Buổi làm việc với đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam về các dự án viện trợ không hoàn lại của UNDP cho Việt Nam.

06:48 PM 03/06/2019 |  Lượt xem: 189 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Sáng ngày 15/5/2019, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với ông Đào Xuân Lai, quyền trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và các cán bộ chương trình, dự án của UNDP về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện các dự án ODA không hoàn lại do UNDP viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 2017-2021.

Tham dự buổi làm việc cùng Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Thảo có đại diện của Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại buổi làm việc, hai bên trao đổi thông tin về một số nội dung cụ thể liên quan đến quy trình phê duyệt, tiếp nhận và thực hiện dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua UNDP.

Bà Nguyễn Xuân Thảo trao đổi ba nội dung liên quan đến dự án viện trợ (i) ký kết Thỏa thuận viện trợ giữa Chính phủ Việt Nam và UNDP về dự án cụ thể, (ii) các vấn đề tài sản và quyền sở hữu tài sản của dự án viện trợ và (iii) nguồn vốn ODA không hoàn lại của dự án.

Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (Điều 10) quy định quy trình quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi bao gồm “Ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi”; và (Khoản 3 Điều 36) quy định “Trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung và gia hạn thỏa thuận về vốn ODA viện trợ không hoàn lại nhân dân Chính phủ”. Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước (Khoản 8 Điều 10) quy định hồ sơ xác nhận viện trợ gồm “Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và văn bản ủy quyền của Chính phủ về đàm phán, ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA”.

Thực tế triển khai, đối với một số dự án viện trợ không hoàn lại của UNDP hỗ trợ cho Việt Nam, UNDP áp dụng các phương thức khác nhau theo từng giai đoạn. Trong giai đoạn 2012 -2016, UNDP và cơ quan chủ quản không ký kết thỏa thuận viện trợ ODA không hoàn lại. Sang giai đoạn 2017 – 2021, UNDP và cơ quan chủ quản cùng nhau ký kết văn kiện dự án cụ thể được xây dựng theo mẫu nhà tài trợ và là căn cứ để hai bên thực hiện các hoạt động của dự án. 

Cũng trong buổi làm việc, hai bên đã thống nhất sẽ cùng nhau đưa ra các giải pháp để đảm bảo thống nhất quy định giữa hai bên, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về ODA của Việt Nam. UNDP sẽ rà soát lại các quy định hiện hành về quản lý tài sản của tổ chức để đảm bảm phù hợp với quy định hiện hành của Việt Nam, thực hiện bàn giao quyền sở hữu tài sản ngay khi bàn giao  các trang thiết bị cho phía Việt Nam để chủ dự án, ban quản lý dự án và đơn vị thụ hưởng tiến hành hạch toán tăng tài sản và nguồn hình thành theo đúng chế độ kế toán hiện hành của nhà nước và chấp hành đẩy đủ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.

Các dự án của UNDP đề cao cam kết chung của Chính phủ và UNDP, dựa trên nền tảng của Thỏa thuận Cơ bản chuẩn về Hỗ trợ phát triển được ký kết vào năm 1979, là kết hợp việc hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu với cách tiếp cận phát triển con người phục vụ cho lợi ích của mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất.

Theo Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017 – 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, tổng ngân sách của UNDP tài trợ cho Việt Nam giai đoạn 2017-2021 là 125.290.000 USD, chiếm giá trị lớn nhất trong các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam

Đỗ Lưu Hoa