Khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính của các địa phương Việt Nam

09:14 AM 03/01/2018 |  Lượt xem: 338 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Ảnh chụp tại Hội thảo

Hội thảo nhằm thảo luận, chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, nhu cầu và hạn chế về tài chính của chính quyền địa phương ở Việt Nam, những kinh nghiệm quốc tế có liên quan cũng như các biện pháp khả thi có thể áp dụng và các kiến nghị đến các cơ quan trung ương hoàn thiện cơ sở pháp lý để các địa phương có thể tiếp cận, sử dụng các nguồn lực tài chính một cách hiệu quả trong việc phát triển cơ sở hạ tầng cơ sở quan trọng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội, nâng cao điều kiện sống của người dân.

Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục QLN&TCĐN phát biểu tại Hội thảo

Trong 2 ngày làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi và thảo luận về các khó khăn mà các địa phương gặp phải trong quá trình tiếp cận các nguồn tài chính, các điều kiện tiếp cận trong bối cảnh hiện nay; các hoạt động của AFD trong lĩnh vực tài chính địa phương, kinh nghiệm các nước về chính quyền địa phương tiếp cận nguồn lực tài chính quốc tế và quản lý rủi ro tỷ giá; kinh nghiệm về các tổ chức tài chính địa phương ở nước ngoài; phân cấp tài chính và quyền tự chủ của địa phương; cơ hội và giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn tài chính của chính quyền địa phương tại Việt Nam.

Trong các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển địa phương, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương được thành lập như một kênh huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, là cánh tay đắc lực của địa phương trong việc cho vay và đầu tư, hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, theo Luật Quản lý nợ công sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018), các tổ chức tài chính, tín dụng không còn là đối tượng được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo hình thức vay hạn mức tín dụng. Đây là một trong những vướng mắc rất lớn đối với các Quỹ trong việc huy động vốn để hoạt động, do đó đại diện từ các Quỹ đặc biệt quan tâm, mong sớm có hướng dẫn của Bộ Tài chính về nội dung này.

Phát biểu tại hội thảo, Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính, với vai trò là đầu mối quản lý về nợ công, đang nỗ lực tăng cường sự quản lý vĩ mô của nhà nước trong quản lý nợ chính quyền địa phương, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay nợ và phát triển kinh tế của các địa phương, vừa đảm bảo ổn định, quản lý nợ công bền vững. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên cập nhật công khai các điều kiện vay, điều kiện tài chính của các nhà tài trợ lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, AFD... để các địa phương tham khảo và cân nhắc các quyết định vay nợ của mình. Bộ Tài chính đánh giá cao sáng kiến của AFD trong việc tổ chức hội thảo nhằm giúp các địa phương có định hướng và chiến lược rõ ràng hơn trong tiếp cận các nguồn lực tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng địa phương phù hợp với quy định mới về quản lý ngân sách nhà nước và quản lý nợ công; đồng thời hy vọng, AFD với vai trò là nhà tài trợ có nhiều kinh nghiệm trong tài trợ địa phương sẽ cùng trao đổi, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể về các kênh tài trợ dành cho chính quyền địa phương tại Việt Nam.

Nguyễn Thị Nụ