Kỳ 1: Sự sùng bái tăng trưởng

05:38 PM 09/01/2020 |  Lượt xem: 624 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Hơn bảy mươi năm qua các xã hội phát triển trên thế giới vẫn thường đứng tô điểm, ngắm mình trước gương và ngưỡng mộ những gì mình nhìn thấy: tăng trưởng. Chiếc gương đó được gọi là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nó đã trở thành tiêu chí căn bản để đánh giá xem chúng ta đẹp như thế nào, trên cả hai phương diện kinh tế lẫn xã hội. Nền kinh tế - cái mà GDP được dùng để đo lường, là tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta. Bạn không thể ngửi thấy nó hay chạm vào nó. Nhưng nó là vấn đề thường xuyên được bàn tán trong thế giới hiện đại. Nó được chạy tít trên mục tin tức thời sự, trên kênh kinh doanh và là chủ đề trong các tranh luận chính trị. Thế nhưng với khái niệm căn bản này, điều đáng ngạc nhiên là lại có rất ít người biết chính xác nền kinh tế là gì và người ta đo lường sự tiến triển của nó như thế nào. Tất cả những gì chúng ta biết đó là nó phải liên tục tiến lên phía trước, giống như một con cá mập vậy.

Ảo tưởng về GDP

Trong thời đại ngày nay, chúng ta đo lường nền kinh tế theo tiêu chí GDP và đi ngược với những cảnh báo của chính cha đẻ ra khái niệm này. GDP đã trở thành đại diện để đánh giá sự thịnh vượng của một quốc gia. Nếu nền kinh tế tăng trưởng nghĩa là mọi thứ chắc hẳn phải tốt đẹp, ngược lại nếu nó bị thu hẹp có nghĩa rằng mọi thứ sẽ tồi tệ. Nhưng tấm gương mà chúng ta vẫn thường dùng để ngắm mình lại giống như cái chợ trời hơn là tấm gương trong nhà tắm. Hình ảnh được phản ánh phía sau đều méo mó và ngày càng khác xa thực tế. Tấm gương kinh tế của chúng ta đã bị tan vỡ.

Chúng ta đang sống trong một “Thời đại giận giữ”, được định hình bởi những phản ứng tiêu cực và sự chối bỏ những thể chế và lý tưởng vốn được ca ngợi trước đây, trong đó gồm cả chính bản thân chủ nghĩa tự do phương tây. Ở Mỹ, điều này đã dẫn đến sự nổi lên của Donald Trump. Nước Anh là việc bỏ phiếu cho Brexit và ở Châu Âu lục địa là sự thắng thế của các đảng phái phi truyền thống, cả cánh tả và cánh hữu, đã làm lung lay sự ổn định vốn có lâu nay. Những biến động chính trị xuất phát từ các cuộc nổi dậy ở khắp nơi, từ khắp Ấn Độ tới Brazil và từ Philippines cho đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Có nhiều lý giải khác nhau về nguyên nhân dẫn đến những cơn thịnh nộ xảy ra ở các quốc gia nếu đánh giá bằng các thước đo truyền thống thì chưa bao giờ giàu có hơn bây giờ. Mặc dù vậy, đây cũng là điều bình thường. Người ta không nhìn thấy được thực tế cuộc sống của mình được phản ánh trong bức tranh chính thức, bức tranh chủ yếu được tô vẽ bởi các nhà kinh tế. Một số nguyên nhân dẫn đến các cuộc nổi dậy, bạo động xuất phát từ vấn đề bản sắc, một loại cảm giác vô vọng:  không có khả năng mua nhà ở, thiếu cộng đồng và giận giữ đối với hệ thống chính trị tiền bạc và sự gia tăng bất bình đẳng xã hội. Một số thì xuất phát từ thực tế rằng định nghĩa về tăng trưởng và kinh tế của chúng ta không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống của người dân. Cần thiết phải chỉ ra khoảng cách giữa những gì các chuyên gia nói về cuộc sống của chúng ta và những gì mà chúng ta thực sự cảm nhận trong cuộc sống hàng ngày.

