Diễn đàn trao đổi kết quả xếp hạng tín nhiệm của Fitch về Việt Nam và triển vọng năm 2018

06:49 PM 08/06/2018 |  Lượt xem: 555 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Diễn đàn trao đổi kết quả xếp hạng tín nhiệm của Fitch

Trao đổi tại diễn đàn, các chuyên gia  kinh tế đánh giá năm 2017 là năm đột phá của nền kinh tế Việt Nam. Trong năm 2017, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã cải thiện và khẳng định quan điểm của Chính phủ Việt Nam trong việc tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng mạnh mẽ từ lĩnh vực sản xuất theo hướng xuất khẩu và  dịch vụ,  thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, tập trung chủ yếu vào các ngành phục vụ xuất khẩu và điện tử; dự trữ ngoại hối tăng cao; nợ nước ngoài được kiểm soát chặt chẽ. Mặc dù việc bảo hộ thương mại tăng cao, rủi ro từ cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng điều này vẫn có thể tạo sự hấp dẫn cho nền kinh tế Việt Nam như một trung tâm sản xuất toàn cầu. Thị trường tài chính của Việt Nam có thể sẽ được hưởng lợi từ một nền kinh tế đang phát triển. Trước đây nền kinh tế phụ thuộc vào các khoản vay ngân hàng, thì hiện nay các công ty của Việt Nam đang chuyển sang huy động nguồn lực  trên thị trường vốn.

Bà Sagarika Chandra, chuyên gia phân tích cao cấp của Fitch cho biết, vào tháng 5 năm 2018, trên cơ sở đánh giá về các triển vọng phát triển tích cực của Việt Nam, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã quyết định nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc, từ mức “BB-“ lên mức “BB”. Fitch tự tin trong việc nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong năm 2018 do việc Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, khả năng chống chọi với rủi ro bên ngoài tốt hơn và đáp ứng được các tiêu chí về tài chính. Theo Fitch, tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 6,8% trong năm 2017 và dự kiến tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ khoảng 6,7%.

Bên cạnh những nhận định tích cực, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Ông Sebasitan Eckart, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định do độ mở của nền kinh tế Việt Nam càng ngày càng rộng, việc chịu ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài cũng sẽ tăng cao, như chiến tranh thương mại, giá dầu tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Cẩm Thơ