Sáng 11/4/2023, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã buổi làm việc trực tiếp với Cơ quan Xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P).
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo của các đơn vị quan thuộc Bộ Tài chính nước (Vụ Ngân sách Nhà nước, Vụ Tài chính Ngân hàng, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý giá).
Về phía cơ quan S&P có ông TAN Kim Eng - Giám đốc cấp cao, Nhóm Đánh giá tín nhiệm quốc gia, bà Rain YIN - Trợ lý Giám đốc, Nhóm Đánh giá tín nhiệm quốc gia và các đồng nghiệp trong nhóm phân tích các lĩnh vực của Việt nam tại tổ chức S&P.
Về phía cơ quan tư vấn cho Việt Nam, có đại diện của Ngân hàng Standard Chartered gồm Ông Jason Ving - Tổng giám đốc khu vực ASEAN và Nam châu Á, Nhóm Lĩnh vực công và các tổ chức Phát triển và bà Joyce Ang - Nhóm Lĩnh vực công và các tổ chức Phát triển.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ Tài chính và cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nợ, ông Võ Hữu Hiển cảm ơn tổ chức S&P trong việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để đánh giá hệ số tín nhiệm dài hạn của Việt Nam và rất hân hạnh được đón Đoàn công tác xếp hạng tín nhiệm của S&P đến Việt Nam làm việc trực tiếp sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19. Liên quan tới tình hình vay và trả nợ của Việt Nam trong bối cảnh lãi suất thế giới đang có nhiều biến động, ông Võ Hữu Hiển cũng chia sẻ về xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo của nợ trong nước, thực hiện các nhiệm vụ vay, trả nợ của Chính phủ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến cuối năm 2022, các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, cải thiện đáng kể cơ cấu danh mục nợ công và nợ Chính phủ. Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam không còn được tiếp cận với các nguồn tài trợ dành cho các nước nghèo, nước đang phát triển, Chính phủ ưu tiên và coi vốn trong nước là nguồn vốn quyết định, vốn nước ngoài là quan trọng; đồng thời, vốn vay sẽ được tập trung cho các dự án quan trọng, mang lại hiệu quả cao.
Đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng, đã trao đổi với tổ chức S&P về quyết tâm của Việt Nam trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,5% năm 2023 mà Quốc hội đã đề ra; đồng thời đưa ra thông tin tổng quan về tình hình kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách, về công tác quản lý nợ công trong năm 2022 và Quý I/2023.
Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau 3 năm chống dịch Covid-19 với mức tăng trưởng GDP đạt 8,02%, lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Trong Quý 1/2023, mức tăng trưởng vẫn được duy trì ổn định nhờ chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc tập trung tháo gỡ nút thắt trong thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tăng cường thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Vụ Tài chính Ngân hàng, Cục Quản lý giá, Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đã trao đổi với Tổ chức S&P về việc phát triển thị trường TPCP trong nước, kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước…
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trao đổi tại buổi làm việc
Cùng với các nội dung về tài khoá, nợ công, các chuyên gia của S&P cũng đặt vấn đề trao đổi với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính liên quan tới các nội dung về áp lực lạm phát, xu hướng tiếp tục tăng của lãi suất toàn cầu và tác động tới thị trường vốn của Việt nam, sự sụt giảm của các đơn hàng xuất khẩu tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2022….
Đại diện cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc gia S&P trao đổi tại buổi làm việc
Kết thúc buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại và các đơn vị khác cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực tài chính quốc gia để ngày càng cải thiện hệ số tín nhiệm của Việt Nam. Các chuyên gia của S&P cảm ơn Bộ Tài chính đã cập nhật và chia sẻ nhiều thông tin hữu ích; đồng thời sẽ có các buổi làm việc với các cơ quan khác của Chính phủ để hoàn thiện công tác đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia của S&P.