Mặc dù hầu hết mọi người đều nghe nói đến GDP, rất ít người biết rằng khái niệm này chỉ vừa mới được phát minh từ những năm 1930 của thế kỷ trước như là một công cụ để đối phó với cuộc Đại suy thoái và sau đó được dùng lại như là công cụ để chuẩn bị cho Thế chiến thứ hai. Điều đầu tiên cần hiểu là nền kinh tế không phải là một hiện tượng tự nhiên, hay một sự thật được khám phá. Trước năm 1930 nó hoàn toàn không hề tồn tại. Nó chỉ đơn giản là khái niệm do con người nghĩ ra, cũng giống như kẹo bông, như bảo hiểm ô tô hoặc như nguyên lý kế toán kép. 

Nếu ví GDP là một con người, thì đó là một ngời rất thờ ơ, thậm chí là mù quáng trước những giá trị đạo đức. Nó đo lường sản lượng của bất kỳ cái gì, dù tốt hay xấu. Trên thực tế, GDP thích sự ô nhiễm, cụ thể là khi bạn phải tiêu tiền để giải quyết ô nhiễm. Nó cũng thích tội phạm bởi vì nó muốn chi tiền cho lực lượng cảnh sát khổng lồ và sửa chữa những cửa sổ bị đập vỡ. GDP thích bão Katrina và không hề ghét các cuộc chiến tranh. Nó thích đo lường sự tích tụ trở thành các cuộc xung đột qua súng đạn và máy bay để rồi sau đó lại tính toán các giá trị tạo ra để tái thiết các thành phố đổ nát sau chiến tranh.  GDP rất giỏi tính toán, nhưng không giỏi trong việc đánh giá chất lượng. Nó có lối hành xử trên bàn ăn thật kinh khủng. Đối với GDP, một bữa tối với ba cái dĩa cũng không khác gì một con dao, một cái dĩa và một cái thìa.

GDP là một kẻ vụ lợi. Nó không đếm xỉa đến các giao dịch không có tiền trao tay. Nó không thích việc nhà và nó lờ đi tất cả các hoạt động tình nguyện. Ở các nước nghèo nó gặp khó khăn trong việc tính đếm hết tất cả những nỗ lực của con người, rất nhiều trong số đó diễn ra bên ngoài nền kinh tế tiền tệ. Nó có thể đếm một chai nước khoáng Evian trong siêu thị nhưng không thể đo lường được mức độ ảnh hưởng kinh tế của việc một cô gái ở Ethiopia phải đi bộ hàng dặm để lấy nước ở một cái giếng về dùng cho sinh hoạt. 

Suy cho cùng, tăng trưởng là một đứa con của thời đại sản xuất và GDP ban đầu được thiết kế để đo lường hoạt động sản xuất vật chất. Nó rất khó có thể tính đếm một cách có ý nghĩa đối với nền kinh tế dịch vụ hiện đại, đó là một sự khiếm khuyết ở nơi các nước giàu, vốn là chỗ mà các dịch vụ như bảo hiểm và làm vườn khá phổ biến. Nó không tệ trong việc tính toán hoạt động sản xuất gạch, thép và xe đạp “ những thứ mà bạn có thể dẫm dưới chân”. Nhưng khi cố gắng tính toán đến các khóa học phân tích tâm lý, dịch vụ cắt tóc hoặc tải nhạc thì nó trở nên mờ nhạt một cách rõ rệt. Nó không giỏi đo lường tiến bộ, chính là thứ mà chúng ta tưởng rằng nó phải rất giỏi. Theo tiêu chuẩn đo lường tăng trưởng của chúng ta, ngày nay một liều thuốc kháng sinh chỉ đáng giá vài đồng bạc lẻ nhưng nếu vào thế kỷ trước, một tỷ phủ mắc bệnh giang mai có thể sẵ sàng bỏ ra nửa số tài sản của mình cho một liệu trình điều trị bằng kháng sinh trong 7 ngày. 

