Điểm báo về nợ công (Từ 01/02 đến 28/02/2019)

09:27 AM 04/03/2019 |  Lượt xem: 8275 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

- Báo điện tử Dân Việt (05/02) có bài “Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói về nợ công và thu chi ngân sách 2019”, báo Kinh tế và Đô thị (7/2) có bài “Đầu năm, nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính nói chuyện cũ, chuyện mới”, báo Dân trí (09/02) có bài “Đầu năm, Bộ trưởng Tài chính nói chuyện thu chi ngân sách, nợ công”,  điện tử Chính phủ (10/2) có bài “Tăng cường kỷ luật ngân sách, gia tăng tiềm lực quốc gia”, báo Đại Đoàn kết (11/02) có bài “Vì một nền tài chính quốc gia bền vững”, báo Quân đội Nhân dân (14/2) có bài “Quy mô nợ công tính theo GDP có xu hướng giảm”... và nhiều báo khác đã có bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Trong các bài phỏng vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong giai đoạn 2013-2015, nền kinh tế chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, để có nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ổn định kinh tế vĩ mô, chống chịu với các tác động từ bên ngoài, NSNN đã phải huy động một khối lượng lớn nguồn lực khi điều kiện thị trường vốn trong nước chưa phát triển, với kỳ hạn vay nợ chủ yếu là từ 3 đến 5 năm. Vì thế, dẫn đến nhu cầu trả nợ gốc tăng nhanh trong một vài năm gần đây (năm 2017 là 144.000 tỷ đồng, năm 2018 là 146,77 nghìn tỷ đồng, năm 2019 dự kiến là 181,97 nghìn tỷ đồng; nếu tính cả chi trả nợ gốc của ngân sách địa phương thì tổng số chi trả nợ gốc năm 2019 là 197.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, thực hiện cơ cấu lại NSNN theo Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội đã tích cực cơ cấu nợ công cả về kỳ hạn, lãi suất, cơ cấu vay trong nước và ngoài nước, cơ cấu nhà đầu tư theo hướng bền vững hơn. Mặc dù chi trả nợ gốc tăng nhanh, nhưng tổng quy mô huy động của ngân sách Trung ương đã được kéo xuống thấp hơn quy mô huy động lên cao những năm 2014 là 441.000 tỷ đồng, năm 2015 là 446,6 nghìn tỷ đồng (tổng mức vay năm 2016 là 389,1 nghìn tỷ đồng; năm 2017 là 316,3 nghìn tỷ đồng; năm 2018 là 341,7 nghìn tỷ đồng; dự toán năm 2019 là 391,5 nghìn tỷ đồng). Đặc biệt, quy mô nợ công tính theo GDP sau nhiều năm tăng đã có xu hướng giảm (năm 2016 là 63,7%, năm 2017 là 61,4%, năm 2018 khoảng 61%, dự toán năm 2019 là 61,3%). Trong khi đó, thị trường tài chính cùng kỳ có sự phát triển đáng kể. Vì vậy, việc huy động vốn cho NSNN không tạo ra các áp lực đối với thị trường.

- Báo Kiểm toán Nhà nước (15/2) có bài “Tiếp tục cơ cấu nợ công theo hướng bền vững” cho biết: Đến ngày 31/12/2018, nợ công ước tính đạt khoảng 61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tiến về mức an toàn, vượt mục tiêu đã được đặt ra tại Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán NSNN năm 2018 (Nghị quyết 01). Để tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công, Bộ Tài chính sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như kiểm soát chặt chẽ các khoản vay mới, chỉ vay cho bù đắp bội chi để đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên…

- Báo điện tử VietNamNet (ngày 16/2) đăng tải bài viết “Tính lại GDP có giúp mở rộng nợ công?” của tác giả Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, VCCI. Bài viết cho biết: GDP của Việt Nam sẽ được tính toán lại, bao gồm cả nền kinh tế ngầm, kinh tế không chính thức. Dự kiến với cách tính này, GDP sẽ tăng kha khá. Có nhiều ý kiến liên hệ vấn đề này với trần nợ công. Tác giả bài báo cho rằng, đúng là chúng ta có trần nợ 65% GDP nhưng đó không phải là trần nợ duy nhất. Ngoài trần này, Quốc hội còn đặt ra một mức trần khác: nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách. Để dễ hiểu tác giả dẫn ví dụ về ngân sách của một gia đình: Hai vợ chồng vừa làm vừa chơi, tức là làm chưa hết công suất, vẫn còn thời gian rảnh để hưởng thụ, thì có thu nhập là 600 triệu đồng/năm. Nhưng nếu trong hoàn cảnh nợ nần nhiều, cả hai vợ chồng có thể kéo cày trả nợ, làm tăng ca, ít chơi hơn, thì thu nhập có thể lên đến 800 triệu đồng/năm.

