ESG có nghĩa là sử dụng các nhân tố Môi trường, Xã hội và Quản trị để đánh giá các doanh nghiệp và quốc gia trong việc tiến tới sự bền vững. Một khi các dữ liệu đã được thu thập đầy đủ đối với 3 thước đo này, dữ liệu sẽ được tích hợp vào quá trình đầu tư để xem xét quyết định cổ phiếu hoặc trái phiếu nào nên được đầu tư. Nhân tố Môi trường (E) bao gồm các đóng góp của doanh nghiệp hoặc chính phủ đối với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường thông qua giảm hiệu ứng nhà kính, cùng với kiểm soát rác thải và hiệu quả năng lượng. Trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực chống lại khí hậu ấm lên toàn cầu, cắt giảm khí thải và giảm thải các bon đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhân tố Xã hội (S) bao gồm quyền con người, tiêu chuẩn lao động trong chuỗi cung ứng, rủi ro về lao động trẻ em bất hợp pháp và các vấn đề thường ngày hơn như tuân thủ an toàn và sức khoẻ nơi làm việc. Điểm số Xã hội sẽ tăng nếu một doanh nghiệp hoà nhập với cộng đồng và do đó có “chứng chỉ xã hội” để hoạt động với sự chấp thuận của cộng đồng. Nhân tố Quản trị (G) tham chiếu đến bộ quy tắc hoặc nguyên tắc định nghĩa về quyền, trách nhiệm và kỳ vọng giữa những người có lợi ích khác nhau trong việc quản trị một tổ chức. Một hệ thống quản trị doanh nghiệp/tổ chức minh bạch có thể được dùng để cân bằng lợi ích giữa các nhóm người này và có thể là công cụ hỗ trợ chiến lược dài hạn của công ty/tổ chức.
Theo cách tiếp cận truyền thống đối với tín nhiệm quốc gia, rủi ro tín dụng quốc gia thường được đánh giá từ các trụ cột phát triển kinh tế, gánh nặng nợ của Chính phủ và tài khoá, linh hoạt chính sách tiền tệ, thanh khoản ngoại tệ và cán cân thương mại và các nhân tố thể chế và chính trị. Từ đó sẽ hình thành các thước đo tài chính của rủi ro tín dụng gồm có xếp hạng tín nhiệm, lợi tức trái phiếu và phí bù rủi ro và Hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS). Theo cách tiếp cận mới, việc phân tích các chỉ tiêu ESG sẽ cho thấy các nguyên nhân căn bản tác động đến các nhân tố kinh tế của một tổ chức (Hình 1).
UNEP FI and Global Footprint Network (2012). E-RISC: A New Angle on Sovereign Credit Risk. UNEP Finance Initiative and Global Footprint Network
Việc lựa chọn các chỉ tiêu ESG để đưa vào khung phân tích chủ yếu được dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc theo các nhóm môi trường, xã hội và quản trị. Cả ba tổ chức XHTN lớn nhất trên toàn cầu là S&P, Moody’s và Fitch đều đã tích hợp việc phân tích các chỉ tiêu ESG vào phương pháp đánh giá XHTN quốc gia. Các khuôn khổ phân tích đều được các quốc gia này cập nhật gần đây để phản ánh các thay đổi trong cách tiếp cận và các kỳ vọng của nhà đầu tư. Theo phương pháp đánh giá XHTN tích hợp phân tích chỉ tiêu ESG của S&P cập nhật năm 2020, S&P xác định các yếu tố ESG ảnh hưởng đến năng lực và sự sẵn sàng của chính phủ trong việc thực hiện các cam kết tài chính thông qua việc phân tích 5 trụ cột chính là Thể chế; Kinh tế; Đối ngoại; Tài khoá và Chính sách tiền tệ. Tác động của ESG đến 5 trụ cột có thể được phản ánh thông qua sự thay đổi về quy mô và sự ổn định tương đối của cơ sở doanh thu hiện tại hoặc dự kiến, dòng tiền hoặc tính thanh khoản, hoặc quy mô và kỳ hạn của các cam kết tài chính (Hình 2).
Fitch bắt đầu thực hiện tích hợp phân tích ESG vào đánh giá XHTN chính phủ năm 2019, được thể hiện trong báo cáo nghiên cứu Định hướng XHTN (Ratings Navigator). Fitch là tổ chức XHTN đầu tiên áp dụng cách tiếp cận có hệ thống để đánh giá tác động của ESG đối với XHTN quốc gia.
Fitch xác định tác động của ESG đối với XHTN thông qua chỉ số Điểm số Mức độ tác động của ESG (ESG Relevance Score) được tính theo thang điểm từ 1 đến 5 trong đó (5) là tác động nhiều nhất đến hồ sơ tín dụng. Việc tạo ra Điểm Mức độ tác động của ESG nhằm mục đích tăng cường tính minh bạch của thị trường cũng như đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư về báo cáo đầy đủ hơn về cách thức ESG ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng.