Tóm lại, định nghĩa của chúng ta về nền kinh tế khá thô thiển. Như ai đó đã nói một cách hài hước rằng: ‘Nếu bạn bị kẹt xe một giờ, thì việc đó sẽ đóng góp cho GDP. Nhưng nếu bạn đi ra ngoài, đến chơi nhà bạn bè và giúp đỡ họ thì việc đó lại không được tính vào GDP. Đó chính là “tất cả những gì mà bạn cần biết” về GDP’.

Tất cả chúng ta đều có linh cảm rằng có điều gì đó sai nhưng lại thấy rất khó để lý giải nguyên nhân của những sai sót đó. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 chính là tín hiệu cuối cùng cho thấy rằng kinh tế học đã làm chúng ta phải thất vọng. Trong suốt quá trình dẫn đến viêc sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers và suy thoái hàng loạt ở hầu khắp các nước Phương Tây, sự sùng bái tăng trưởng đã khiến chúng ta luôn ca tụng nền kinh tế của mình. Những người như Alan Greenspan - Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ nói rằng mọi thứ sẽ thuận buồm xuôi gió và rằng nên để thị trường tự điều tiết để có thể tạo ra nhiều của cải hơn nữa.

Thực tế, thước đo chuẩn của chúng ta, GDP chỉ cho ta biết rất ít thông tin về việc tăng trưởng được tạo ra như thế nào: rằng nó được xây dựng trên nền móng của sự bùng nổ tín dụng nhà ở và các thủ thuật tài chính thông minh (hay thực ra là xuẩn ngốc) hơn bao giờ hết, được tạo ra bởi các chuyên gia ngân hàng luôn kiếm tìm lợi nhuận. Các nền kinh tế phát triển được cho là đã đạt đến một “cõi niết bàn” mới, còn được biết đến như là Thời - Kỳ - Ôn - Hòa - Vĩ - Đại, ở đó những đợt khủng hoảng kiểu bong bóng đã đi vào lịch sử nhờ những nhà kỹ trị thông minh, và ở đó nếu thị trường được để cho tự do vận hành thì nó sẽ luôn mang đến trạng thái cân bằng hạnh phúc. 

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cũng chẳng nói được bao nhiêu về sự bất bình đẳng đang gia tăng hay về những mất cân đối trên toàn cầu. Mỹ đang phải đương đầu với những khoản thâm hụt thương mại khổng lồ được tài trợ bởi những nhà xuất khẩu dầu lửa của Trung Đông và bởi Trung Quốc. Cả hai đều bận rộn tái đầu tư tiền từ xuất khẩu vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Thực chất là người Trung Quốc đang cho người Mỹ vay tiền để mua tất cả những thứ được sản xuất ở Trung Quốc - công xưởng của thế giới. Điều đó khiến tăng trưởng chạy lòng vòng cho đến khi nó dừng lại và sụp đổ. Nhiều năm sau khủng hoảng, các quốc gia Phương Tây, đặc biệt là Châu Âu vẫn phải vật lộn để đưa nền kinh tế trở lại mức trước năm 2008. Phần lớn sự tăng trưởng của những năm trước có được hóa ra chỉ là sự ảo tưởng.

Tăng trưởng đòi hỏi truy cầu vô tận

Một vấn đề với tăng trưởng là nó đòi hỏi sản xuất và tiêu dùng vô tận. Tăng trưởng cuối cùng sẽ bị đình trệ, trừ khi chúng ta ngày càng muốn nhiều vật dụng và càng nhiều trải nghiệm dịch vụ phải trả tiền hơn. Để nền kinh tế của chúng ta liên tục tiến về phía trước, chúng ta phải luôn không được thỏa mãn, phải có nhu cầu vô tận. Nền tảng của kinh tế học hiện đại dựa trên giả định rằng nhu cầu của con người đối với vật chất là vôn hạn. Vậy nhưng, sâu thẳm trong tim mình, chúng ta thấy điều này thật sự điên rồ. 

