Điểm báo về nợ công (Từ 01/01 đến 31/01/2019)

09:21 AM 04/03/2019 |  Lượt xem: 8189 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

- Thời báo Ngân hàng (2/1) có tin “Nợ công ước thấp hơn 61% GDP” cho biết: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết như vậy tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương chiều 28/12. Bộ trưởng cho biết, tính đến trưa ngày 28/12/2018, thu ngân sách nhà nước đạt xấp xỉ 1.397 nghìn tỷ đồng, bằng 105,9% dự toán Quốc hội giao, trong đó thu ngân sách Trung ương đạt 103,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 109,3% dự toán.

Đối với quản lý nợ công, năm 2018, nợ công tiếp tục được cơ cấu lại, nâng cao tính an toàn, bền vững tài chính quốc gia. Với việc thực hiện huy động trái phiếu chính phủ theo tiến độ giải ngân vốn đầu tư, kết hợp với kiểm soát và giảm bội chi ngân sách nhà nước, nên dư nợ công đến hết năm 2018 ước thấp hơn 61% GDP (đã báo cáo Quốc hội là 61,4% GDP), nợ Chính phủ dưới 52% GDP (báo cáo Quốc hội là 52,1% GDP), nợ nước ngoài quốc gia khoảng 49,7% GDP.

- Báo Nhân dân (10/1) có bài "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ năm 2019", Đài Truyền hình Việt Nam, bản tin Thời sự 19 giờ (9/1), báo điện tử VOV (9/1) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tính đến 31/12/2018, dư nợ công dưới 61% GDP”…. báo Hà Nội mới (9/1) có bài “Nỗ lực giảm bội chi, hướng tới cân bằng ngân sách”; báo Quân đội nhân dân (10/1) có bài “Phấn đấu tổng thu ngân sách năm 2019 đạt hơn 1,45 triệu tỷ đồng”, báo điện tử Zing.vn (9/1) đưa tin “Bộ Tài chính: Nợ công năm 2018 xuống dưới 61% GDP”… và nhiều báo khác cho biết: Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính -ngân sách Nhà nước năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chính phủ bảo lãnh, kiểm soát chặt chẽ bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Chính phủ bảo lãnh, kiểm soát chặt chẽ bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương. Tính đến 31/12/2018, dư nợ công đã xuống dưới 61% GDP, dư nợ Chính phủ xuống dưới 52% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia đạt khoảng 49,7% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép. So với tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2017 trước đó, tỷ lệ này đã giảm rõ rệt.

Trong năm 2019, Bộ Tài chính kế hoạch tăng khoảng 5% so với dự toán và đạt tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP. Đến cuối năm 2019 kế hoạch dư nợ công trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định khoảng 61,3 % GDP.

- Báo điện tử BNews (9/1) có bài “Thủ tướng: Cơ cấu lại ngân sách và nợ công là nhiệm vụ trọng tâm”, báo Kinh tế & Đô thị (9/1) có tin “Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính giải quyết tốt hơn vấn đề sử dụng xe công” cho biết: Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính- Ngân sách Nhà nước năm 2019 của Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao kết quả mà ngành tài chính cả nước đã đạt được trong năm 2018. Về những nhiệm vụ của năm 2019, nhấn mạnh đến yêu cầu “bứt phá”, cao hơn 2018, Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính phấn đấu tăng thu ngân sách với mức tổng thu trên 1,45 triệu tỷ đồng (năm 2018 đạt hơn 1,42 triệu tỷ đồng); tiếp tục giảm chi thường xuyên. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ cơ cấu lại ngân sách và nợ công; coi đây là “nhiệm vụ trọng tâm cấp bách và lâu dài của nền tài chính”. Thủ tướng chỉ đạo cần có giải pháp đồng bộ tạo không gian tài khóa lớn hơn, nhiều nguồn lực hơn, điều hành chủ động linh hoạt hơn.

- Báo Công thương (25/1) đưa tin “Nợ công năm 2018 ở mức 6%”; Báo Đại đoàn kết (24/1) có bài “Nợ công đã được kìm chân”; Báo điện tử Dân Trí (24/1) có bài “Trả nợ đến hết tháng 1, dư nợ công năm 2018 sẽ giảm xuống dưới 61% GDP”; Báo điện tử VnEconomy (15/1) có bài “Tỷ lệ nợ công của Việt Nam ngày càng giảm mạnh”cho biết: Nếu trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng của nợ công của Việt Nam ở mức bình quân là 18,1%/năm thì giai đoạn 2016-2018 đã giảm xuống còn 8,6%/năm, riêng năm 2018 chỉ còn ở mức 6%. Con số này cho thấy cơ cấu nợ công đã theo hướng bền vững hơn. Theo ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục QLN&TCĐN (Bộ Tài chính), hiện nay nợ công tiếp tục tái cơ cấu theo hướng bền vững, hiệu quả theo hướng tích cực về cơ cấu, kỳ hạn, lãi suất, đảm bảo khả năng trả nợ. Năm 2018 có thể xem là năm hiếm hoi khi VN được 2 trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng.

Tuy nhiên, có điều cần chú ý rằng, đầu mối cơ quan quản lý nợ công hiện vẫn còn phân tán. Trong khi đó, VN đã tốt nghiệp nguồn vốn IDA (của WB) nên việc huy động vốn sẽ phải tiếp cận dần với điều kiện thị trường.

Giới chuyên gia cho rằng trước mắt, cần khẩn trương rà soát chính sách về quản lý nợ công và các chính sách liên quan để có thể đánh giá toàn diện về khuôn khổ pháp lý nợ công, cũng như đảm bảo sự đồng bộ giữa quản lý nợ với quản lý ngân sách và đầu tư công; kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ, các trần ngưỡng an toàn nợ; kiểm soát rủi ro đối với danh mục nợ công. Quan trong là cần cân đối giữa vốn vay trong nước và vay nước ngoài nhằm đạt được cơ cấu danh mục nợ công hợp lý; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kiểm soát chặt chẽ sử dụng vốn vay, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn để tạo nguồn trả nợ trong tương lai, gắn trách nhiệm sử dụng vốn vay với trách nhiệm giải trình; công khai minh bạch về nợ công.

Để khắc phục điểm yếu về quản lý nợ địa phương, ông Trương Hùng Long đề nghị cần thiết lập hệ thống thông tin, hài hòa hóa quy định từ TW đến địa phương để thống nhất cách thức quản lý.

Thường trực Ban Biên tập