Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) tại Rome, Italia từ ngày 14-15/2/2019.

11:26 AM 15/03/2019 |  Lượt xem: 789 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Toàn cảnh Hội nghị thường niên IFAD lần thứ 42

Chủ đề của Hội nghị Thường niên năm này là “Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp”. Chủ đề này được xuyên suốt trong các bài phát biểu, các cuộc trao đổi và đặc biệt là sáng kiến, đổi mới được Hội đồng thống đốc thông qua.

Ra mắt Quỹ mắt Quỹ đầu tư kinh doanh nông nghiệp (Agri-Business Capital - Quỹ ABC với mục tiêu giúp các doanh nhân nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận nguồn tài chính để phát triển kinh doanh và tạo việc làm cho người nghèo ở nông thôn, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Quỹ dự kiến cung cấp các khoản vay phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quy mô cho vay sẽ dao động từ 20.000 EUR đến 800.000 EUR. Quỹ ABC sẽ làm việc thông qua các tổ chức tài chính cho các khoản vay trong phạm vi từ 20.000 đến 200.000 EUR, đồng thời cung cấp các khoản vay từ 200.000 đến 800.000 EUR trực tiếp cho các nhà đầu tư.

Sửa đổi các văn bản pháp lý của IFAD nhằm đẩy mạnh sự hỗ trợ của IFAD đối với khu vực tư nhân. Cụ thể, IFAD bổ sung nội dung đầu tư tài chính vào cổ phần hoặc các sản phẩm tài chính khác của doanh nghiệp. Theo đó, ngoài hình thức Hiệp định vay (Loan Agreement), IFAD bổ sung hình thức thoả thuận, ký kết khác tương ứng mà tại đó Quỹ và bên tiếp nhận sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình hoặc dự án liên quan.

Chấp thuận Nước Cộng Hoà Ba Lan trở thành thành viên thứ 177 của IFAD. Theo quy chế nội bộ của IFAD, các thành viên mới phải đáp ứng điều kiện là thành viên của Liên Hợp quốc hoặc các tổ chức đặc biệt khác. Do Ba Lan là 1 trong 51 thành viên sáng lập của LHQ và có đơn đề nghị nên đã được Hội đồng chấp thuận trở thành thành viên của IFAD.

Sửa đổi điều kiện cho vay nhằm mang lại sự linh hoạt cho Bên vay. Các thay đổi trong chính sách cho vay của IFAD liên quan đến Việt Nam chủ yếu ở điều khoản vay thông thường (do từ 1/1/2018 IFAD đã cho Việt Nam tốt nghiệp vay ODA, chuyển sang vay ưu đãi). Các thay đổi cụ thể như sau:

- Thời gian đáo hạn tối đa là 35 năm và thời gian ân hạn tối đa là 10 năm thay vì tối đa 18 năm bao gồm tối đa 3 năm ân hạn như trước.

- Lãi suất: Lãi suất thả nổi Libor/ Eurior 6 tháng cộng với chênh lệch biến động hoặc cố định (áp dụng theo IBRD). Ban điều hành IFAD sẽ định kỳ 3 tháng (thay vì 6 tháng như trước) công bố Lãi suất tham chiếu cho giai đoạn tiếp theo trên cơ sở lãi suất thị trường.

- IFAD không áp dụng phí dịch vụ, phí trả trước, phí cam kết.

Như vậy, lãi suất vay IFAD hiện nay quy ra đồng USD trong khoảng 4,86% ÷ 5,26% hoặc đồng EUR là 1,99% ÷ 2,24%.

Tại Hội nghị, Đoàn công tác Việt Nam đã làm việc với Ông Nigel Brett, giám đốc của IFAD tại Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và ông Thomas Rath, giám đốc Quốc gia IFAD tại Việt Nam, Lào và Thái Lan. Phía Việt Nam đánh giá cao quan hệ hợp tác với Quỹ IFAD. Đặc biệt thời gian qua hợp tác đã tiến triển tốt. Văn phòng quốc gia của IFAD tại Việt Nam cũng đóng vai trò hỗ trợ tích cực, giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án. Các dự án đầu tư được đánh giá là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như chiến lược phát triển nông thôn mới của Chính phủ. Tại buổi họp, Ông Nigel Brett và ông Thomas Rath đều rất lấy làm tiếc vì Việt Nam tốt nghiệp ODA vào năm 2018, không tận dụng được các hỗ trợ của IFAD trong giai đoạn chuyển đổi vì hỗ trợ này cho các nước tốt nghiệp bắt đầu từ năm 2019.

Phía đoàn Việt Nam cũng đã nêu những khó khăn cho khu vực nông thôn nghèo tiếp cận với vốn vay ưu đãi của IFAD và mong muốn IFAD tìm những nguồn viện trợ để làm mềm điều kiện vay của IFAD, đạt được thành tố ưu đãi ODA để Việt Nam tiếp cận được vốn vay của IFAD. Phía Việt Nam cũng trao đổi về các quy định mới liên quan đến lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi của Việt Nam, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm...

Trong giai đoạn 2019-2021, Việt Nam được IFAD phân bổ 46 triệu USD và IFAD dự định sẽ thực hiện 02 Dự án tại Việt Nam. Cách thức thực hiện sẽ được tiếp tục trao đổi tại các đoàn thiết kế xây dựng Chương trình cơ hội chiến lược quốc gia Việt Nam - IFAD giai đoạn 2019 – 2025 tại Hà Nội./.

Khúc Thu Phương