Vài năm trước tạp chí trào phúng the Onion (Củ hành tây) có đăng tải một câu chuyện về Trần Hiển (1), một nhân vật hư cấu là công nhân người Trung Quốc sản xuất đồ nhựa cho những người Mỹ buồn chán. Theo phong cách Onion đúng nghĩa, đó chỉ là một câu chuyện hài giải trí, nhưng nó đã chạm đến thực chất của vấn đề. Trần Hiển đã liên tục lắc đầu ngạc nhiên về những thứ vô dụng đến không thể tin mà anh ta được yêu cầu làm, từ súng bắn salad, máy phân phối túi nylon đến máy làm trứng ốp la vi sóng, kính phóng to trang sách phát sáng trong bóng tối, giỏ đựng quà Giáng sinh, hộp đựng kính áp tròng hình động vật và móc dính tường. “Và tôi cũng nghe nói rằng khi họ không muốn một thứ gì trong số đó, họ đơn giản là vứt chúng đi. Thật lãng phí và đáng khinh”, anh ta chế giễu. “Tại sao lại cần lắm thứ trong nhà bếp đến thế? Có một cái chảo tốt, một nồi cơm điện, một ấm đun nước, một ít bát đĩa, đồ sứ, một bình lọc trà và có thể là một bình giữ nhiệt thì còn có thể hiểu được. Nhưng tất cả những thứ thừa thãi này thì người Mỹ người ta cất vào đâu? Người ta dùng đến cái giá đặt vỏ bánh taco được mấy lần? Ôi, tôi cần cái phân loại ngăn kéo đựng đồ bạc, nếu không tôi chết mất. Câm mồm đi đồ người Mỹ ngu xuẩn. 

Sự phàn nàn của Trần Hiển gây nóng gáy bởi hầu hết chúng ta trong thế giới giàu có này biết rằng chúng ta liên tục mua mọi thứ mà chúng ta không bao giờ biết mình muốn và sẽ không bao giờ dùng lại. Những quảng cáo và sự ghen tỵ với bạn bè và hàng xóm khiến chúng ta mua nhiều hơn và liên tục phải cập nhật. Vào lúc bạn đọc bài này, chiếc iphone 5 của tôi có thể chỉ còn là một thứ đồ bỏ đi. Chúng ta cũng biết rằng những thứ hàng hóa như máy giặt và máy làm bánh mỳ được thiết kế với chủ đích dễ hỏng để chúng ta sẽ mua nhiều hơn và cuốn vào vòng xoáy tiêu dùng bất tận.

Những thứ mà Trần Hiển sản xuất có vẻ như rất ngớ ngẩn. Nhưng chúng không phải là hư cấu. Những cuốn catalog (2) của SkyMall (3) cho phép hành khách trên máy bay đặt hàng từ chỗ ngồi của họ để mua một loạt những thứ phải có, gồm chân dung thú cưng của bạn trong trang phục quý tộc thế kỷ 17 (giá 49 USD), một đầu con sóc nhồi bông (giá 24,95 USD), tượng con khỉ vắt vẻo với kích cỡ như thật (giá 129 USD) và quan trọng nhất là miếng cao su cho con chó của bạn (29,95 USD). Khi các nhà kinh tế học nói rằng nguyên nhân của những vấn đề hiện tại của thế giới là do sự thiếu hụt nhu cầu kinh niên, người ta phải tự hỏi chúng ta còn mong muốn những gì nữa đây? 

Từ góc nhìn của của kinh tế học, thế giới chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ và sức tiêu dùng của chúng ta chưa bao giờ to lớn như hiện nay. Dù ít hay nhiều thì nước Mỹ đã tăng trưởng liên tục kể từ khi lần đầu tiên công bố hệ thống tài khoản quốc gia vào năm 1942. Anh và các nước Châu Âu cũng tương tự. Sau cú trượt dốc của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, phần lớn các nền kinh tế đã quay lại với quỹ đạo đi lên, dù ở tốc độ chậm hơn. Vì vậy, ngay cả khi tăng trưởng đã chậm lại, nền kinh tế của chúng ta chưa bao giờ lớn hơn bây giờ. Nếu nói tăng trưởng được tích lũy liên tục là thước đo cho cho sự giàu có thì chúng ta chắc hẳn chưa khi nào hài lòng như bây giờ.

