Điểm tin về tình hình vay và trả nợ công tháng 12 năm 2022

08:20 AM 15/12/2023 |  Lượt xem: 1492 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Về tình hình rút vốn trong nước và nước ngoài

Nhằm huy động thêm nguồn lực trong nước và nước ngoài đáp ứng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từ cơ sở theo dõi và đánh giá biến động của thị trường trong nước và nước ngoài trong nước cũng như trên thế giới, cũng như khả năng giải ngân và hấp thụ vốn của các chương trình dự án, các công cụ cùng cơ chế chính sách tài khóa đã được áp dụng linh hoạt trong năm 2022.

Về huy động vốn vay trong nước của Chính phủ, trái phiếu chính phủ bằng nội tệ tiếp tục được Chính phủ ưu tiên. Trong tháng 12 (tính đến ngày 20/11/2022), tổng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ khoảng đạt 97,3% kế hoạch năm 2022 dự kiến điều chỉnh (trong đó chủ yếu là phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và 15 năm).

Về ký kết các khoản vay với nhà tài trợ nước ngoài, Chính phủ đã tích cực đàm phán với một số nhà tài trợ lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm xúc tiến ký kết thêm các khoản vay với điều kiện vay thuận lợi trong năm 2023.

Về rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ, trong tháng 12 (tính đến hết 20/12) đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 6,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 258 triệu đô la Mỹ).

Công tác trả nợ vẫn giữ đúng hạn và đầy đủ theo cam kết

Đến tháng cuối năm 2022, công tác trả nợ của Chính phủ và ngân sách trung ương tiếp tục đảm bảo đúng hạn và đầy đủ theo cam kết với các chủ nợ, đồng thời nằm trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng trả nợ của Chính phủ trong tháng 12/2022 (tính đến hết 20/12) khoảng 18,5 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 11,9 nghìn tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng.

Đến cuối năm 2022, trong danh mục nợ của Chính phủ, các ngoại tệ giữ vai trò chủ đạo vẫn là đồng Đô la Mỹ (USD), đồng Euro (EUR) và đồng Yên Nhật (JPY). So với tháng 1 năm 2022, trong tháng 12, đồng Đô la Mỹ tiếp tục biến động tăng giá, trong khi đồng Euro và đồng Yên Nhật vẫn mất giá, vì vậy để quản lý rủi ro và đảm bảo nợ công được duy trì bền vững, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thường xuyên theo dõi biến động tỷ giá của các ngoại tệ chính và đánh giá tác động của biến động này tới danh mục nợ Chính phủ để kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính. Dự báo mặt bằng lãi suất quốc tế và tỷ giá đồng USD có khả năng tiếp tục gia tăng vào năm 2023, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài (đặc biệt đối với các khoản có lãi suất thả nổi) có xu hướng kém thuận lợi hơn khi quy sang đồng nội tệ và cần theo dõi sát sao để đảm bảo chỉ tiêu trả nợ so với thu NSNN không quá 25% được Quốc hội cho phép.

Vũ Thu Trang