Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại văn bản số 8895/BTC-QLN ngày 23/7/2020 về kết quả Hội nghị giải ngân trực tuyến về giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi tổ chức tại Bộ Tài chính cuối tháng 6/2020, tỷ lệ giải ngân vốn ODA trong 6 tháng đầu năm của các Bộ, ngành, địa phương mới đạt 13,96% dự toán được giao, trong đó các Bộ, ngành trung ương giải ngân đạt tỷ lệ 16,56% dự toán được giao. Sau hai tháng có chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ các cấp, các ngành, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của các Bộ đã tiến bộ, đạt tỷ lệ 21,64% dự toán được giao. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài vẫn còn tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18/7/2020 và trên tinh thần Hội nghị giao ban trực tuyến giải ngân vốn đầu tư công ngày 21/8/2020, nhằm mục tiêu thúc đẩy giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ năm 2020, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các Bộ, ngành trung ương về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong 8 tháng năm 2020 với sự tham gia của 12 Bộ được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Công Thương, Viện HLKHCN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc – Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục QLN&TCĐN, Bộ Tài chính đọc báo cáo tổng hợp tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Bộ Tài chính và các cơ quan đã rà soát đánh giá kỹ tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài 8 tháng đầu năm 2020; làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, xác định nguyên nhân là gì, từ đâu. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đề xuất các giải pháp cụ thể để thực hiện từ nay đến cuối năm 2020. Cụ thể như sau:
I. Về tình hình giao và phân bổ kế hoạch vốn 2020
1. Tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn NSTW theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 60.000 tỷ đồng trong đó số được phân bổ cho các Bộ, ngành địa phương để nhập vào hệ thống Tabmis là 56.700 tỷ đồng, trong đó, dự toán giao cho các Bộ, ngành trung ương là 18.216 tỷ đồng.
2. Theo số liệu trên hệ thống Tabmis, tính đến ngày 26/8/2020, tỷ lệ nhập dự toán trên Tabmis chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các Bộ, ngành đạt 84,10% (15.319 tỷ đồng), trong đó 7/12 Bộ đã nhập và phân bổ 100% dự toán vốn vay nước ngoài trên Tabmis; 4/12 Bộ đã nhập và phân bổ trên 70% dự toán; riêng Bộ NNPTNT nhập dưới 50% dự toán (do dự kiến hủy khoảng 50% dự toán).
3. Tình hình nhập và phân bổ dự toán vốn vay nước ngoài trên hệ thống Tabmis đến nay đã có nhiều cải thiện so với cuối Quý I/2020, đặc biệt sau khi có các văn bản đôn đốc từ Bộ Tài chính, và sau khi có các giải pháp rà soát, chỉ đạo sát sao từ các cơ quan chủ quản.
4. Đã có 9 Bộ (8 Bộ có ý kiến bằng văn bản và 1 Bộ đã có thông tin chưa chính thức) đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng số vốn đề nghị trả lại là 3.753 tỷ đồng (chiếm 32,53% dự toán giao cho các Bộ, ngành): Bộ NNPTNN đề nghị hủy 1.808 tỷ đồng/ 3.638 tỷ đồng dự toán của Bộ để chuyển cho các Bộ, địa phương khác; Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đề nghị trả lại số tiền 300 tỷ đồng /400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học KHCN Hà Nội do Dự án không thể giải ngân theo kế hoạch; Ban QLKCNC Hòa Lạc đề nghị trả lại 50 tỷ đồng/198 tỷ đồng; Bộ TNMT đề nghị trả lại 330,5 tỷ đồng/619 tỷ đồng; Bộ GDĐT đề nghị trả lại 147 tỷ đồng/2.153 tỷ đồng; Bộ VHTTDL đề nghị trả lại 87 tỷ đồng/245 tỷ đồng; Bộ KHĐT đề nghị trả lại 30 tỷ đồng/103 tỷ đồng; Bộ Y tế đề nghị hủy 500 tỷ đồng/1.100 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng dự kiến trả lại 500 tỷ đồng/1.253 tỷ đồng
Tuy nhiên, qua theo dõi của Bộ Tài chính thì có nhiều dự án có tiến độ triển khai rất chậm, trong đó nhiều vướng mắc từ phía triển khai của chủ dự án làm chậm tiến độ chung. Các Bộ cần có sự nhìn nhận nghiêm túc về trách nhiệm của các chủ dự án như Dự án Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Dự án Đại học Dược Hà Nội.