Trái ngọt tăng trưởng đâu có được chia đều cho mọi người

Một vấn đề hiển nhiên đối với việc đặt quá nhiều niềm tin vào tăng trưởng đó là trái ngọt tăng trưởng đâu có được chia đều cho mọi người. Chỉ tiêu thu nhập bình quân của chúng ta - hay sự giàu có được tính toán bằng cách lấy quy mô nền kinh tế chia cho số người sống ở đó. Những con số thống kê trung bình là một cái bẫy. Chúng đem đến những nhầm lẫn tai hại. Có nhân viên ngân hàng này thu nhập cao hơn nhân viên ngân hàng khác và nhân viên đó lại có thu nhập cao hơn những người thất nghiệp. Nói quá đi, nếu toàn bộ chiếc bánh kinh tế của một quốc gia giàu có được phân bổ cho duy nhất một cá nhân và những người khác không được miếng nào thì khi tính trung bình, quốc gia đó vẫn có thu nhập bình quân đầu người rất cao trong khi những người bình thường lại có thể phải chết đói. 

Tuy vậy, thế giới thực không phải quá cực đoan như trên, ngoại trừ trường hợp của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng ngay cả ở các nước như Mỹ, tính “trung bình” cũng có sự thiên lệch rất lớn. Chúng ta hãy tưởng tượng một chút rằng phần lớn sự giàu có được tạo ra hàng năm được phân bổ cho chỉ từ 1% hay thậm chí 0,1% dân số. Có vẻ như khó tin ư? Trên thực tế, chỉ có 16.000 hộ gia đình, chiếm khoảng 0,01% dân số Mỹ, đã tăng gấp 5 lần tài sản kể từ năm 1980. Giờ đây họ được hưởng miếng bánh kinh tế Mỹ còn lớn hơn so với những người giàu trong “Thời kỳ vàng” (Gilded Age) vào cuối thế kỷ 19. Nếu kinh tế nước bạn tăng lên chỉ đơn giản vì người giàu trở nên giàu hơn và nếu bạn làm việc chăm chỉ và cật lực hơn nhưng vẫn chỉ đủ duy trì cuộc sống qua ngày, thế thì bạn được quyền chất vấn: Vậy chính xác sự phát triển này là để làm gì?

Điều này đặc biệt đúng bởi vì hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác chỉ ra rằng hạnh phúc của con người không phụ thuộc vào sự giàu có tuyệt đối của họ mà phụ thuộc là sự giàu có tương đối của họ so với những người xung quanh. Trong một thí nghiệm được đăng trên một tờ báo có tựa đề “Những con khỉ từ chối trả lương không công bằng”. Ban đầu, hai con khỉ capuchin (4) hài lòng với phần thưởng là những quả dưa chuột sau khi chúng thực hiện thành công một trò diễn. Nhưng khi một con khỉ được giao nhiệm vụ khó hơn thì phần thưởng là những quả nho, con khỉ đã nhận được quả dưa chuột trước đó trở nên giận giữ, nó tức giận quăng món salad mà nó vốn rất hài lòng trước đó vào người huấn luyện. “Nền kinh tế” của lũ khỉ đã tăng trưởng bởi vì nho thì tốt và đắt hơn dưa chuột. Nhưng kết quả của sự bất bình đẳng chỉ đưa đến sự bất mãn, không hài lòng. Con người cũng tương tự. Khi các nhân viên tại Đại học California được cung cấp thông tin về lương của đồng nghiệp, những người đã phát hiện ra họ được trả thấp hơn mức trung bình bỗng nhiên trở nên không hài lòng và có xu hướng tìm kiếm một công việc mới. Thái độ của những người có thu nhập trên mức trung bình thì không bị ảnh hưởng gì hay cũng không cảm thấy hạnh phúc hơn.

