Kinh nghiệm quốc tế về nghiệp vụ quản lý tài sản có và tài sản nợ của khu vực công

05:42 PM 21/03/2019 |  Lượt xem: 4918 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý


Bảng cân đối tài sản của các cơ quan, tổ chức trong khu vực công thường phức tạp hơn nhiều so với bảng cân đối của các công ty tư nhân. Những cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tài sản trong khu vực công thường khác với những đơn vị có chức năng quản lý nợ, với chức năng nhiệm vụ và mục tiêu quản lý riêng biệt. Ngoài ra, một số vấn đề như định nghĩa “khu vực nhà nước” hay “khu vực công”, phạm vi bảng cân đối tài sản, việc định giá tài sản công hữu hình và ghi nhận giá trị của tài sản tài chính, giá trị ròng âm, công tác thống kê không đầy đủ… cũng làm công tác quản lý trở nên thách thức hơn. Chính vì vậy, không giống những công ty ở khu vực tư, phần lớn các chính phủ trên thế giới quản lý bảng cân đối tài sản dưới giác độ một số danh mục cấu phần riêng lẻ mà không có phương pháp tiếp cận tổng thể.

Tuy vậy, một số chính phủ đã xây dựng phương pháp tiếp cận toàn diện để quản lý bảng cân đối tài sản hợp nhất của khu vực công, và New Zealand là một ví dụ thành công điển hình. Cách tiếp cận tổng quan của quốc gia này cho phép các nhà hoạch định chính sách nắm bắt được bức tranh toàn diện về vị thế tài chính của chính phủ, qua đó xác định được những bất tương xứng tiềm tàng và biện pháp bù trừ rủi ro.

Khái niệm SALM lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 2001 trong Cẩm nang hướng dẫn quản lý nợ công của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đồng chủ biên. Ngân hàng Thế giới phối hợp với OECD và Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong một báo cáo nghiên cứu chính sách gần đây thực hiện chỉ ra rằng, trong 28 quốc gia thuộc đối tượng nghiên cứu từ các nước phát triển, mới nổi và đang phát triển, hầu hết các quốc gia này đều công bố bảng cân đối tài sản để giám sát tình hình tài chỉnh tổng thể của chính phủ, Tuy nhiên, chỉ sáu trong số các quốc gia này (chiếm 21%) sử dụng công cụ bảng cân đối tài sản để xác định và theo dõi những bất tương xứng giữa tài sản có và tài sản nợ của khu vực nhà nước.

Rất nhiều quốc gia đối mặt với những thách thức về thể chế trong quá trình xây dựng và triển khai khung SALM hiệu quả. Một số thách thức chính được các quốc gia chia sẻ bao gồm tổ chức bộ máy; chức năng, nhiệm vụ chưa được giao có hoặc chưa rõ ràng; việc phối hợp giữa các cơ quan còn khó khăn; dữ liệu chưa sẵn có cũng như vấn đề định giá tài sản.

Theo kinh nghiệm các nước, khi chức năng nhiệm vụ, mục tiêu quản lý và nguồn lực của các tổ chức liên quan trong công tác SALM được xác định rõ ràng và đồng bộ, sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác quản lý tài sản có và tài sản nợ được cải thiện rõ rệt, trong khi vẫn duy trì sự độc lập của mỗi tổ chức. Tuy việc triển khai nghiệp vụ SALM toàn diện trong khu vực công ở các nước trên thực tế là ít gặp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy vẫn có những trường hợp triển khai nghiệp vụ ALM bán phần, cụ thể tại những cơ quan vừa chịu trách nghiệm quản lý tài sản công và quản lý nợ. Một trong những ví dụ điển hình là nghiệp vụ quản lý đệm tồn ngân tại các cơ quan quản lý nợ.