Để bảo đảm an toàn tài chính gia đình, hai vợ chồng thống nhất là không được vay nợ quá một tỷ lệ thu nhập. Nhưng nên lấy mẫu số là thu nhập khi vừa làm vừa chơi hay thu nhập khi làm hết công suất? Cách tốt nhất là nên lấy chỉ tiêu an toàn nợ gia đình theo cả hai con số trên. Ví dụ, tổng vay nợ không quá 33% thu nhập bình thường và đồng thời không quá 25% thu nhập khi làm hết công suất.

Tác giả cho rằng chỉ tiêu an toàn nợ công của Việt Nam cũng tương tự như vậy.

Việc thay đổi cách tính GDP sẽ giúp GDP tăng do cộng thêm phần kinh tế ngầm. Dù nhiều người lo ngại là việc nới GDP sẽ dẫn đến nới nợ công trong khi dòng tiền vào ngân sách lại không tăng nhưng cần lưu ý rằng chúng ta vẫn có một trần nợ công khác được tính theo tổng thu ngân sách. Vì vậy, vấn đề nợ công nằm ở việc Quốc hội giám sát thường xuyên và chế tài đối với Chính phủ khi để nợ công vượt trần. Còn việc thay đổi cách tính GDP không quá ảnh hưởng đến trần nợ công như nhiều người lo ngại.

- Báo Giao thông (20/2) có bài: “Nợ công Việt Nam 61,4% GDP, so với các nước khác không là gì!”, VTV24 (21/2) có tin “Đưa khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP sẽ không làm nợ công tăng cao”… và nhiều báo khác cho biết: Tại buổi họp báo về Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát (ngày 20/2), rất nhiều câu hỏi được đưa ra đối với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Bích Lâm​​​​​ xoay quanh chuyện nếu tính khu vực kinh tế chưa quan sát vào GDP thì sẽ làm giảm tỷ lệ nợ công.

Được hỏi về quan điểm đối với những lo ngại này, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng: “Nợ công hay chi tiêu công là chính sách của Chính phủ, được quyết định theo từng giai đoạn. Còn trách nhiệm của Tổng cục Thống kê đánh giá đúng tình hình”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giải thích thêm.

Ông Lâm cũng cho rằng, nợ công của Việt Nam hiện so với GDP là khoảng 61,4%, so với các nước khác không là gì. Ông Lâm dẫn chứng, Italia có mức nợ công trên 150%.

“Nhưng tuy vậy, nền kinh tế ta quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính chưa dồi dào thì Quốc hội đưa ra tỷ lệ nợ công là không vượt 65%. Chính phủ đã thực hiện tốt, nợ công ngày càng giảm tốt. Nhà kinh tế lo ngại thì lo quá xa cho nền kinh tế. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm phản ánh bức tranh kinh tế”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nói.

- Báo điện tử Chính phủ (20/2), báo Đầu tư (20/2) có bài “Không 'làm đẹp' số liệu thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát” cho biết: Tại cuộc họp báo về Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, giải đáp câu hỏi của báo chí liên quan đến việc khi thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ có thể làm đẹp về GDP dẫn đến những sai lệch về nợ công, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định, ngành thống kê có trách nhiệm phản ánh trung thực bức tranh kinh tế - xã hội, không bị bất cứ áp lực nào để “làm đẹp số liệu” khi thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm thu thập phản ánh rõ nhất quy mô của nền kinh tế, đây là nhiệm vụ phải làm trung thực, từ đó Chính phủ có thể căn cứ đưa ra chính sách và quyết sách hợp lý.

Cụ thể, ông Lâm cho rằng tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam là 61,4% so với các nước khác trên thế giới chưa phải là vấn đề, nợ công/GDP mục tiêu được Quốc hội đề ra là không quá 65%. Khi điều chỉnh số liệu, thì cách thức điều hành vẫn căn cứ sát thực tiễn, do đó, không nên lo ngại việc thống kê làm tăng GDP sẽ khiến cơ quan điều hành đẩy mức nợ công lên cao ngoài mức kiểm soát.