Vậy thì tăng trưởng kinh tế phần nào đó chính là tác động tổng hợp của một cuộc chạy đua giữa những cá nhân cố gắng vượt xa những người khác, những người hàng xóm của mình. Hãy hình dung bạn đi đến nhà hàng trong khu bạn sống và biết rằng không ai còn sẵn lòng làm việc với mức lương trước kia của người bồi bàn hay người đầu bếp nữa. Sự giàu có tương đối của bạn phụ thuộc vào sự nghèo đói tương đối của ai đó. Và đó chính là sự thúc ép cá nhân để tiến lên phía trước hoặc tiếp tục duy trì vị trí ở trước khiến chúng ta phải chạy ngày càng nhanh hơn và nhanh hơn trên chiếc “bánh xe kinh tế của chuột hamster”, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước mà không khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Nếu một người bồi bàn kiếm được 100.000 USD một năm thì bạn phải kiếm được 200.000 USD để khiến anh ta phải phục vụ bạn thức ăn. Nếu anh ta kiếm được 200.000 USD thì bạn phải kiếm được 400.000 USD và cứ như vậy tiếp diễn và tiến lên.

Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Hàng nghìn năm trước đây, không ai biết, không ai nghe nói đến tăng trưởng là cái gì. Nền kinh tế nông nghiệp trước đây  về cơ bản là trong trạng thái tĩnh. Chỉ với cuộc cách mạng công nghiệp con người mới có thể, một cách chậm chạp lúc ban đầu, tăng sản lượng năm này qua năm khác. Đó là lý do tại sao Anh, sau đó là châu Âu, rồi đến Mỹ, Úc và New Zealand dần dần bứt khỏi nhóm, bỏ lại phía sau nền kinh tế về cơ bản vẫn là dựa vào nông nghiệp ở các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. 

Chính xác thì nền kinh tế là cái gì?

Nếu tăng trưởng là một khái niệm còn tương đối mới đối với xã hội loài người thì nền kinh tế thậm chí còn là khái niệm mới hơn. Trước khi phát minh ra GDP, thật khó xác định “nền kinh tế” là gì, ngay cả khi bạn muốn làm việc đó. Trước đó, nền kinh tế là việc tiết kiệm chi phí - điều mà nhà văn Jane Austen ám chỉ khi viết cho chị gái mình vào năm 1808: “Em sẽ ăn kem, uống rượu vang Pháp và đứng trên nền kinh tế thô bỉ”, với ý nghĩa là hoang phí (?)

Ngày nay chúng ta đã quá quen thuộc với các khái niệm về nền kinh tế và tăng trưởng kinh tế. Người ta có thể đi xa tới mức nói rằng nó thống trị cuộc sống của chúng ta. Nhưng những khái niệm này chính xác là gì? Nếu các chuyên gia đã thiết kế một hệ thống mà không giúp chúng ta hiểu được thực tại cuộc sống của mình, thì các chính phủ cũng sẽ không có một thước đo đáng tin cậy để hiểu được xã hội. Và nếu những gì chúng ta đo lường là sai hoặc không đầy đủ, thì những gì chúng ta nhận được về phương hướng và chính sách cũng sẽ sai lầm và phiến diện. Các chính phủ thường đưa ra các chính sách nhằm tối đa hóa các kết quả được đo lường. Trong nhiều thập kỷ, điều đó có nghĩa là tối đa hóa tăng trưởng.

Ở Anh, cựu Thủ tướng Tony Blair và David Cameron đều khởi xướng các dự án nhằm đo lường mức sống cũng như tăng trưởng kinh tế. Mặc dù những tham vọng đó đã biến mất trước công chúng, chúng đã bắt đầu thay đổi các cuộc tranh luận cũng như tác động đến cách mà các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ về nền kinh tế. Chẳng hạn, nước Anh đã dẫn đầu trong nỗ lực đánh giá các dịch vụ công cộng như y tế và giáo dục, vốn đã bị bỏ sót bởi các thước đo kinh tế thông thường. Tại Pháp, ông Nicolas Sarkozy, một cựu Tổng thống cánh hữu, một người không hẳn nổi tiếng vì muốn thay thế các nền tảng của chủ nghĩa tư bản, đã thành lập Ủy ban đo lường hiệu quả kinh tế và tiến bộ xã hội. Trong lời tựa cho bản thảo cuối cùng, ông viết: “Chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi cách hành xử của mình trừ khi chúng ta thay đổi cách thức đo lường hiệu quả kinh tế.” Các chuyên gia đã biết từ lâu rằng chúng ta đã không đo lường đúng đắn nền kinh tế của chúng ta, chứ đừng nói đến mức sống. “Chúng ta biết rằng các chỉ số là có hạn chế, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục dùng chúng như thể chúng không sai… Chúng ta đã tạo nên một sự sùng bái số liệu, và giờ chúng ta bị đóng chặt trong nó”, ông Sarkozy nói.