Tổ chức Moody’s ban hành Nguyên tắc chung về đánh giá rủi ro ESG lần đầu tiên vào ngày 9/1/2019 và cập nhật lại phương pháp luận vào ngày 26/04/2021. Theo phương pháp luận cập nhật, điểm số của nhà phát hành đối với 3 chỉ tiêu E, S và G riêng biệt (IPS) và khuôn khổ để thiết lập các điểm số này được đưa ra. Điểm số nhà phát hành đối với chỉ tiêu ESG cho thấy quan điểm của Moody’s về mức độ phơi nhiễm với các rủi ro môi trường, xã hội và quản trị của nhà phát hành. Moody’s cũng giới thiệu Điểm số tác động tín dụng của các chỉ tiêu ESG (CIS) để minh hoạ tác động của các cân nhắc ESG đối với các động lực tín dụng chính. CIS được chấm trên thang điểm 5 trong đó CIS-1 là mức tích cực và CIS-5 là mức Tiêu cực cao. Bên cạnh việc đánh giá tác động tiêu cực của các rủi ro ESG đối với hồ sơ tín dụng, Moody’s cũng cân nhắc các biện pháp giảm thiểu rủi ro và hiệu quả cũng như lộ trình, mục tiêu đạt được trong việc thực hiện các biện pháp đó (Hình 4).
Đối với Việt Nam, một số rủi ro liên quan đến ESG được ba tổ chức này nhìn nhận gồm có Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong khi dư địa tài khóa còn hạn chế; dự báo già hóa dân số trong độ tuổi lao động trong trung hạn đặt hồ sơ tín dụng quốc gia trước những thách thức kinh tế và tài khóa mới và tiềm ẩn rủi ro trong hệ thống ngân hàng mặc dù đã có nhiều cải thiện về chất lượng và thanh khoản tài sản.
Với vai trò quan trọng để các tổ chức XHTN điều chỉnh phân tích và quyết định XHTN của mình, việc nhận diện và thực thi các giải pháp loại trừ, thích ứng, giảm thiểu các rủi ro ESG là việc Việt Nam cần thực hiện để củng cố hồ sơ tín dụng trong dài hạn.
Bản chất của hầu hết các rủi ro này là xác suất xảy ra và mức độ nghiêm trọng cần phải được theo dõi và đánh giá trong dài hạn nên có thể mất hàng thập kỷ mới có thể nhận diện và đánh giá chính xác. Với nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đệm tài khoá còn mỏng, trường hợp các rủi ro ESG hiện thực hoá với tần suất và mức độ ngày càng gia tăng, khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Do đó, việc xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro và khuôn khổ quản lý rủi ro phù hợp là việc cần làm trước mắt.
Vai trò của yếu tố Quản trị cần được đề cao hơn nữa trong việc xác định khả năng phục hồi hoặc không có khả năng phục hồi của Việt Nam trong trường hợp rủi ro hiện thực hoá. Năng lực quản trị tốt sẽ quản lý rủi ro môi trường và tài nguyên thiên nhiên cũng như giải quyết các áp lực nhu cầu xã hội. Năng lực quản trị sẽ định hình hiệu quả của phản ứng chính sách đối với tất cả các loại khủng hoảng hoặc cú sốc, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của Việt Nam trước những sự kiện này.
Tài liệu tham khảo:
The DB (2012). Sustainable Investing. Truy xuất từ https://www.db.com/cr/de/docs/Sustainable_Investing_2012.pdf
The MSCI. What is ESG. Truy xuất từ https://www.msci.com/what-is-esg
The OECD (2020). ESG investing practice progress and challenges. Truy xuất từ https://www.oecd.org/finance/ESG-Investing-Practices-Progress-Challenges.pdf
IMF (2020). Báo cáo điều khoản IV đối với Việt Nam.
Moody’s (2019). General Principles for Assessing Environmental, Social and Governance Risks.
Moody’s Investors Service (13 August 2017). Issuer-in-depth research, Sovereigns - Asia Pacific Investment in human capital can offset demographic drag on growth.
Moody’s Investors Service (15 August 2020). Issuer-in-depth research, Credit profiles of small, agriculture-reliant sovereigns most susceptible to climate change risk.
Moody’s Investors Service (16 January 2020). Issuer-in-depth research, Sea level rise poses long-term credit threat to a number of sovereigns.
Principles for Responsible Investment (2018). Shifting perceptions: ESG credit risk and ratings from disconnect to action areas.
S&P Global Ratings (2018). How Environmental, Social, And Governance Factors Help Shape The Ratings On Governments, Insurers, And Financial Institutions.
S&P Global Ratings (2020). The Role Of Environmental, Social, And Governance Credit Factors In Our Ratings Analysis.
UNEP FI and Global Footprint Network (2012) E-RISC: A New Angle on Sovereign Credit Risk. UNEP Finance Initiative and Global Footprint Network: Geneva, Switzerland.