Rủi ro nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc

08:31 AM 27/05/2019 |  Lượt xem: 7706 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Ngày 21 tháng 5 năm 2019, tạp chí Bloomberg đăng tải bài phân tích về rủi ro danh mục nợ Trung Quốc tập trung những phương tiện tài chính do các chính quyền địa phương phát hành. Bài viết chỉ ra rằng:

  • Thiên Tân, Trùng Khánh, Giang Tô là những địa phương với tỷ lệ trái phiếu chính quyền địa phương trên GDP ở mức cao.
  • Những tổ chức đi vay với định mức tín nhiệm thấp nhất tập trung vào các địa phương có sự hiện diện đậm nét của khu vực nhà nước.

Trong hệ thống tài chính của Trung Quốc, vai trò của nhà nước thường gắn liền với chi phí huy động vốn thấp hơn. Tuy vậy, đối với một phân khúc trong thị trường trái phiếu trị giá 13 nghìn tỷ đô la của quốc gia này, quy luật này lại không áp dụng.

Những phương tiện tài chính do các chính quyền địa phương phát hành (local government financing vehicle, LGFV) với mức lãi suất cao lại tập trung vào các sản phẩm chứng khoán phát hành tại các địa phương trong đó khu vực công đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Bloomberg ước tính thị trường trái phiếu LGFV có quy mô 7,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,1 nghìn tỷ đô la).

Lợi suất trái phiếu LGFV bình quân phân theo địa phương

Phân tích này dựa trên dữ liệu cập nhật tại thời điểm tháng 4 năm 2019, và chỉ ra những chênh lệch về hiệu suất giữa các ngành công nghiệp thuộc khu vực quốc doanh và khu vực tư nhân, và sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các bên đi vay với hệ số tín nhiệm thấp và cao trên thị trường trái phiếu Trung Quốc. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chững lại, các nhà hoạch định chính sách của quốc gia này đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng để tránh rủi ro vỡ nợ hàng loạt.

Bloomberg nhận định những địa phương với rủi ro tiềm ẩn của danh mục nợ ở mức cao nhất, như các địa phương thuộc vùng đông bắc như Thiên Tân, Quý Châu, Vân Nam và Trung Khánh, đều có sự hiện diện rõ nét của khu vực nhà nước trong nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế tại Bloomberg, ông Wan Qian, đánh giá những mô hình dựa vào vai trò dẫn dắt của nhà nước như vậy thiếu tính bền vững hơn, và gánh nặng nợ có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Khi khả năng cộng đồng đầu tư toàn cầu tiếp cận thị trường trái phiếu Trung Quốc, thị trường lớn thứ ba thế giới, ngày càng trở nên dễ dàng, trái phiếu chính quyền địa phương cũng thu hút nhiều sự quan tâm hơn. Các khoản chứng khoán này có mức lợi suất cao và thường được hiểu là có bảo lãnh ngầm của nhà nước. Tuy vậy, với những động thái gần đây của chính quyền trong việc siết chặt quản lý các khoản trái phiếu LGFV, vốn được các địa phương tạo ra để lách các quy định giới hạn về nợ, rủi ro tái cấp vốn có xu hướng gia tăng mạnh đối với một số vùng nặng nợ của Trung Quốc.

Phân tích về thị trường trái phiếu LGFV của Bloomberg đưa ra một số kết luận chính sau đây:

·         Ngoại trừ một tỉnh, tất cả các địa phương với mức lợi suất trái phiếu LGFV bình quân từ 5%/năm trở lên có tỷ lệ khu vực nhà nước nắm giữ tài sản công nghiệp cao hơn 50% (sử dụng dữ liệu từ Niên giám thông kê Trung Quốc năm 2018)

·         Tại 8 trong 10 địa phương với mức xếp hạng tín dụng trái phiếu LGFV thấp nhất, doanh nghiệp nhà nước nắm giữ tài sản công nghiệp cao hơn bình quân của toàn khối doanh nghiệp.

