Tăng cường giám sát chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài

06:11 PM 03/06/2019 |  Lượt xem: 745 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp và tổ chức khác vay theo phương thức tự vay, tự trả. Luật Quản lý nợ công năm 2017 quy định 2 chỉ tiêu an toàn nợ liên quan đến nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm: (i) nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và (ii) nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Chính sách quản lý nợ nước ngoài an toàn, hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, góp phần tăng quy mô dự trữ ngoại hối quốc tế, cải thiện cán cân thanh toán và khẳng định vị thế tài chính của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong khuôn khổ bài viết này xin được đề cập đến vấn đề quản lý giám sát các chỉ tiêu về nợ nước ngoài của quốc gia trong điều kiện hiện nay.

Diễn biến nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP giai đoạn 2011-2018

Đến cuối năm 2018, dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 2.548,4 nghìn tỷ đồng, khoảng 46,0% GDP. Chỉ tiêu này giảm đáng kể so với mức 48,9% GDP vào năm 2017. Như vậy, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP về cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức trần được Quốc hội cho phép (không quá 50% GDP căn cứ Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020).

Tuy nhiên quy mô nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh, bình quân giai đoạn 2011-2018 tăng 15,1%/năm (so với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa là 12,7% cùng giai đoạn), chủ yếu do nợ nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vay theo hình thức tự vay, trả tự trong thời gian qua đã tăng rất nhanh để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển. Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài tự vay, tự trả bình quân trong giai đoạn 2011-2018 lên tới 24,4%/năm, gấp 1,9 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa, gấp 2,6 lần tốc độ tăng nợ nước ngoài của Chính phủ trong cùng thời kỳ. Việc này tại một số thời điểm đã gây áp lực lên chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia (nợ nước ngoài quốc gia năm 2017 ở mức 48,9% GDP, tiến sát tới giới hạn 50% GDP).

Diễn biến nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP (đơn vị % GDP)

Trong năm 2018, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP giảm xuống còn khoảng 46% chủ yếu do:

- Điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan (thu cân đối ngân sách ước vượt dự toán, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 ở mức 3,46% thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP) qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ; giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chậm hơn chủ yếu do việc xây dựng kế hoạch, phân bổ và giải ngân vốn có thời điểm còn chậm, chưa chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính; có dự án chưa được bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng; có trường hợp chưa tuân thủ cam kết với nhà tài trợ. Một số dự án có chất lượng chuẩn bị chưa cao, hiệu quả thấp, tiếp nhận công nghệ lạc hậu, thời gian chuẩn bị kéo dài. Ngoài ra, một số dự án đã bố trí kế hoạch vốn năm 2018 nhưng hết thời hạn giải ngân vốn và chờ thủ tục gia hạn giải ngân từ nhà tài trợ theo quy định. Một số dự án đang trong quá trình thanh quyết toán ở giai đoạn cuối của dự án nên tiến độ giải ngân không đều. Một số dự án chuyển tiếp vẫn đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hạng mục, điều chỉnh tổng mức đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, theo đó nợ nước ngoài của Chính phủ đến 31/12/2018 khoảng 19,3% GDP (giảm từ mức 20,8% GDP vào cuối năm 2017).

- Không sử dụng hạn mức bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nước ngoài trong năm, một số đối tượng được bảo lãnh thực hiện trả nợ trước hạn dẫn đến giảm dư nợ bảo lãnh Chính phủ nước ngoài (dư nợ đến 31/12/2018 khoảng 4,4% GDP, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2017).

- Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả thực hiện hạn mức vay ngắn hạn và trung, dài hạn đều thấp hơn mức dự kiến đầu năm. Số dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của DN đến 31/12/2018 là 19,6 tỷ USD, giảm khoảng 2,3 tỷ USD so với dư nợ đến 31/12/2017. Dự báo tổng mức rút vốn ròng các khoản vay trung, dài hạn nước ngoài tự vay, tự trả là 4,98 tỷ USD (tương đương 99,6% hạn mức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tối đa là 5,0 tỷ USD). Theo đó, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của DN và TCTD đến cuối năm 2018 khoảng 20,0% GDP.

Cơ cấu nợ nước ngoài của quốc gia Đơn vị: % dư nợ nước ngoài quốc gia

Diễn biến chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (Đơn vị %)

Trong giai đoạn 2016-2018, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh, từ mức 17,3% năm 2015 lên 29,7% năm 2016; 36,1% năm 2017 và 37,5% năm 2018, chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của DN và TCTD tăng mạnh (dư nợ ngắn hạn có xu hướng tăng liên tục, năm 2016 tăng 19,4%/năm, năm 2017 tăng 72,2%/năm và năm 2018 giảm 10,6%/năm), là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ vượt giới hạn được Quốc hội cho phép là 25% trong cả 3 năm gần đây.

Để thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công trong đó có 2 chỉ tiêu về nợ nước ngoài của quốc gia đã được Quốc hội quyết định, hàng năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tổng hợp nhu cầu vay trả nợ nước ngoài ngắn hạn và trung, dài hạn theo phương thức tự vay tự trả, đề xuất tốc độ gia tăng dư nợ vay ngắn hạn tối đa và hạn mức vay nước ngoài trung, dài hạn theo phương thức tự vay tự trả, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và điều hành trong hạn mức được duyệt. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thông lệ tốt của các nước để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý các khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp, nhất là đối với các khoản vay ngắn hạn; trong trường hợp cần thiết kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tiêu chí phân loại nợ, chỉ tiêu hoặc các ngưỡng an toàn phù hợp.

Ngoài ra, trong trường hợp tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá, lãi suất, bội chi ngân sách nhà nước biến động hoặc khả năng huy động vốn vay không đạt mục tiêu đã được phê duyệt, dẫn đến các chỉ tiêu an toàn nợ công chạm ngưỡng cảnh báo về an toàn nợ công, Chính phủ thực hiện các giải pháp để bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công không vượt mức trần Quốc hội quy định. Trường hợp phải điều chỉnh các chỉ tiêu an toàn nợ công, Chính phủ xây dựng phương án điều chỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định”. Như vậy, việc điều chỉnh chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia gắn liền với việc điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm từng giai đoạn và thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Hồ Việt Hương