II. Về tình hình thực hiện kế hoạch vốn
1. Giải ngân kế hoạch vốn 2020: Tính đến hết ngày 26/8/2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn vay nước ngoài của các Bộ, ngành là 3.742 tỷ đồng (theo phương thức ghi thu ghi chi) và 199 tỷ đồng (theo cơ chế tài chính trong nước), đạt 21,64% dự toán.
Qua rà soát của Bộ Tài chính, nếu như tính trên số kế hoạch sau khi các Bộ đề xuất trả lại, số giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của một số 28,69%, Bộ Văn hóa thể thao du lịch là 32,73%, Bộ NNPTNT 16,5%,...
Ngoài ra, Bộ Tài chính ghi nhận số các nhà tài trợ chuyển tiền giải ngân theo hình thức L/C (Bộ Tài chính không ký đơn rút vốn) cho các Bộ ngành 8 tháng đầu năm là 103 tỷ đồng, trong đó Bộ NNPTNT là 5,6 tỷ đồng, Bộ GDĐT là 5,8 tỷ đồng, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc là 0,5 tỷ đồng, Bộ GTVT là 89,5 tỷ đồng.
2. Giải ngân kế hoạch vốn 2019: Hiện, các Bộ, ngành vẫn đang tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch 2019 với giá trị 2.420 tỷ đồng (số liệu 26/8/2020).
3. Nhận xét:
- Tám tháng đầu năm, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 do đó các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực của các Bộ, ngành, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 tương đối cao so với mức cùng kỳ của năm 2019.
- Mặc dù vậy, nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước thì tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn còn thấp (tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nước đạt khoảng 45% kế hoạch – theo Báo cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ngày 21/8/2020).
- Với tốc độ giải ngân như hiện nay, nếu các Bộ ngành không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020.
III. Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm:
Từ quá trình theo dõi, đánh giá công tác giải ngân và làm việc của Bộ Tài chính với các Bộ, các chủ dự án, có thể thấy một số nguyên nhân sau đây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các dự án:
1. Tác động của đại dịch Covid- 19:
Các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án trong nước do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, (như các dự án của ngành giao thông),... Bên cạnh đó, việc chờ các nhà tài trợ có ý kiến không phản đối với các gói thầu/và đối với từng hoạt động (như trường hợp của WB theo như phản ánh của Bộ GDĐT đối với Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, Dự án Chương trình phát triển các trường sư phạm) cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án ODA nói chung.
2. Vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án:
Từ đầu năm 2020 đến nay đã có 9 hiệp định vay của các Bộ ngành phải làm thủ tục gia hạn, điều chỉnh với nhà tài trợ.
Theo quy định hiện nay, việc gia hạn khoản vay hay bất kỳ điều chỉnh nào của dự án đều gắn liền với điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong khi quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư thường phức tạp và kéo dài dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh. Trong số này có một số dự án có số giao kế hoạch 2020 lớn như Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam vay JICA (dự toán 1.970 tỷ đồng), hiện đã xong các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời hạn giải ngân hiệp định vay nhưng hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặc thù của Dự án; Dự án Xây dựng tuyến Lộ Tẻ Rạch Sỏi vay Hàn Quốc (dự toán 700 tỷ đồng), mới xong thủ tục gia hạn thời gian thực hiện và gia hạn thời gian giải ngân của hiệp định vay vào tháng 5/2020; Dự án Xây dựng Cảng Lạch Huyện vay JICA (dự toán 340 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được 4,7 tỷ đồng (bao gồm 2,8 tỷ đồng thanh toán theo phương thức L/C), nhưng đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh toàn bộ dự phòng từ 2 hiệp định vay lên hạng mục xây lắp, trị giá khoảng 448 tỷ đồng).