Quý Châu (Guizhou)

Tỉnh Quý Châu, một trong những địa phương nghèo nhất, là một ví dụ điển hình cho rủi ro nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc. Địa phương này đã tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây. Tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định năm 2018 của địa phương này có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước. Trái phiếu LGFV của Quý Châu cũng có mức lợi suất cao nhất, bình quân là 6,14%/năm.

Mức chi phí trả lãi trái phiếu cao khiến các quan chức địa phương tìm các kênh tài trợ vốn rẻ hơn từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, là ngân hàng chính sách đã can thiệp vào một số trường hợp để giảm rủi ro nợ LGFV.

Dư nợ chính quyền địa phương so với GDP Đơn vị: T – nghìn tỷ nhân dân tệ; B – tỷ nhân dân tệ.

Thiên Tân (Tianjin)

Thiên Tân, thành phố cảng gần Bắc Kinh với dân số 16 triệu người và tỷ lệ trái phiếu LGFV/GDP cao nhất nước, cũng là một báo động đỏ. Những năm gần đây Thiên Tân đã chứng kiến một số trường hợp doanh nghiệp nhà nước lớn rơi vào tình trạng phá sản. Trong số đó có thể kể đến tập đoàn kinh doanh hàng hóa Tewoo Group Co, một công ty nằm trong nhóm Fortune Global 500 (bảng xếp hạng 500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên toàn thế giới tính theo doanh số), đã bị tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ mức tín dụng tới 6 bậc trong tháng trước. Công ty này đã kêu gọi sự hỗ trợ từ những chủ nợ lớn, trong đó có ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc - một ngân hàng chính sách khác, để gia hạn nợ. Fitch cũng hạ bậc một số tổ chức phát hành có liên hệ với chính quyền Thiên Tân để phản ánh tình trạng tăng trưởng chững lại và mức nợ ngày càng cao. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp địa phương này có mức thu ngân sách năm sau thấp hơn năm trước.

Dư nợ trái phiếu phân bổ theo định mức xếp hạng tín dụng của địa phương

Thanh Hải (Qinghai)

Tỉnh phía tây gần Tây Tạng này gần đây trở thành tâm điểm được giới nhà đầu tư theo dõi rủi ro vỡ nợ trái phiếu LGFV. Đây là tình trạng được một số nhà phân tích tín dụng dự đoán sớm muộn sẽ xảy. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá tất cả các trái phiếu LGFV của tỉnh Thanh Hải có định mức tín dụng tương đương mức Đầu cơ (Junk).

Tương tự như vậy, khu vực đông bắc Trung Quốc như Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm cũng đối mặt với áp lực kép khi phải quản lý nợ trong bối cảnh các doanh thu từ các ngành kinh tế cũ được nắm giữ bởi khu vực nhà nước ngày càng giảm sút. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã phải tích cực tham gia vào các giao dịch xử lý nợ tại khu vực đông bắc của quốc gia này.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố chính thức về quan ngại của giới hoạch định chính sách liên quan đến áp lực tái cấp vốn cho trái phiếu LGFV.

LGFV là những phương tiện tài chính do các chính quyền địa phương phát hành vốn tạo ra để lách các quy định giới hạn về nợ. Tuy nhiên, công cụ được cho là có nguy cơ gây ra một làn sóng vỡ nợ ở Trung Quốc do tỷ lệ vay nợ của các địa phương hiện ở mức quá cao. Làn sóng vỡ nợ này sẽ ảnh hưởng đến các thị trường tài chính và thậm chí có thể tạo hiệu ứng lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Các chính quyền địa phương thường dùng LGFV để vay tiền từ khu vực tài chính ngầm (shadow banking, tức các loại hình cho vay phi ngân hàng không chịu sự quản lý khắt khe của chính phủ). Do Trung Quốc đang có chủ trương hạn chế đòn bẩy tài chính, các địa phương gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các kênh cho vay truyền thống.

Hồ Việt Hương (https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-05-20/china-s-debt-iceberg-shows-biggest-risk-in-state-dominated-areas http://cafef.vn/fitch-canh-bao-trung-quoc-sap-doi-mat-vu-vo-no-trai-phieu-chinh-quyen-dia-phuong-dau-tien-trong-lich-su-20170925221135273.chn)