Mối nguy hiểm đó, ông Sarkozy viết trong lời nói đầu, là điềm báo của những cuộc nổi dậy dân túy khắp thế giới, một thứ bản năng khi mọi người phát hiện ra rằng họ đã bị đánh lừa. “Đó là cách chúng ta bắt đầu tạo nên khoảng cách bất đồng giữa một chuyên gia tự tin về kiến thức của mình và những người dân thường sống cuộc sống khác hoàn toàn với câu chuyện được kể bởi số liệu. Khoảng cách này rất nguy hiểm bởi vì cuối cùng sẽ khiến người ta tin rằng mình bị lừa dối. Không gì phá hoại nền dân chủ hơn thế”, ông Sarkozy nói.

Chúng ta sống trong một xã hội mà một “thầy tu kinh tế học” được đào tạo bài bản để vận dụng các công thức toán học phức tạp, tạo ra khuôn khổ cho các cuộc tranh luận công khai. Cuối cùng, chính các nhà kinh tế là người đã quyết định chúng ta có thể chi tiêu bao nhiêu cho giáo dục, thư viện công cộng, quân đội và tỷ lệ thất nghiệp bao nhiêu là chấp nhận được hay việc in tiền để cứu trợ các ngân hàng yếu kém do cẩu thả là đúng hay sai.

Câu nói của Bill Clinton rằng “đó chính là nền kinh tế, đồ ngốc” có nghĩa rằng các cử tri chỉ quan tâm đến trạng thái của nền kinh tế. Tại thời điểm đó, điều này có phần đúng một chút sự thật. Mặc dù rất ít người có thể đưa ra định nghĩa chính xác về “nền kinh tế” thực sự là gì, nhưng nhiều người đã bỏ phiếu theo nhận thức của họ về kết quả vận hành của nó. Điều đó có thể dựa trên kinh nghiệm cá nhân về những đánh giá cụ thể như: liệu công việc của họ có được đảm bảo hay không và các khoản nợ vay thế chấp nhà của họ có thể trả được không. Tuy nhiên, hai quý liên tiếp với tăng trưởng âm - bản chất là định nghĩa về sự suy thoái là đã đủ để có thể chôn vùi sự nghiệp của một chính trị gia. Các cử tri đã bị tấn công bởi một khái niệm trừu tượng mà chúng ta đang nói tới là tăng trưởng.

Kể từ bấy giờ, có điều gì đó đã thay đổi. Những cuộc nổi dậy mà chúng ta đang chứng kiến gợi ý rằng mọi người đang muốn chấm dứt thời kỳ thống trị của các nhà kinh tế học và sự mô tả sai lầm của họ về cuộc sống của chúng ta. Điều này có thể có tính chất giải thoát song nó cũng hàm chứa nguy hiểm. Liệu chúng ta có chắc rằng chúng ta muốn muốn những người không có chuyên môn đi xây cầu, điều khiển máy bay hay phẫu thuật tim? Liệu chúng ta có muốn những người không phải các nhà kinh tế vận hành nền kinh tế của mình? Vấn đề đối với các nhà kinh tế là họ thường đòi hỏi một sự chính xác về tính khoa học, điều mà chính chuyên ngành của họ không thể có. Họ cũng nói bằng một thứ ngôn ngữ lạc điệu với trải nghiệm sống của mọi người. Đó là lý do tại sao người dân cần hiểu được những nguyên tắc cơ bản về thứ ngôn ngữ của các nhà kinh tế, để có khả năng hiểu được những gì đang được nghe và đòi hỏi thay đổi nếu cần

