Ngày 6/10/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã tiếp đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới do Ông Felipe Carlos Jaramillo, Giám đốc cấp cao về quản lý vĩ mô và tài khóa là trưởng đoàn. Tham dự buổi tiếp có đại diện một số đơn vị liên quan của Bộ Tài chính.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn hoan nghênh Ông Jaramillo có chuyến thăm lần đầu tới Việt Nam, chia sẻ một số kết quả về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, nợ công, xóa đói giảm nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều. Cụ thể 9 tháng đầu năm tăng trưởng đạt 6,3% GDP, cả năm có thể đạt 6,7%.
Mặc dù kết quả dự kiến khả quan song Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Mức tăng trưởng dự kiến 6,7% là khá cao, tuy nhiên chưa bền vững, chủ yếu là kết quả đầu tư chiều rộng. Thách thức lớn nhất trong giai đoạn trước mắt là vấn đề nợ xấu và cách thức xử lý, là triển khai các giải pháp để thực hiện thành công Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Cùng với đó, cần quyết liệt triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về cải cách doanh nghiệp Nhà nước, trong đó mục tiêu hàng đầu khi thoái vốn tại các DNNN là để thúc đẩy cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp. Đối với ngành tài chính, thách thức đặt ra trong giai đoạn hiện nay là quản lý thu, chi tiêu ngân sách hiệu quả và quản lý nợ công an toàn, bền vững. Báo cáo chi tiêu công do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới vừa công bố mới đây đã khuyến nghị các giải pháp hết sức cụ thể, giúp từng bước cải cách cơ cấu nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, cải tiến công tác hành chính thuế; về chi, các giải pháp được đặt ra gồm thay đổi cơ cấu chi ngân sách, phấn đấu tăng tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cơ cấu tiền lương… Những giải pháp, quyết sách cụ thể đang được bàn ở cấp quốc gia và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Bàn về vấn đề nợ công, Thứ trưởng cho rằng đây là thách thức lớn nhất của cả nền kinh tế. Hiện nay trần nợ công được Quốc hội quy định ở mức 65%, sau năm 2020 phải giảm dần xuống mức 60-62%. Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 là bước tiến trong quản lý nợ công, nợ chính quyền địa phương, kiểm soát nợ dự phòng, nợ đọng xây dựng cơ bản. Bộ Tài chính tin tưởng Luật Quản lý nợ công sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, phê duyệt trong kỳ họp tới đây, tạo khuôn khổ pháp lý để triển khai các giải pháp quản lý nợ công an toàn, bền vững.
Đề cập tới vai trò của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính đánh giá cao sự hỗ trợ, tư vấn của Ngân hàng Thế giới đối với công tác quản lý vĩ mô, trong đó có hỗ trợ về quản lý tài khóa, cải cách chính sách thuế, chế độ kế toán.
Trao đổi tại buổi tiếp, Giám đốc cấp cao về quản lý vĩ mô và tài khóa WB bày tỏ ấn tượng về các kết quả Việt Nam đã đạt được và chia sẻ các thách thức đặt ra với Việt Nam cũng là tình huống các quốc gia chuyển đổi khác đều gặp phải. Chúc mừng Việt Nam đã tốt nghiệp thành công nguồn vốn IDA, Ông Felipe Carlos Jaramillo cho rằng với mức nợ công cao, một quốc gia không thể chỉ dựa vào nợ công để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Giai đoạn tới Việt Nam cần nghiên cứu, chuyển sang sử dụng các công cụ thị trường để huy động vốn cho phát triển. Công tác quản lý nợ vì thế là hết sức quan trọng và WB ủng hộ Việt Nam coi quản lý nợ là một trong các mục tiêu ưu tiên.
Theo WB, Việt Nam cần đề ra các chủ trương chính sách và có hướng dẫn về quản lý tài khóa, đảm bảo kỷ cương đối với công tác nợ công, kiềm chế thâm hụt ngân sách. Trong điều hành tài khóa cũng cần dành những khoảng đệm để ứng phó khi xảy ra các cú sốc. WB cũng nhận định, với các quốc gia tốt nghiệp IDA, việc quan hệ đối tác với WB chuyển từ quan hệ tài trợ là chủ yếu sang quan hệ đối tác tư vấn, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật là điều tự nhiên. Với sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau trong quan hệ hợp tác nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục là đối tác tin cậy, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm trên quy mô toàn cầu cho Việt Nam theo đề xuất của Chính phủ.