Việt Nam - Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD): tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác trong bối cảnh mới

03:09 PM 13/11/2017 |  Lượt xem: 426 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Toàn cảnh cuộc họp

Tại buổi tiếp, Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại đánh giá cao IFAD trong nhiều năm đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, góp phần giúp các địa phương nghèo, vùng dân tộc phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo; nguồn vốn IFAD tài trợ có điều kiện ưu đãi cao và được đánh giá là có hiệu quả.

Trao đổi tại buổi tiếp, đoàn IFAD khẳng định Việt Nam là một trong các đối tác quan trọng của IFAD trong khu vực, thể hiện qua mối quan hệ hợp tác gần 25 năm qua với 15 dự án tài trợ và tổng kinh phí hỗ trợ gần 600 triệu USD. Các hoạt động hợp tác không dừng ở cung cấp hỗ trợ tài chính. Quỹ còn cung cấp nhiều khoản hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức các hoạt động chuyển giao tri thức, chia sẻ kinh nghiệm cho các cơ quan Chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững, liên kết với thị trường. Quỹ cũng đánh giá cao Việt Nam về năng lực hấp thụ nguồn vốn và các kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình quản lý, sử dụng vốn tài trợ, vì vậy đã mở Văn phòng quốc gia tại Việt Nam từ năm 2008. Hiện nay Văn phòng tại Việt Nam được giao phụ trách cả địa bàn Lào và Thái Lan.

Về định hướng hợp tác trong giai đoạn tới, IFAD cho biết trong chu kỳ tài trợ 2016-2018, Việt Nam đã sử dụng khoảng 90 triệu USD vốn phân bổ. Đối với chu kỳ tiếp theo (2019-2021), tùy vào khả năng huy động của Quỹ, mức phân bổ cho Việt Nam có thể tăng lên. Với việc Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình, theo tiêu chí của Quỹ, Việt Nam sẽ chuyển từ điều kiện vay hỗn hợp hiện nay sang điều kiện vay thông thường. Trao đổi với đoàn IFAD, Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại cho biết trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, xây dựng các cơ chế tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tự chủ, phát huy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp. Trường hợp được tiếp cận nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, các chủ dự án, người sử dụng vốn và chính quyền địa phương phải cân nhắc kỹ, đánh giá hiệu quả dự án dựa trên các điều kiện vay của nhà tài trợ. Chính phủ cũng sẽ cân nhắc điều kiện vay thông thường của IFAD, so sánh với chi phí huy động từ các nguồn khác, đánh giá hiệu quả dự án để quyết định vay vốn. Về tổng thể, việc huy động vốn vay để cân đối ngân sách phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, bền vững nợ công.

Đoàn IFAD bày tỏ sự ủng hộ và chia sẻ quan điểm thận trọng, cân nhắc về chi phí khi vay vốn của Việt Nam. Bên cạnh đó, phía IFAD mong muốn Việt Nam có cân nhắc đến giá trị gia tăng trong quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên, thể hiện qua nhiều sáng kiến, cách tiếp cận mới IFAD và Việt Nam đã tiến hành như huy động sự tham gia của cộng đồng, đồng bào dân tộc trong quá trình lập kế hoạch phát triển, đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài trợ cho chuỗi giá trị, liên kết người nghèo với thị trường… IFAD cũng gợi ý một số lĩnh vực Việt Nam nên cân nhắc tài trợ trong chu kỳ tới như an toàn thực phẩm, ứng phó biến đổi khí hậu và bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Chính phủ lựa chọn các dự án phù hợp với ưu tiên. Để góp phần tăng thêm tính ưu đãi của vốn vay, IFAD sẽ tìm kiếm các nguồn vốn viện trợ đồng tài trợ khác từ quỹ toàn cầu về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Cảm ơn đoàn IFAD về các thông tin cập nhật, Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại đề nghị Quỹ tiếp tục đối thoại, trao đổi với phía Việt Nam về dự kiến thời điểm “tốt nghiệp” vốn vay ODA đối với Việt Nam, các tác động đến danh mục vốn vay… Trường hợp Quỹ vẫn huy động được vốn đóng góp từ các nước thì nên tiếp tục dành sự ưu đãi điều kiện vay cho Việt Nam. Nếu chuyển sang điều kiện vay thông thường thì Chính phủ phải áp dụng cho vay lại đối với các dự án có hiệu quả tài chính. Về đề xuất Việt Nam tham gia cam kết vốn cho đợt bổ sung lần 11 của Quỹ, Cục Quản lý nợ cho biết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định.

Quỳnh Lê