Công cụ DeMPA đối với đánh giá hiệu quả công tác quản lý nợ

10:21 AM 09/08/2021 |  Lượt xem: 3777 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Phương pháp đánh giá DeMPA được thực hiện thông qua một Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả quản lý nợ gồm 14 chỉ số được chuẩn hóa và chia thành các nhóm khía cạnh cụ thể nhằm mục đích đo lường hiệu quả quản lý nợ của chính phủ và nắm bắt các yếu tố quan trọng khi công tác quản lý nợ được thực hiện theo thông lệ tốt. Theo phiên bản DeMPA năm 2009, có 6 lĩnh vực chính, 15 chỉ số hiệu quả quản lý nợ (DPIs) và 35 khía cạnh được đánh giá. Phiên bản cập nhật năm 2015 chuyển một số khía cạnh đánh  giá sang DPIs khác nhằm đánh giá được tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các nhiệm vụ quản lý nợ của chính phủ. Theo phiên bản năm 2015, có 6 lĩnh vực được đánh giá gồm Quản lý nhà nước và xây dựng chiến lược; Phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô; Vay nợ và các hoạt động cung cấp tài chính có liên quan; Dự báo dòng tiền và quản lý tồn ngân và Tài liệu lưu trữ về nợ và quản trị rủi ro hoạt động. Với mỗi khía cạnh được đánh giá, phương pháp chấm điểm được sử dụng theo mức A, B, C hoặc D. Điểm C cho thấy rằng yêu cầu tối thiểu cho khía cạnh đã được đáp ứng, đảm bảo hiệu quả tối thiểu về khía cạnh được đánh giá. Nếu như không đáp ứng các yêu cầu tối thiểu theo mức điểm C thì sẽ được điểm D, thể hiện sự thiếu sót trong thực hiện, đòi hỏi phải quan tâm điều chỉnh. Điểm A phản ánh thực hành tốt cho khía cạnh cụ thể của chỉ tiêu. Sau khi chấm điểm các chỉ tiêu, Báo cáo hiệu quả quản lý nợ được lập nhằm đánh giá độc lập, phân tích thực trạng hiệu quả công tác quản lý nợ của Chính phủ, không bao gồm các khuyến nghị về cải cách hoặc kế hoạch hành động.

Năm 2011, WB đã thực hiện đánh giá DeMPA đối với Việt Nam, với điểm số chủ yếu là C, D; điểm số A, B đạt được ở các khía cạnh liên quan đến DPIs về vay nợ nước ngoài; bảo lãnh và cho vay lại; quản lý hệ thống an ninh dữ liệu nợ. Về khung pháp lý, theo đánh giá của WB không có văn bản pháp lý nào nêu mục tiêu quản lý nợ; về cơ cấu quản lý còn có sự phân tán trong công tác quản lý nợ giữa các cơ quan trong Chính phủ; về chiến lược quản lý nợ, còn chưa có hướng dẫn về cơ cấu tiền tệ trong danh mục nợ nước ngoài và chỉ tiêu rủi ro-chi phí và các văn bản chiến lược nợ không được công bố công khai; sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính còn chưa rõ ràng; quản lý tiền mặt chính phủ còn chưa hiệu quả;  chưa có khung quản lý rủi ro hoạt động; năng lực cán bộ được đào tạo tập huấn về các lĩnh vực như Phân tích bền vững nợ, các báo cáo phân tích chuyên sâu của DMFAS còn hạn chế.

Gần 10 năm kể từ đánh giá DeMPA của Việt Nam, môi trường vĩ mô của Việt Nam chứng kiến nhiều thay đổi mạnh mẽ. Việt Nam đã gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp, “tốt nghiệp” vốn vay ODA, bước vào quá trình chuyển tiếp sang vay các nguồn vốn kém ưu đãi hơn. Môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động. Thời gian này Việt Nam về cơ bản đã theo đuổi thành công chính sách củng cố tài khóa, kiểm soát tốt hơn tình hình nợ công, nhờ đó giảm áp lực nợ và tạo đư địa để huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Công tác quản lý nợ đã trải qua rất nhiều thay đổi, đánh dấu mốc bằng Luật Quản lý nợ công sửa đổi năm 2017 và hàng loạt diễn biến liên quan đến thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ…

