Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại làm việc với Đoàn cán bộ Điều khoản IV của Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong khuôn khổ đợt đánh giá thường niên năm 2019

04:39 PM 24/04/2019 |  Lượt xem: 546 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Trong hai ngày 9/4/2019 và 10/4/2019, Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với Đoàn cán bộ Điều khoản IV của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong khuôn khổ đợt làm việc đánh giá vĩ mô thường niên và đánh giá bền vững nợ của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) hoan nghênh đợt làm việc tại Việt Nam của ông Alex Mourmouras (Trưởng đoàn) và phái đoàn Điều khoản IV, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng thời gian tới, mối quan hệ hợp tác giữa Cục QLN&TCĐN và IMF trên lĩnh vực quản lý nợ sẽ được thúc đẩy và nâng cao hơn nữa.

Trong buổi làm việc, ông Võ Hữu Hiển đã chia sẻ với phái đoàn IMF những diễn biến tích cực về xu hướng nợ công của Việt Nam trong thời gian vừa qua, những thành tựu đáng ghi nhận trong nỗ lưc cơ cấu lại danh mục nợ để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Cùng với việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Quản lý nợ công năm 2017, khuôn khổ pháp lý và việc triển khai các nghiệp vụ quản lý nợ công ở Việt Nam cũng có những bước tiến rõ rệt, từng bước phù hợp hơn với thông lệ tốt của quốc tế.

Tiếp theo buổi làm việc cập nhật tình hình tổng quan chung liên quan đến công tác quản lý nợ, đoàn chuyên gia của IMF có buổi làm việc chuyên đề với Cục QLN&TCĐN về việc phối hợp thực hiện cập nhật phân tích, đánh giá bền vững nợ (DSA) cho Việt Nam.

Tại buổi làm việc này, phái đoàn chuyên gia đã trình bày về phương pháp luận và cấu trúc mô hình đánh giá bền vững nợ của IMF mới được cập nhật cho các quốc gia huy động vốn vay theo điều kiện thị trường sẽ được sử dụng cho Việt Nam (MAC DSA). Để hoàn thiện thông tin đầu vào phục vụ quá trình chạy mô hình phân tích DSA, Cục QLN&TCĐN đã trao đổi với IMF về dự báo vĩ mô, tài khóa trung-dài hạn của phía Việt Nam, đồng thời chia sẻ những nhận định về khả năng và điều kiện huy động vốn vay của Chính phủ từ các kênh trong và ngoài nước trong giai đoạn tới.

Đoàn công tác IMF đánh giá cao và cảm ơn Cục QLN&TCĐN đã phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin kịp thời, trao đổi cởi mở và so sánh kết quả sử dụng các mô hình phân tích nợ khác nhau giữa 2 cơ quan. Sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của Cục QLN&TCĐN đã góp phần giúp phái đoàn Điều khoản IV đưa ra kết quả phân tích bền vững nợ chặt chẽ, khách quan với tính xác thực và dự báo chính xác hơn thông qua đợt làm việc này.

Đại diện IMF phát biểu tại Cuộc họp

Kết thúc đợt làm việc, Đoàn công tác IMF đã chia sẻ một số đánh giá sơ bộ liên quan đến công tác quản lý nợ của Việt Nam:

- Việc Việt Nam thành công trong việc kiếm chế bội chi ngân sách thấp hơn dự toán trong năm 2018, cùng với chính sách hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, đã góp phần quan trọng giúp giảm tỷ lệ nợ công so với GDP, và phát đi tín hiệu mạnh mẽ về quyết tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Danh mục nợ công của Việt Nam được đánh giá có tính bền vững.

- Công tác quản lý nợ đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên tính linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành vẫn có thể được cải thiện hơn nữa. Việc Kho bạc Nhà nước hiện phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn tối thiểu 5 năm trở lên tuy tạo thuận lợi cho công tác lập kế hoạch và giảm bớt rủi ro đảo nợ đối với nợ Chính phủ, nhưng lại là rào cản cho nghiệp vụ quản lý ngân quỹ chủ động, và ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường vốn, thị trường tiền tệ. Việc phát hành tín phiếu Kho bạc sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn thông qua cung cấp công cụ phi rủi ro ngắn hạn, giúp bổ khuyết phần kỳ hạn ngắn của đường cong lợi suất chuẩn. Hoạt động quản lý ngân quỹ chủ động hơn theo đó cũng sẽ giúp giảm thiểu chi phí vay ròng thông qua hạn chế yêu cầu nắm giữ lượng tồn ngân nhàn rỗi cao hơn mức cần thiết./.

Hoàng Phương Hà