Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam nhận Kỷ niệm chương của Bộ Tài chính và làm việc với Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại

02:01 PM 18/02/2019 |  Lượt xem: 523 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam” và chúc mừng ông Jonathan Dunn đảm nhận cương vị mới

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vui mừng thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam” cho ông Jonathan Dunn. Đây là sự ghi nhận những đóng góp quan trọng của cá nhân ông Jonathan Dunn trong vai trò là Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Tài chính và IMF trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. 

Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của IMF trong việc tiến hành hoạt động kiểm điểm thường kỳ về tình hình kinh tế vĩ mô và cải cách của Việt Nam, đặc biệt là trong các đánh giá về chính sách tài khóa và ổn định hệ thống tài chính. IMF đã hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam thông qua các chương trình vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật.

Với sự hỗ trợ của ông Jonathan Dunn và IMF, từ năm 2015, Việt Nam trở thành quốc gia nhận được nhiều quan tâm hỗ trợ từ Văn phòng hỗ trợ kỹ thuật của IMF tại khu vực Đông Nam Á. Các chương trình hỗ trợ bao gồm các khóa đào tạo và chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực kinh tế, tài chính với mục tiêu tăng cường các khuôn khổ kinh tế vĩ mô, các hoạt động tài chính, tiền tệ…

"Trong thời gian tới, Bộ Tài chính rất quan tâm đến việc ổn định tài khóa, đẩy mạnh quản lý ngân sách, bền vững nợ công, và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đào tạo tăng cường năng lực cán bộ, vì vậy, chúng tôi mong tiếp tục có sự hỗ trợ của IMF và cá nhân ông Jonathan trong những lĩnh vực này”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng mong muốn sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, trên cương vị mới làm Phó Giám đốc Văn phòng IMF Châu Á - Thái Bình dương (OAP) tại Nhật Bản, ông Jonathan Dunn sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tiếp theo buổi lễ, ông Jonathan Dunn đã có làm việc với ông Trương Hùng Long, Cục Trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại để chia sẻ nhận định về hiệu quả công tác quản lý nợ công của Việt Nam trong những năm vừa qua, cũng như khả năng IMF tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để góp phần nâng cao năng lực của cán bộ quản lý nợ tại Việt Nam.

Ông Jonathan Dunn đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong những năm gần đây trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách cũng như kiềm chế hiệu quả tốc độ gia tăng nợ công. Những thành quả này một mặt tạo thêm dư địa tài khóa, củng cố tính bền vững danh mục nợ, mặt khác đã gia tăng niềm tin cho của cộng đồng đầu tư trong và ngoài nước vào nền kinh tế Việt Nam, thể hiện thông qua việc chi phí huy động vốn vay của Chính phủ Việt Nam có xu hướng giảm mạnh so với giai đoạn 5 năm trước.

Chia sẻ quan điểm đánh giá của IMF, Cục trưởng Trương Hùng Long nhận định công tác quản lý nợ ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng trong thành quả ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố vị thế tài khóa của đất nước. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại với vai trò là đơn vị đầu mối đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ Tài chính tổ chức làm việc hiệu quả với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Bên cạnh đó, nỗ lực tăng cường tiếp cận các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để quảng bá về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội nổi bật của nước ta, trong đó phải kể đến việc kiểm soát tốt quy mô nợ công với cơ cấu danh mục nợ hợp lý, chi phí huy động vốn thấp, đã góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (Ngày 14/5/2018 Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức BB- lên mức BB với triển vọng Ổn định; ngày 10/8/2018, Moody’s nâng mức tín nhiệm của Việt Nam từ mức B1 lên mức Ba3 với triển vọng Ổn định).

Tuy nhiên, việc điều hành chính sách tài khóa, kiểm soát, quản lý nợ công trong trung-dài hạn của Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức chung của nền kinh tế. Việc già hóa nhanh chóng của dân số dẫn đến nhu cầu chi tiêu cho y tế, quỹ hưu trí… gia tăng mạnh. Nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng làm động lực phát triển kinh tế còn rất lớn, vượt quá khả năng huy động vốn vay công trong khi vẫn đảm bảo tính bền vững nợ. Những thách thức này đặt ra cho Việt Nam yêu cầu cần nghiên cứu, tiến tới đa dạng hóa các loại hình huy động vốn đầu tư để bổ trợ cho kênh vay vốn của Chính phủ (như hình thức PPP hay các cấu trúc tài chính khác).

Bên cạnh đó, với việc Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vốn IDA của Ngân hàng Thế giới trong năm 2017, và sẽ tốt nghiệp nguồn vốn ADF của Ngân hàng Phát triển Châu Á vào giữa năm nay, nguồn vốn vay ODA trong thời gian tới sẽ dần kết thúc. Nguồn vay nước ngoài sẽ tập trung vào các khoản vay ưu đãi với lãi suất tiệm cận lãi suất thị trường, tiến tới phải huy động các công cụ nợ với cấu trúc phức tạp, rủi ro hơn trên thị trường vốn quốc tế. Trong khi đó thị trường vốn nợ trong nước nhìn chung vẫn còn mỏng, khả năng tiếp tục cung ứng nguồn vốn kỳ hạn dài với mức lãi suất hợp lý như một vài năm trở lại đây còn chưa chắc chắn. Bối cảnh quản lý nợ công trong thời gian tới vì vậy gắn liền với gia tăng rủi ro thị trường danh mục nợ và chi phí huy động vốn ngày càng kém thuận lợi. Những thách thức này đòi hỏi cán bộ quản lý nợ phải có bước chuẩn bị tốt về mặt kiến thức chuyên môn cũng như trang bị kỹ năng nghiệp vụ phù hợp để kịp thời thích nghi với yêu cầu công tác chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.


 

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại làm việc với IMF

Trước những yêu cầu mới này, ông Trương Hùng Long chia sẻ, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đang phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng ma trận tổng thể về cải cách công tác quản lý nợ công với tầm nhìn trung-dài hạn, trong đó cấu phần về nâng cao năng lực của cán bộ quản lý nợ tại Bộ Tài chính được đặc biệt chú trọng. “Trong thời gian tới, Bộ Tài chính rất quan tâm đến việc duy trì tính bền vững của nợ công, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đào tạo tăng cường năng lực cán bộ, vì vậy, chúng tôi mong tiếp tục có sự hỗ trợ của IMF và cá nhân ông Jonathan trong những lĩnh vực này”. Ông Trương Hùng Long nhấn mạnh.

Ông Jonathan Dunn khẳng định, trên cương vị mới của mình tại Nhật Bản, ông sẽ tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ Bộ Tài chính và duy trì liên lạc thường xuyên với Văn phòng IMF tại Việt Nam để đảm bảo Việt Nam tiếp tục nhận được hỗ trợ kỹ thuật của IMF trong các lĩnh vực đào tạo về tài khóa, quản lý rủi ro vĩ mô và an toàn nợ công…, qua đó đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Bộ Tài chính nói chung, và cho Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nói riêng. Ông Jonathan Dunn cũng tin tưởng trên tinh thần thiện chí, cởi mở và thẳng thắn, IMF và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hợp tác thành công trong thời gian tới./.

Hồ Việt Hương