Khuôn khổ pháp lý, chính sách về quản lý nợ công được hoàn thiện. Hoàn thành việc tổng kết thi hành Luật Quản lý nợ công 2009; xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14. Luật đã thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công cho cơ quan đầu mối là Bộ Tài chính, trong đó có chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND và HĐND cấp tỉnh trong việc quản lý các khoản nợ của CQĐP. Đồng thời, Luật năm 2017 thể chế hóa nhiều chủ trương mới về cơ chế chính sách vay về cho vay lại, cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, góp phần giảm dư nợ công và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ.

Liên quan đến các chỉ tiêu đánh giá DeMPA, công tác quản lý nợ đã có quá trình phát triển và đạt những bước tiến lớn rất đáng ghi nhận. Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Bộ Tài chính đã phân tích các thay đổi trong công tác quản lý nợ tại Việt Nam từ năm 2011 và mô phỏng một bảng điểm mới tại thời điểm hiện tại, theo đó mức điểm đối với từng chỉ tiêu DPI có cải thiện ở cơ cấu quản lý nợ (đã bước đầu giảm mức độ phân tán); ở mức độ phù hợp với thông lệ quốc tế trong xây dựng chiến lược nợ; ở mức độ chi tiết trong kiểm toán nợ công; cải thiện trong sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ và tài khoá; phát hành TPCP đã được thực hiện chủ yếu qua hình thức đấu thầu. Một số điểm cần tiếp tục cải thiện liên quan đến bổ sung nội dung, yêu cầu công khai Chiến lược quản lý nợ; hoàn thiện dữ liệu nợ công; tăng cường năng lực cán bộ cho phận phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô; xây dựng khuôn khổ quản lý rủi ro hoạt động cần thực hiện theo lộ trình do có liên quan đến khuôn khổ pháp lý hiện hành và là những vấn đề mang tính chiến lược, lâu dài.

Trong bối cảnh Cục QLN&TCĐN đang tham mưu cho Bộ xây dựng các kế hoạch, chiến lược quản lý nợ công cho giai đoạn trung, dài hạn, để xác định rõ lộ trình hướng tới một cơ quan quản lý nợ thống nhất, hiện đại theo thông lệ quốc tế, bộ 14 chỉ tiêu DeMPA là khuôn khổ tham chiếu hết sức hữu ích cho Cục QLN&TCĐN và Bộ Tài chính bởi tính bao quát, toàn diện đồng thời đi sâu vào từng nghiệp vụ của quản lý nợ Chính phủ.

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng Việt Nam sẽ triển khai đánh giá DeMPA trong tương lai gần, dù là tự đánh giá (như là bài tập thực hành để phục vụ mục đích nghiên cứu nội bộ), hoặc phối hợp với WB đánh giá. Kết quả đánh giá sau hơn 10 năm kể từ lần đánh giá trước sẽ rất hữu ích, là ý kiến độc lập giúp Cục QLN&TCĐN và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tham khảo để xây dựng lộ trình cải cách công tác quản lý nợ công, hướng tới tính hiệu quả, an toàn, bền vững.

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu trong nước và tài liệu dịch

Luật Quản lý nợ công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật.

Báo cáo của các đơn vị Kho bạc Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (2015). Thiết kế khung pháp lý cho quản lý nợ công.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (2016). Tăng cường quản lý nợ công: các khung pháp lý và chức năng (Việt Nam).

Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (2014). Cẩm nang hướng dẫn công tác quản lý nợ (sửa đổi).

World Bank (2011). Báo cáo đánh giá DeMPA đối với Việt Nam năm 2011.

2. Tài liệu quốc tế

The World Bank Treasury - Public Debt Management Advisory (2017). Government Debt Management: Designing Debt Management Strategies.

World Bank (2009). Debt management performance assessement (DeMPA) methodology.

World Bank (2015). Debt management performance assessement (DeMPA) methodology.

Dương Quỳnh Lê