Bội chi và nợ công được quản lý chặt chẽ, nghiêm túc

06:41 PM 03/06/2019 |  Lượt xem: 139 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Tại phiên họp tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu giải thích cụ thể về nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm liên quan đến điều hành NSNN và nợ công.

Đánh giá về tình hình NSNN năm 2018, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thu NSNN năm 2018 vượt khá, tăng 8% so với dự toán. Tỷ trọng huy động ngân sách bình quân của 3 năm 2016 – 2018 đạt 24,5% GDP, trong đó tỷ trọng thu từ thuế và phí là 21,2% GDP, đều đạt mục tiêu đề ra tương ứng là trên 23,5% và khoảng 21,5%.

Cùng với đó, cơ cấu ngân sách chuyển dịch tích cực, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội. Trong tổng thu, thu nội địa giai đoạn 2011 – 2015 là 68% nhưng giai đoạn 2016 – 2018 lên đến 80,3%, tỷ trọng thu từ dầu thô chỉ còn khoảng 4%. Thời gian gần đây, chúng ta bắt đầu hội nhập sâu, nhiều sắc thuế cắt giảm về 0%. Tuy nhiên, ngân sách trung ương (NSTW) vẫn tăng thu nhờ tăng kim ngạch XNK và công tác quản lý thu tốt hơn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại Hội trường Quốc hội ngày 22/5

Để tăng cường quản lý thu, năm 2018 cơ quan thuế đã thực hiện 95,94 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế (chủ yếu tại cơ quan thuế), qua đó kiến nghị thu vào NSNN 19 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 40,9 nghìn tỷ đồng, xử lý thu hồi 32.000 tỷ đồng nợ đọng thuế của năm 2017. Tương tự, năm 2017 cũng xử lý giảm lỗ 37 nghìn tỷ đồng. Các khoản giảm lỗ này chủ yếu liên quan đến chuyển giá, DN FDI.

Báo cáo về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết những năm gần đây, bội chi và nợ công cũng được quản lý chặt chẽ, nghiêm túc theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội. Đây là việc làm rất quan trọng để ổn định vĩ mô. Những nỗ lực này đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận khi đánh giá nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam, trong đó chỉ số được đánh giá cao nhất là nợ công. Những năm qua, đã có rất nhiều giải pháp được thực hiện để quản lý chặt chẽ nợ công, như không cấp mới bảo lãnh CP, quản lý vay về cho vay lại chặt chẽ, triệt để. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế tốt hơn, GDP sát dự toán hơn nên tỷ trọng nợ công/GDP giảm, dù số tuyệt đối vẫn tăng.

Đánh giá nợ công đã an toàn hơn, bền vững hơn, song Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn cho rằng, chưa thể nói nợ công đã thực sự an toàn, bền vững khi chúng ta mới bố trí trả được lãi, chưa trả được gốc. Đặc biệt là khi đầu vào là tiền vay đã quản lý chặt chẽ, song điều băn khoăn là đầu ra là các dự án đầu tư, xây dựng từ ngân sách, trái phiếu, ODA có thực sự hiệu quả hay không.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, từ năm 2017 đến nay, kỳ hạn huy động TPCP, chủ yếu là trên 10 năm, danh mục nợ còn lại khoảng 6,7 – 6,8 năm, bình quân huy động là 12 – 13 năm. Đây là kết quả rất khả quan khi so với 5 năm trước, danh mục còn lại chỉ khoảng 1,7 – 1,8 năm. Lãi suất vay thời kỳ trước có lúc là 11 – 13%/năm, đến nay giảm còn khoảng 4,6%/năm. Số tuyệt đối bội chi ngân sách 3 năm liền cũng giảm so với dự toán. Tốc độ gia tăng nợ công giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 18% năm, nhưng đến giai đoạn 2016 – 2018 chỉ còn trên 8%, giảm một nửa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng cần xem xét lại một số chính sách vay khi chúng ta vay ưu đãi nước ngoài với lãi suất 2 – 3%/năm. Nếu tính cả trượt giá ngoại tệ thì mức lãi suất thực có thể lên đến 6 – 7%, cao hơn cả vay trong nước, chưa kể còn nhiều yếu tố phụ thuộc khi vay nước ngoài. Điều này không có nghĩa là không vay nước ngoài song cần xử lý hợp lý để có cơ cấu nợ công hiệu quả.

Với kết quả của năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, lãnh đạo ngành Tài chính dự đoán nếu không có thay đổi lớn thì kế hoạch NSNN năm nay được đảm bảo, phấn đấu vượt dự toán 5%./.

Hồ Việt Hương