránh đánh thuế lớn nhất thế giới hiện nay, được ký giữa tháng 11 giữa các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này sẽ giúp thúc đẩy thương mại và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoà. Trong vài năm qua, Việt Nam đã trở thành "thanh nam châm" hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung và Apple - những tập đoàn vốn chịu sức hút từ triển vọng tăng trưởng mạnh, lao động chi phí thấp, môi trường đầu tư thân thiện và các khu công nghiệp lớn được xây dựng ở Việt Nam. Trong tương lai, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển chuỗi giá trị và tăng cường hội nhập phát triển khoa học công nghệ.

 

Chính sách thống nhất và rủi ro ở mức ổn định theo đánh giá của Credendo

Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực y tế và phát triển kinh tế trong năm 2020 là các thành tích nổi bật dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam được đề cập trong kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 được tổ chức 5 năm một lần mới kết thúc vào đầu tháng 2 vừa qua. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lần thứ 3 liên tiếp được tín nhiệm, bầu làm người lãnh đạo của Đảng, điều này hạn chế sự xáo trộn về nhân sự và phương hướng lãnh đạo đất nước của Đảng. Trong các năm tiếp theo, đường lối chính trị của Việt Nam đã được xác định với trọng tâm là sự phát triển kinh tế và tự do hóa kinh tế, và đây cũng là yếu tố bảo đảm cho sự ổn định của chế độ một đảng cầm quyền. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tình hình chính trị và chính sách ổn định, thống nhất. Tuy nhiên, tương lai vẫn còn nhiều bất định. Sự thiếu minh bạch công vẫn là một vấn đề, cùng với việc gia tăng hạn chế tự do trong suốt đại dịch, trong khi các cuộc phản đối liên quan đến vấn đề đất đai là các nguy cơ thường trực gây bất ổn xã hội. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ lụt và dân số già đi nhanh chóng là các thách thức chính đối với Việt Nam. Về mặt đối ngoại, căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề biển Đông là yếu tố rủi ro quan trọng cần kiểm soát và đồng nghĩa với việc Việt Nam có khả năng sẽ thắt chặt mối quan hệ với Mỹ hơn trong lĩnh vực quốc phòng.

Trong suốt đại dịch Covid-19, Credendo đã giữ nguyên đánh giá về rủi ro chính trị. Đánh giá rủi ro chính trị ngắn hạn có thể vẫn giữ nguyên ở mức 2/7 nhờ tính thanh khoản mạnh mẽ. Quy mô dự trữ ngoại hối tương đương với khoảng 3,5 tháng nhập khẩu và tỷ lệ giữa dự trữ ngoại hối và nợ ngắn hạn nước ngoài là 3 lần. Đánh giá rủi ro chính trị trong trung và dài hạn có triển vọng lạc quan ở mức 4/7. Không loại trừ khả năng Việt Nam có thể có một xếp hạng tốt hơn sau đại dịch Covid-19 nếu những yếu tố rủi ro liên quan biến mất, tình hình kinh tế toàn cầu trở lại bình thường và kinh tế Việt Nam lấy lại đà phát triển mạnh mẽ.

Phạm Hải Yến

Tỷ giá hạch toán tháng 2/2021

05:51 PM 12/04/2021 |  Lượt xem: 12146 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý
Tỷ giá hạch toán ngoại tệ tháng 2/2021
(Kèm theo Thông báo số 562/TB-KBNN ngày 29/01/2021 của Kho bạc Nhà nước)
       
Tên nước Tên ngoại tệ Ký hiệu Tỷ giá (*)
ÚC AUSTRALIAN DOLLAR AUD                      17,796  
CANADA CANADIAN DOLLAR CAD                      18,074  
THỤY SĨ SWISS FRANC CHF                      25,994  
TRUNG QUỐC YAN RENMINBI CNY                        3,581  
ĐAN MẠCH DANISH KRONE DKK                        3,768  
CHÂU ÂU EURO EUR                      27,873  
ANH VÀ BẮC IRELAND POUND STERLING  GBP                      31,692  
ẤN ĐỘ INDIAN RUPEE INR                           317  
NHẬT BẢN YEN JPY                           221  
HÀN QUỐC WON KRW                             21  
CÔ OÉT KUWAITI DINAR KWD                      77,117  
MALAYSIA MALAYSIAN RINGGIT MYR                        5,712  
NA UY NORWEGIAN KRONE NOK                        2,687  
NEW ZEALAND NEWZELAND DOLLAR NZD                      16,525  
Ả RẬP XÊÚT SAUDI RYAL SAR                        6,169  
THỤY ĐIỂN SWEDISH KRONA SEK                        2,771  
SINGAPORE SINGAPORE DOLLAR SGD                      17,395  
THÁI LAN BAHT THB                           772  
MỸ ĐÔ LA USD                      23,135  
       
* Tỷ giá quy đổi VND/1 đồng ngoại tệ    

Phan Thị Thu Hà