Theo quy định của Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách nhà nước, căn cứ tổng mức vay, trả nợ của ngân sách Nhà nước năm 2021 được Quốc hội phê duyệt, hạn mức vay về cho vay lại, hạn mức bảo lãnh năm 2021 được Chính phủ quyết định, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021 cùng với chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021-2023 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 856/QĐ-TTg ngày 4/6/2021.
Tuy vậy, năm 2021 là một năm đầy biến động đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Xét về bối cảnh vĩ mô, trong điều kiện tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có cả các địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung đông dân cư và hoạt động công nghiệp, dịch vụ. Do đó, Việt Nam buộc phải áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có tiền lệ, qua đó đã tác động toàn diện đến nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động lớn đến tăng trưởng, thu-chi ngân sách Nhà nước cũng như việc thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công, nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp năm 2021.
Trong bối cảnh đó, để đảm bảo kế hoạch vay, trả nợ công bám sát hơn với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu huy động vốn nước ngoài không được bảo lãnh của khu vực tư nhân cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021 theo hướng giảm mức huy động vốn vay của Chính phủ, nâng hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 5/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 856/QĐ-TTg.
Việc xây dựng chương trình quản lý nợ trung hạn theo hình thức cuốn chiếu, được thường xuyên rà soát, cập nhật cùng với kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm là phù hợp với thông lệ tốt của thế giới. Nghiệp vụ này cho phép cơ quan quản lý theo sát diễn biến kinh tế động, chủ động nắm bắt và có các giải pháp xử lý kịp thời trước những biến động về rủi ro tài chính vĩ mô, củng cố chính sách tài khóa và hỗ trợ sự phát triển, vận thành thông suốt của thị trường trái phiếu Chính phủ.