Ngày nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước vừa là chủ trương của Chính phủ, vừa là xu thế tất yếu của Việt Nam trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh thông tin được coi là nguồn lực quan trọng, là căn cứ để hoạch định chính sách và cải cách, đổi mới thì việc duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu nợ công nói chung và nợ được Chính phủ bảo lãnh nói chung là đặc biệt cần thiết. Hệ thống cơ sở dữ liệu về nợ công và nợ được Chính phủ bảo lãnh trong những năm gần đây đã được xây dựng, thu thập, cập nhật, quản lý và lưu trữ một cách có hệ thống và thống nhất cùng với hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và truyền thông. Bên cạnh đó, các biện pháp cải tiến khâu thu thập thông tin, báo cáo về bảo lãnh Chính phủ bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin và hướng tới các giải pháp kỹ thuật để phục vụ quản lý là rất cần thiết.
Ngày 23/12/2019, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cục “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin báo cáo bảo lãnh Chính phủ”. Khuôn khổ của Đề tài là tập trung đánh giá, tổng kết cơ sở pháp lý, tình hình và phương thức thu thập thông tin, báo cáo về tình hình, số liệu liên quan tới chương trình, dự án, khoản vay, khoản phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh trong từng giai đoạn từ các đối tượng có liên quan đến bảo lãnh Chính phủ, từ đó thấy được những thuận lợi, khó khăn trong quá trình quản lý. Bên cạnh đó, Đề tài cũng tìm hiểu những mô hình đã áp dụng tại một số cơ quan của Việt Nam, một số tổ chức quản lý nợ hoặc có nhiệm vụ quản lý tương tự của các nước để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất biện pháp áp dụng công nghệ thông tin phù hợp với nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ của đơn vị sử dụng nhằm giảm bớt các hạn chế trong việc thu thập thông tin báo cáo hiện tại đối với nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Trong quá trình nghiên cứu, Đề tài đã đạt được một số mục tiêu như sau:
- Phân tích cơ sở pháp lý của việc thu thập thông tin, báo cáo từ các đối tượng có liên quan tới bảo lãnh Chính phủ theo từng giai đoạn, từ khi bắt đầu có văn bản pháp quy về bảo lãnh Chính phủ tới nay để thấy được tính kế thừa và phát triển của hệ thống quy định của pháp luật liên quan.
- Đánh giá tình hình thực hiện các quy định về thông tin, báo cáo, các hình thức thực hiện của các bên có liên quan tới bảo lãnh Chính phủ, bao gồm đối tượng được bảo lãnh, ngân hàng cho vay, cơ quan cấp và quản lý bảo lãnh, cơ quan chủ quản, ngân hàng phục vụ theo từng thời kỳ tương ứng với khuôn khổ pháp lý, các thuận lợi và hạn chế trong từng thời kỳ.
- Đề xuất biện pháp áp dụng công nghệ thông tin, trong đó nêu rõ mục tiêu, mô hình áp dụng và phương thức vận hành, hướng dẫn sử dụng trong việc cung cấp báo cáo, thông tin, số liệu phù hợp, quản lý thông tin và chiết xuất dữ liệu thông qua việc sử dụng cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính và gửi báo cáo trực tuyến thông qua hệ thống thư điện tử.
Việc ứng dụng mạng internet trong công tác quản lý đã được phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và ngành nghề. Hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế đều đã áp dụng mạnh mẽ công nghệ vào hệ thống quản lý của tổ chức mình, Ngân hàng Thế giới mà Việt Nam là một thành viên đang áp dụng việc báo cáo trực tuyến từ nhiều năm nay. Tại Việt Nam, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống tự động trong quản lý và tác nghiệp hàng ngày, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Các cơ quan nhà nước cũng phát triển có hệ thống, điển hình là Chính phủ điện tử.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một tổ chức có tính tương đồng với Bộ Tài chính, cùng là cơ quan quản lý nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, là một điển hình có thể xem xét kinh nghiệm thực tiễn trong việc áp dụng mô hình báo cáo trực tuyến đối với các doanh nghiệp tự vay, tự trả đã đạt được hiệu quả cao.
Đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin báo cáo bảo lãnh Chính phủ được Hội đồng nghiệm thu đánh giá là có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Những đóng góp mới của Đề tài xuất phát từ yêu cầu quản lý nợ hiệu quả, phù hợp với điều kiện và nền tảng phát triển của nền kinh tế và phù hợp với các mục tiêu đã được thể hiện trong Luật Quản lý nợ công về phát triển công cụ quản lý nợ hiện đại, trong đó có công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, việc triển khai phần mềm báo cáo trực tuyến trên trang thông tin của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại kèm theo hướng dẫn trực tuyến là khả thi và hướng tới từng bước hiện đại hóa việc quản lý nợ trong nghiệp vụ bảo lãnh Chính phủ.