Cuộc họp về khó khăn, vướng mắc tại Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành

03:09 PM 01/12/2022 |  Lượt xem: 610 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Ảnh toàn cảnh cuộc họp tại Bộ Giao thông vận tải

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại văn bản số 1795/TTg-QHQT ngày 05/10/2010 và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 với tổng mức đầu tư xây dựng là 1.607,4 triệu USD để xây dựng toàn bộ tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 57,8 km. Thời gian thực hiện Dự án được gia hạn đến hết ngày 31/12/2023. Dự án được Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2925/QĐ-BGTVT ngày 08/10/2010, phê duyệt điều chỉnh tại các Quyết định số 5096/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014 và Quyết định số 1471/QĐ-TTg ngày 31/7/2020.

Tổng mức đầu tư dự án là 1.607,40 triệu USD, trong đó: Vốn vay ADB: 635,7 triệu USD theo 2 hiệp định vay số 2730-VIE ký ngày 5/5/2011 trị giá 350 triệu USD (khoản vay lần 1) đã đóng 30/6/2019 và số 3391-VIE ký ngày 9/1/2017 trị giá 286 triệu USD (khoản vay lần 2) có hiệu lực từ 5/5/2017 đã được cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn đến hết 31/12/2023; Vốn vay JICA: tương đương 634,8 triệu USD theo 2 hiệp định vay số VN11-P3 ký ngày 02/11/2011 trị giá 14.039 triệu JPY và số VN14-P3 ký ngày 31/3/2015 trị giá 31.328 triệu JPY; Vốn đối ứng: 336,9 triệu USD.

Ảnh các đơn vị Bộ Giao thông vận tải phát biểu ý kiến

Sau khi nghe Cục QLXD&CLCTGT, VEC báo cáo tình hình thực hiện Dự án và ý kiến của các cơ quan, đơn vị dự họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kết luận như sau:

Từ năm 2019, các gói thầu đoạn tuyến phía Tây và các gói thầu sử dụng vốn vay JICA thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tạm dừng thi công do không được giao vốn vay JICA và thiếu vốn đối ứng, Hiệp định vay vốn ADB cho các đoạn tuyến phía Tây đã hết hạn đã dẫn đến các gói thầu đoạn tuyến phía Tây và các gói thầu sử dụng vốn vay JICA đã tạm dừng thi công. Để tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền, ngày 21/5/2020, Chính phủ có Nghị quyết số 75/NQ-CP về xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban QLVNN làm đại diện chủ sở hữu.

Bộ GTVT là cơ quan chủ quản (được Chính phủ giao quyết định đầu tư) và VEC là Chủ đầu tư (VEC chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của Dự án) nên tiến độ triển khai Dự án chậm sẽ phát sinh các chi phí và ảnh hưởng đến thời gian thu phí hoàn vốn, giảm hiệu quả đầu tư của Dự án. Hiện nay các vướng mắc tập trung chủ yếu liên quan sự chủ động của Ủy ban QLVNN và VEC. Đối với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cũng có trách nhiệm trong việc phối hợp xử lý các vướng mắc.  

Vì vậy, đề nghị Ủy ban QLVNN quan tâm, tập trung chỉ đạo: Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc VEC khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, chủ động làm việc với các bộ, ngành để giải quyết nguồn vốn:

- Đối với vốn đối ứng: thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, phối hợp chặt chẽ để Bộ KH&ĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án giải quyết vướng mắc về cơ chế vốn đối ứng cho Dự án.

- Đối với vốn vay JICA: chủ động cung cấp hồ sơ, giải trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thông qua phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho Dự án. Phối hợp chặt chẽ để Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và kế hoạch vốn năm 2022 cho các dự án của VEC.

- Đối với vốn vay ADB:

+ Khẩn trương thực hiện các hạng mục công việc nhánh phía Đông (thuộc phạm vi khoản vay ADB lần 2), xây dựng tiến độ chi tiết để hoàn thành đúng thời hạn Hiệp định vay; trường hợp không kịp thời hạn Hiệp định vay, cần nghiên cứu phương án khả thi báo cáo Ủy ban QLVNN và Bộ GTVT xem xét, giải quyết.

+ Đối với phần vốn còn thiếu để hoàn thành đoạn tuyến phía Tây: Hoàn thiện hồ sơ, trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và Hiệp định vay ADB lần 2 đối với các gói thầu đoạn phía Tây của Dự án. Trong đó, lưu ý so sánh với phương án sử dụng nguồn vốn hợp pháp của VEC để đề xuất cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh Dự án.

- Tập trung hoàn thành việc tăng vốn điều lệ làm cơ sở để VEC tiếp tục đầu tư phát triển.

Thứ hai, khẩn trương thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội theo chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát lại tổng thể, chi tiết phương án tài chính cho các dự án của VEC, tái cơ cấu các nguồn vốn… Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế, đề xuất nguồn vốn để đầu tư các công trình đảm bảo, nâng cao khả năng kết nối với các Dự án liên quan như: đầu tư bổ sung cầu vượt tại nút giao Long Thành – Dầu Giây và Biên Hòa – Vũng Tàu; Hoàn chỉnh nút giao QL 51 và tuyến nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Mở rộng tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây.

Thứ ba, Chủ động làm việc với các Nhà tài trợ ADB và JICA để giải quyết việc chấm dứt hợp đồng các gói thầu A1, A6 và J3 và các thủ tục cần thiết để lựa chọn nhà thầu mới triển khai hoàn thành Dự án theo quy định. Trường hợp vướng mắc, báo cáo Uỷ ban QLVNN và Bộ GTVT phối hợp để làm việc với các Nhà tài trợ.

Ảnh Tổng Giám đốc VEC phát biểu ý kiến./.

Nguyễn Thị Thu Huyền