- Thời báo Kinh tế Sài Gòn (24/2) có bài “Đưa kinh tế chưa quan sát vào GDP: Dư địa đầu tư công sẽ tăng, nhưng không ổn” cho biết: Nếu khu vực kinh tế chưa quan sát (trong đó có kinh tế ngầm và kinh tế không chính thức) được phản ánh hết thì quy mô GDP sẽ tăng và điều hiển nhiên là dư địa nợ công (tính theo số tuyệt đối) để đầu tư cho nhu cầu phát triển cũng tăng theo. Trước khi đi vào phân tích sâu hơn, cần hiểu logic của chủ trương này theo dòng chảy sau: Dựa vào tiêu chuẩn và kinh nghiệm thế giới, Việt Nam tự đặt ra mức trần nợ công là 65% GDP.

Nay nợ công đã tăng mấp mé mức này, nên nếu muốn tăng dư địa vay nợ thêm thì có một cách là phải điều chỉnh trần nợ công tăng lên. Nhưng cách này rất không ổn, vì trần nợ công đã được Quốc hội phê duyệt và Chính phủ cam kết nhất trí phấn đấu thực hiện.

Cách còn lại để tăng dư địa cho nợ công là phải tăng giá trị của mẫu số là GDP. Nhưng tăng GDP cũng có giới hạn vì các nguồn lực đã và đang được khai thác triệt để, nên để đạt và duy trì tăng trưởng GDP ở mức, ví dụ, 7%/năm đã là một việc khó, đầy thử thách.

Cách nhanh nhất và tiện lợi nhất để GDP “tăng vọt trong một đêm”, nhờ đó làm dư địa cho nợ công cũng tăng vọt theo, là đưa thêm các hoạt động kinh tế không thống kê được trước đây vào GDP.

Từ logic theo dòng chảy trên có thể thấy nếu cố gắng đưa các hoạt động kinh tế không thống kê được vào GDP (ở đây ta không nói đến chuyện có thống kê được các hoạt động kinh tế này hay không) thì việc tính trần nợ công thể hiện bằng tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ trở nên không tương thích với phương pháp của thế giới.

Bởi phương pháp của thế giới là chỉ dùng GDP chính thức (gồm các hoạt động kinh tế chính thức, thống kê, quan sát được). Thế giới tất nhiên cũng có kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức nhưng hầu như không có nước nào tìm cách tính và gộp các hoạt động này vào GDP chính thức. Và chắc chắn cũng không có nước nào đặt ra trần nợ công dựa trên GDP mở rộng (gồm cả kinh tế phi chính thức và kinh tế ngầm).

Thêm nữa, cho dù sẽ tính được quy mô kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức và gộp chúng vào GDP chính thức công bố hàng năm thì cách làm này cũng chỉ làm tăng quy mô GDP tổng hợp công bố lên đột ngột trong năm đầu tiên khi áp dụng cách tính mới này. Từ những năm sau đó, quy mô GDP tổng hợp sẽ không còn những bước tăng kiểu “nhảy vọt” nữa bởi các hoạt động kinh tế cả chính thức lẫn phi chính thức đều đã được thống kê đầy đủ, và tốc độ tăng GDP tổng hợp này hàng năm sẽ trở lại mức tự nhiên (ví dụ, GDP chính thức sẽ tăng quanh quẩn 7%/năm).

Như vậy, dù với cách làm trên, thì dư địa nợ công cũng sẽ chỉ tăng vọt một lần duy nhất rồi sau đó quay trở lại trạng thái bị kiềm chế như lúc trước khi thay đổi cách tính GDP. Nói cách khác, cách “vận dụng” trên sẽ không giúp ích cho việc đảm bảo an toàn nợ công trong dài hạn khi mà biện pháp quan trọng, hữu hiệu và cần làm nhất là kiềm chế và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, chỉ vay nợ trong trường hợp thật cần thiết lại không được thực hiện rốt ráo.

Nợ công vì thế mà sẽ tiếp tục tăng nhanh, tăng mạnh, cho đến lúc ngay cả với mẫu số đã phình to một cách đột ngột là GDP tính theo cách mới cũng vẫn làm cho nợ công nhanh chóng chạm ngưỡng trần.

 

Thường trực Ban Biên tập