  • Canada – Ngân hàng trung ương Canada đóng vai trò là cơ quan quản lý tài khóa của chính quyền liên bang. Cơ quan này phối hợp với Bộ Tài chính trong nhiệm vụ huy động vốn và chính sách đầu tư liên quan đến dự trữ ngoại hối quốc gia. Ngân hàng trung ương Canada xây dựng mô hình quản lý danh mục ALM qua đó xác định cơ cấu tài sản có và tài sản nợ với kỳ hạn và loại tiền tệ tương đồng với mục tiêu tối đa hóa hiệu suất sinh lời (sau khi khấu trừ chi phí huy động vốn) cho từng mức độ rủi ro danh mục, trong khi vẫn đáp ứng yêu cầu tối thiểu về thanh khoản.
  • Đan Mạch – Ngân hàng quốc gia Đan Mạch thay mặt bộ tài chính quản lý nợ chính phủ. Tài sản tài chính và các khoản nợ của chính quyền trung ương bằng nội tệ được quản lý thống nhất. Đặc điểm kỳ hạn và rủi ro của các tài sản tài chính được quy định trong khuôn khổ quản lý rủi ro danh mục nợ chính quyền trung ương.
  • Uruguay – thị trường Uruguay chưa có công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Bộ tài chính và ngân hàng trung ương xác định rủi ro sử dụng khung SALM và triển khai chiến lược giảm thiểu rủi ro bảng cân đối tài sản hợp nhất của khu vực công thông qua nghiệp vụ đồng phát hành và hoán đổi chứng khoán công, bán hợp đồng kỳ hạn bằng Đô la cho các doanh nghiệp nhà nước, và giảm bất tương xứng tiền tệ đối với những khoản thanh toán niên kim.

Tại một số quốc gia khác, trong quá trình lập và phân bổ ngân sách bộ tài chính và ngân hàng trung ương trao đổi diễn biến thị trường tài chính để tiến hành đánh giá và báo cáo về tài sản có và tài sản nợ của chính phủ. Tại Anh, Ngân khố Chính phủ thống kê toàn bộ tài khoản của các cơ quan hành pháp. Tại Chi-lê, phương pháp ALM được áp dụng để làm căn cứ xác định cơ cấu tiền tệ của danh mục tài sản thuộc Quỹ Bình ổn Tài khóa. Tại Ba Lan, Nam Phi, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - báo cáo nợ thường niên đệ trình lên quốc hội bao gồm các biểu tài chính và chỉ số hiệu quả sinh lời của các tài sản khác, như của khu vực doanh nghiệp nhà nước hay quỹ lợi ích quốc gia.

Kinh nghiệm quốc tế nêu bật tầm quan trọng của việc đánh giá cả hai phía (tài sản có và tài sản nợ) trong bảng cân đối tài sản khi đưa ra những quyết định kinh tế. Việc xây dựng khuôn khổ và cơ chế SALM hiệu quả có thể giúp chính phủ quản lý toàn diện bảng cân đối tài sản và những rủi ro liên quan, qua đó tăng khả năng chống đỡ của nền kinh tế - tài chính quốc gia trước những cú sốc./.

Tài liệu tham khảo:

1. Cangoz, Mehmet Coskun; Boitreaud, Sebastien. 2018. Zooming out for better clarity: sovereign asset and liability management. World Bank Group. https://blogs.worldbank.org/allaboutfinance/zooming-out-better-clarity-sovereign-asset-and-liability-management#one

2.World Bank. 2001. Guidelines for public debt management (English). Washington, DC: World Bank. http://documents.worldbank.org/curated/en/967941468780612459/Guidelines-for-public-debt-management

3. Cangoz, Mehmet Coskun; Boitreaud, Sebastien; Dychala, Christopher Benjamin. 2018. How Do Countries Use an Asset and Liability Management Approach? A Survey on Sovereign Balance Sheet Management (English). Policy Research working paper; no. WPS 8624. Washington, D.C. : World Bank Group. http://documents.worldbank.org/curated/en/818281540481513145/How-Do-Countries-Use-an-Asset-and-Liability-Management-Approach-A-Survey-on-Sovereign-Balance-Sheet-Management

Hồ Việt Hương