Những người bảo vệ thước đo GDP cho rằng bản thân nó không phải được tạo ra để phản ánh mức sống. Chỉ trích GDP thất bại trong việc đo lường mọi thứ quan trọng trong cuộc sống cũng giống như đổ lỗi cho một cái thước dây vì không thể cho ta biết thông tin về cân nặng hay tính cách của con người. Đó là một giải đáp hợp lý nếu “nền kinh tế” chỉ như một khái niệm thông thường khác, một trong nhiều cách thức mà chúng ta dùng để đo lường những gì chúng ta đang làm trong xã hội. Tuy nhiên, vượt xa khái niệm thông thường, tăng trưởng kinh tế đã trở thành một linh vật, nó đại diện cho mọi thứ mà chúng ta quan tâm, một đền thờ mà chúng ta sẵn sàng dâng hiến tất cả vì nó. Chúng ta được cho biết rằng, để đạt được tăng trưởng  có thể phải làm việc trong nhiều giờ hơn, cắt giảm các dịch vụ công, chấp nhận bất công gia tăng, từ bỏ quyền riêng tư và để cho các nhân viên ngân hàng tự do hơn.  Nếu các nhà môi trường nhận định đúng thì việc theo đuổi tăng trưởng vô hạn thậm chí có thể đe dọa đến chính sự tồn tại của nhân loại, tàn phá đa dạng sinh học của chúng ta và đẩy chúng ta đến mức tiêu dùng vô tội vạ, không bền vững và phát thải nhiều khí CO2, những thứ khiến cho hành tinh này, vốn là nơi mang đến sự giàu có cho chúng ta bị hủy hoại.

Chỉ duy nhất trong kinh tế học thì sự mở rộng bất tận mới được xem là cao cả. Trong sinh vật học và y học điều đó được gọi là bệnh ung thư. 

Chúng ta sẽ dần dần, từng bước hiểu được những khía cạnh kỹ thuật trong tính toán GDP; đồng thời suy nghĩ về những lựa chọn tính toán, đo lường. Tất nhiên chẳng có phép đo nào là hoàn hảo về sự thịnh vượng, công bằng, bền vững so với những nhận thức chủ quan của chúng ta về những vấn đề này (như là cảm nhận về hạnh phúc của bạn và của tôi). Ta sẽ không tuyên chiến với tăng trưởng. Có thể có ai đó sẽ nhầm là chúng ta muốn làm như vậy. Chúng ta sẽ chỉ chỉ ra điều gì là sai với phép đo tăng trưởng với hy vọng có thể thoát khỏi sự tôn thờ nó. Cách mà chúng ta đo lường nền kinh tế có logic của nó, dù nó ngày càng trở nên kém logic hơn khi chúng ta chuyển từ sản xuất sang dịch vụ và từ kỹ thuật analog sang kỹ thuật số. Nhưng đó là một cách đo lường rất hạn hẹp, chỉ giống như nhìn thế giới qua khe cửa sổ. Ta cần mở rộng tầm nhìn của mình để hình ảnh mà chúng ta có được phản ánh cuộc sống của chúng ta đầy đủ hơn.

Kinh tế học có lẽ đưa ra một cái nhìn méo mó về thế giới. Rất nhiều điều quan trọng với chúng ta, từ không khí sạch cho đến đường phố an toàn và từ công việc ổn định đến tinh thần sảng khoái đều nằm ngoài tầm nhìn hay phạm vi đo lường của kinh tế. Tất nhiên, chúng ta có thể chỉ việc phủi tay và để người khác lo nghĩ về định nghĩa chính xác của tăng trưởng kinh tế. Nhưng điều đó có nghĩa rằng, ta tự rút lui khỏi các cuộc tranh luận. Nó có nghĩa là để lại mọi vấn đề trong cuộc sống cho các chuyên gia tự phong. Và như ta thấy, điều đó đã dẫn chúng ta đến đâu.

(1) Chen Hsien, tạm phiên ra tiếng Việt là Trần Hiển

(2) Cuốn giới thiệu sản phẩm

(3) SkyMall: dịch vụ bán hàng trên chuyến bay

(4) Một loại khỉ sống ở Tân Thế Giới, trông có lông mặt màu trắng.

Nguyễn Trọng Nghĩa