3. Giải ngân song song kế hoạch vốn 2019 và kế hoạch vốn 2020:
Kế hoạch vốn năm 2019 được giao làm nhiều lần và chậm, do đó trong năm 2019 mới chỉ giải ngân được 32,5% kế hoạch vốn nước ngoài phần ghi thu ghi chi; sang năm 2020, bên cạnh việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch vốn 2020, trong 8 tháng đầu năm 2020, các Bộ, ngành còn tập trung giải ngân tiếp dự toán đã được giao của năm 2019 và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn trị giá 2.420 tỷ đồng, trong đó giải ngân của Bộ TNMT là 191 tỷ đồng, Bộ NNPTNT là 286 tỷ đồng, Bộ GDĐT là 389 tỷ đồng, Bộ GTVT là 1.001 tỷ đồng,...
4. Chậm hoàn chứng từ đối với các khoản Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với nhà tài trợ nước ngoài:
Để hỗ trợ các chủ dự án được linh hoạt và chủ động trong thực hiện thanh toán, Bộ Tài chính đã phối hợp với các nhà tài trợ tạm ứng vốn theo Hiệp định đã ký kết để thực hiện dự án trên cơ sở chủ dự án cần phải hoàn chứng từ ngay sau khi có khối lượng phát sinh đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ dự án chậm trễ thực hiện thủ tục hoàn chứng từ cho các khoản rút vốn từ tài khoản đặc biệt. Có dự án trên 6 tháng mới thực hiện thủ tục hoàn chứng từ như Dự án Phát triển giao thông đồng bằng Bắc bộ vay WB, Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam vay WB, Dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững vay JICA, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững vay WB, Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập vay WB, Dự án Cải cách đào tạo nguồn nhân lực y tế vay WB, Dự án Phát triển giáo dục trung học phổ thông giai đoạn 2 vay ADB,...
Qua đợt làm việc, rà soát trực tiếp với các chủ dự án vào tháng 7, tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính đã yêu cầu hoàn trả lại nhà tài trợ những khoản đã rút về tài khoản đặc biệt nhưng chưa sử dụng và chậm hoàn chứng từ trị giá xấp xỉ 190 tỷ đồng (Dự án Quản lý tài sản đường bộ vay WB đã trả lại 3 triệu USD, Dự án Giao thông đồng bằng Bắc bộ vay WB đang làm thủ tục trả 5 triệu USD). Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đôn đốc công tác hoàn chứng từ đối với các chủ dự án trong thời gian tới.
5. Các nguyên nhân khác:
- Mặc dù việc chuẩn bị dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi thường kéo dài, nhưng các vấn đề như chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu do khác biệt giữa hợp đồng FIDIC (mẫu Hợp đồng do Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn phát hành) và quy định trong nước tiếp tục là vấn đề nổi cộm của nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi.
- Theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, các đối tượng vay lại cần phải thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay. Việc thực hiện cơ chế đảm bảo tiền vay đối với các đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn do tài sản đảm bảo của đơn vị sự nghiệp công lập là tài sản công, không được thế chấp để vay vốn.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các cơ quan tham gia ý kiến góp ý Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97/2018/NĐ-CP trong đó có quy định về vấn đề tài sản đảm bảo của đơn vị sự nghiệp công lập để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
IV. Giải pháp, kiến nghị của Bộ Tài chính
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công lần 2, ngày 21/8/2020, Thủ tướng Chính đã yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao. Các Bộ, ngành tập trung làm ngay những nhiệm vụ, công việc theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, không để chậm những việc trong thẩm quyền. Tổ chức nào, cá nhân nào làm chậm thì phải kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.
Triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo phối hợp hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành tại công văn 8895/BTC-QLN ngày 23/7/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả Hội nghị giải ngân tháng 6/2020 và nhân Hội nghị này các nội dung như sau:
1. Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng Bộ ngành và có cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ở mức độ 100% dự toán được giao.
Trường hợp dự kiến không giải ngân hết 100% kế hoạch, đề nghị các đồng chí Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương chỉ đạo xác định rõ tỷ lệ giải ngân dự kiến đạt được và lý do không đạt được tỷ lệ giải ngân 100% theo kế hoạch vốn của năm 2020.
Đề nghị các Bộ có văn bản cam kết chính thức tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
2. Đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, các Bộ ngành cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối chung trong cả giải đoạn 2016-2020, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao.
3. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, đề nghị các đồng chí Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển ngay trong tháng 8/2020 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18/7/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện.
4. Các Bộ, ngành, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán.
5. Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các Bộ, ngành báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư, trên cơ sở phê duyệt/quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có).
6. Đối với các nội dung về tài chính, đề nghị các Bộ, ngành:
- Bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh.
- Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo chế độ quy định, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định; phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trong việc giải ngân. Đối với khoản tiền đã rút về tài khoản đặc biệt, yêu cầu các Ban quản lý dự án sớm hoàn chứng từ theo chế độ quy định. Các cơ quan chủ quản có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc hoàn chứng từ của Ban quản lý dự án.
- Các Ban quản lý dự án thực hiện ghi thu ghi chi kịp thời, không để dồn chứng từ vào cuối năm; Kho bạc Nhà nước đôn đốc các Ban quản lý dự án thực hiện ghi thu ghi chi, tổng hợp kết quả ghi ghu ghi chi báo cáo cấp có thẩm quyền định kỳ 15 ngày/1 lần để có chỉ đạo cần thiết.
- Chỉ đạo các chủ dự án, vào các ngày 15 và 30 hàng tháng, chủ động phối hợp rà soát, đối chiếu số liệu giải ngân với Bộ Tài chính nhằm công khai số liệu giải ngân trên trang điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai cam kết cụ thể của từng Bộ ngành, trên nguyên tắc khối lượng hoàn thành sát với khối lượng kiểm soát chi và khối lượng kiểm soát chi sát với đề nghị thanh toán của chủ dự án.
- Chỉ đạo các Ban quản lý dự án phối hợp với cơ quan cho vay lại trong việc thẩm định phương án tài chính đối với các dự án cho vay lại, thẩm định tài sản đảm bảo, để cơ quan cho vay lại sớm báo cáo và đề xuất các phương án giải quyết các vướng mắc phát sinh (nếu có) gửi tới Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính cam kết tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm và phối hợp với cơ quan chủ quản trong các vấn đề liên quan đến đàm phán ký kết, hoàn thành thủ tục hiệu lực của Hiệp định vay, điều chỉnh thời gian giải ngân tại Hiệp định vay (nếu có) và trao đổi với nhà tài trợ các vấn đề phát sinh trong quá trình giải ngân; phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân, tháo gỡ vướng mắc phát sinh.
Tóm lại, để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2020 và cả giai đoạn trung hạn 2016-2020 đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, của Chính phủ, Bộ, ngành. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. Bộ Tài chính mong muốn các Bộ ngành tiếp tục theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu kết luận Hội nghị
Thay mặt Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu kết thúc Hội nghị, theo đó ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp rất thực tiễn, sâu sắc và chất lượng của các Bộ, ngành, đề nghị các Bộ, ngành hoàn chỉnh báo cáo 8 tháng và phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát đối chiếu số liệu. Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các Bộ ngành để xử lý các vướng mắc phát sinh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định; đồng thời sẽ chỉ đạo các đơn vị toàn ngành tài chính chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vay nước ngoài nói riêng.