Quản lý nợ công thận trọng và bền vững – Kinh nghiệm của Việt Nam

06:36 PM 03/06/2019 |  Lượt xem: 425 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Ngày 23 tháng 5 năm 2019 tại Quảng Ninh, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã có bài trình bày tại Hội nghị toàn thể Mạng lưới Quản lý Chi tiêu Công tại Châu Á (PEMNA) về nội dung “Quản lý nợ công thận trọng và bền vững – Kinh nghiệm của Việt Nam”.

Tại Hội nghị, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính có bài trình bày chia sẻ những đánh giá về xu hướng nợ công trong giai đoạn 2011-2018.

Ông Võ Hữu Hiển cho biết các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia về cơ bản nằm trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn. Tốc độ gia tăng quy mô nợ công đã từng bước được kiểm soát. Về quy mô, dư nợ công cuối năm 2015 gấp 2,3 lần năm 2010, bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 18,1%/năm (gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP), chủ yếu do bội chi duy trì ở mức cao nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng theo chủ trương của của Đảng, Quốc hội

Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trình bày tại Hội nghị.

Giai đoạn 2016-2018, các chỉ tiêu về nợ có nhiều chuyển biến tích cực; tốc độ gia tăng nợ công đã được kiềm chế hiệu quả, trung bình đạt 8,2%/năm (thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa cùng thời kỳ khoảng 9,7%/năm). Đến cuối năm 2018, so với GDP, nợ công ở mức 58,4%, nợ Chính phủ khoảng 50,0%, góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia. Các chỉ tiêu nợ công trong năm 2019 và 2020 dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong các giới hạn đã được Quốc hội cho phép và có bước cải thiện tích cực

Diễn biến tỷ lệ nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP (đơn vị % GDP)

Định hướng quản lý nợ chặt chẽ để bảo đảm an toàn nợ công

Tại Hội nghị PEMNA, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng chia sẻ một số định hướng chủ đạo trong công tác quản lý nợ của Việt Nam trong giai đoạn tới để đảm bảo an toán nợ công, an ninh tài chính quốc gia.

  • Đáp ứng nhu cầu huy động vốn với mức chi phí và rủi ro phù hợp, kiểm soát các chỉ tiêu về nợ trong giới hạn cho phép.
  • Tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc vốn trong nước là quyết định, vốn nước ngoài là quan trọng. Tập trung huy động tối đa đối với nguồn vốn vay ODA còn lại, hợp lý đối với nguồn vay ưu đãi nước ngoài. Tăng cường khả năng chủ động tiếp cận, tham gia thị trường vốn quốc tế.
  • Vay bù đắp bội chi NSNN chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển; cải thiện cân đối NSNN.
  • Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay và trách nhiệm trả nợ, Tập trung nguồn vốn vay công cho các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn.
  • Tiếp tục tái cơ cấu nợ theo hướng bền vữngthông qua các giao dịch phái sinh, các nghiệp vụ gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ, đảo nợ, hoán đổi nợ và mua lại nợ nhằm đạt được cơ cấu nợ Chính phủ với chi phí-rủi ro hợp lý. Không vay ngắn hạn cho đầu tư phát triển.
  • Kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng. Kiên quyết không thực hiện chuyển đổi cơ chế từ cho vay lại sang NSNN đầu tư trực tiếp đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay kém hiệu quả; đồng thời chuyển dần tư cơ chế cấp phát sang cơ chế cho vay lại.
  • Tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước từng bước theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn
  • Tách bạch nghiệp vụ huy động vốn cho đầu tư, vay bù đắp bội chi NSNN với nghiệp vụ quản lý tiền mặt để đảm bảo đệm thanh khoản, theo đó cho phép phát hành tín phiếu, TPCP kỳ hạn ngắn phục vụ mục tiêu quản lý ngân quỹ và hoàn thiện đường cong lãi suất.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm..

Hồ Việt Hương