Bốn điểm nổi bật của lĩnh vực quản lý nợ và tài chính đối ngoại năm 2018

04:30 PM 18/01/2019 |  Lượt xem: 2170 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Hùng Long cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự và tự hào đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong thành tích chung của ngành Tài chính trong năm 2018”. Theo ông Long, năm qua, lĩnh vực quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã triển khai rất nhiều công việc, tuy nhiên có 4 điểm nổi bật nhất, đó là:

Thứ nhất, đó là đưa Luật Quản lý nợ công đi vào cuộc sống trong khoảng thời gian ngắn nhất. Luật Quản lý nợ công năm 2017 được thông qua ngày 23/11/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Thời gian từ khi thông qua cho đến thời điểm hiệu lực chỉ 7 tháng. Trong vòng 6 tháng kể từ khi Luật Quản lý nợ công được ban hành, Bộ Tài chính dưới sự chỉ đạo của Chính phủ cũng đã triển khai toàn bộ các công tác hướng dẫn cũng như triển khai đưa Luật vào cuộc sống. Có lẽ đây là luật duy nhất trong một số năm gần đây văn bản hướng dẫn từ Nghị định cho đến các Thông tư đều được ban hành và có hiệu lực cùng với thời hạn có hiệu lực của Luật Quản lý nợ công.

Thứ hai, đó là góp phần giảm tốc độ tăng nợ công cũng như kiểm soát trần nợ công trong ngưỡng an toàn. Ông Long cho biết, nếu trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng của nợ công của Việt Nam ở mức bình quân là 18,1% /năm thì giai đoạn 2016 – 2018 đã kéo xuống bình quân còn 8,6%/năm, riêng năm 2018 chỉ còn ở mức 6%. Về trần nợ công, tỷ lệ nợ công giảm từ mức cuối năm 2016 là 63,7% GDP xuống còn 61,4% cuối năm 2017. Đến nay chúng ta còn khoảng thời gian đến hết tháng 1 để thanh toán các khoản giải ngân nên ước tính dự nợ công của năm 2018 ở mức dưới 61%. GDP.

Thứ ba, đó là tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, hiệu quả theo hướng tích cực cả về cơ cấu, cả về kỳ hạn, lãi suất, đảm bảo khả năng trả nợ.

Thứ tư, đó là triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm. Năm 2018 có thể xem là năm hiếm hoi bởi Việt Nam được hai trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng. Trong năm 2018, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng bậc xếp hạng trái phiếu Chính phủ Việt Nam dài hạn bằng ngoại tệ và khoản vay không được đảm bảo lên mức Ba3 từ mức B1 và thay đổi triển vọng sang mức Ổn định từ mức Tích cực. Fitch nâng hạng Việt Nam từ BB- lên BB với triển vọng ổn định. Bên cạnh nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp giảm chi phí huy động vốn vay nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài ra, nâng bậc tín nhiệm quốc gia còn có tác động tích cực đối với xếp hạng của các ngân hàng trong nước.

Trương Thùy Vân