Điểm báo về nợ công (Từ 01/03 đến 31/03/2019)

03:46 PM 02/04/2019 |  Lượt xem: 5340 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

- Ngày 5/3, Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam ký hiệp định về khoản vay cho Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin về sự kiện này, cụ thể: Đài Truyền hình Việt Nam, Bản tin Thời sự 19 giờ ngày 5/3/2019, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (5/3) có bài “ADB hỗ trợ tín dụng hơn 188 triệu USD cải thiện giao thông miền núi phía Bắc”; Báo Lao động (6/3) có tin “Vay 188 triệu USD từ ADB phát triển giao thông miền núi phía Bắc”; Báo Nhân dân điện tử (06/03) đưa tin “Hơn 188 triệu USD phát triển giao thông miền núi phía bắc”; Báo Thời báo Kinh tế Việt Nam (6/3) có tin “Nâng cấp 198km đường giao thông miền núi phía Bắc”; Báo điện tử Hà Nội mới (06/03) đưa tin “ADB và Australia hỗ trợ tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc”; Báo điện tử Chính phủ (05/03) đưa tin “ADB hỗ trợ tín dụng hơn 188 triệu USD cải thiện giao thông miền núi phía Bắc”; Báo điện tử VnEconomy (05/03) đưa tin “Bộ Tài chính ký Hiệp định vay vốn trên 188 triệu USD của ADB”; Báo điện tử Vietnamplus đưa tin “Việt Nam vay ADB 188 triệu USD kết nối giao thông các tỉnh miền núi”; Báo Tin tức (05/03) đưa tin “Vay 188,36 triệu USD từ ADB để phát triển giao thông miền núi phía Bắc”; Báo Tuổi trẻ (5/3) có tinViệt Nam vay 188 triệu USD nâng cấp cao tốc Nội Bài - Lào Cai”… và nhiều báo khác cho biết: Ngày 5/3/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, đã ký kết Hiệp định khoản vay trị giá 188,36 triệu USD cho dự án "Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc". Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc có tổng mức đầu tư là 236,673 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của ADB là 188,36 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia trị giá là 4,481 triệu USD và vốn đối ứng là 43,829 triệu USD do ngân sách Trung ương đảm bảo, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc là một dự án rất có ý nghĩa đối với Việt Nam bởi Tây Bắc là "vùng trũng" nhất của Việt Nam về cơ sở hạ tầng. Việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ góp phần hoàn thiện thêm mạng lưới giao thông trong vùng và đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng khả năng kết nối khu vực, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trong khi đó, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, đánh giá, dự án được thực hiện sẽ không chỉ thúc đẩy thương mại ở biên giới, đầu tư tư nhân và tạo việc làm trong khu vực mà còn mang lại khả năng tiếp cận tốt hơn tới các dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, y tế, đào tạo nghề và cứu trợ thảm họa trong trường hợp khẩn cấp cho người dân các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nghèo.

- Báo Công lý (13/3) có bài “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chấm dứt việc đưa tư duy cũ, tư tưởng “xin-cho” vào các văn bản” cho biết: Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần chấm dứt việc đưa tư duy cũ, tư tưởng  bao cấp, xin-cho vào các văn bản, phải làm tốt hơn, xử lý các quy định trái khoáy, giải phóng sức sản xuất, tạo môi trường phát triển tốt hơn cho đất nước…. Tại phiên họp, Thủ tướng cũng cho rằng, về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trình, đề xuất dự án với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, một vấn đề liên quan đến nợ công, Thủ tướng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cần có sự phối hợp chặt chẽ, phân rõ trách nhiệm, phù hợp với Luật Quản lý nợ công, đảm bảo thông suốt ngay từ đầu.

- Chương trình Thời sự 19h ngày 26/3, Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự cho biết: Nợ công và thâm hụt ngân sách tuy có giảm nhưng vẫn cao so với các nước trong khu vực đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô. Cần thay đổi toàn diện hiệu quả chính sách tài khoá để tăng trưởng bền vững là một trong những nội dung quan trọng của báo cáo kinh tế Việt Nam thường niên 2018 với chủ đề chính là hướng tới chính sách tài khoá bền vững và hỗ trợ tăng trưởng vừa được Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố.

Theo báo cáo này, trong những năm gần đây, chính sách tài khoá đã có nhiều tiến bộ như quy mô thu ngân sách ở mức tương đối cao so với các nước có cùng mức thu nhập; thu nội địa cũng tăng nhanh đã bù đắp được nguồn thu bị giảm từ thuế xuất nhập khẩu và dầu thô. Tuy nhiên, thu từ thuế TTĐB và thuế TNCN mới chỉ bằng một nửa các nước đang phát triển trong khu vực Châu Á. Nguồn thu không bền vững khi phụ thuộc quá nhiều vào thu từ tiền sử dụng đất; bội chi NSNN tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

TS.Cấn Văn Lực cho rằng, chi cho bộ máy hành chính của chúng ta quá nhiều, chiếm 30% trong tổng chi; chi trả nợ nước ngoài đang tăng, chiếm khoảng 7,4% tổng chi. Điều này có nghĩa ta đang vay nợ nước ngoài và cả vay nợ trong nước cũng bị tăng trong thời gian qua tạo áp lực lên nợ công về lâu dài.

Theo hiệu trưởng Trường ĐHKTQD Trần Thọ Đạt: Tăng chi NSNN không chỉ dựa vào tăng thuế mà phải tăng và mở rộng diện thu thuế; chi NSNN phải hướng tới một trong những giải pháp căn cơ là giảm tỷ lệ chi cho khu vực hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy quản lý nhà nước; quản lý nợ công hướng tới minh bạch, công bằng, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế.

Báo cáo thường niên 2018 chỉ rõ những tác động bất lợi của thế giới đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay, vì vậy, Việt Nam cần gia tăng sức mạnh của các khu vực kinh tế trong nước với việc cải thiện môi trường kinh doanh, làm tốt cân đối vĩ mô, đặc biệt là ngân sách và nợ công, phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.

Thường trực Ban Biên tập