Ga Hòa Duyện và Ga Thanh Luyện là hai nhà ga xe lửa tại huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, nằm dọc trên tuyến đường sắt Bắc Nam, đã được đầu tư xây dựng vào năm 1976 với tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, nhiều đường cong bán kính nhỏ, độ dốc lớn và tốc độ chạy tàu thấp (20km/h). Cơ sở vật chất tại các điểm ga đã lạc hậu, cũ kỹ và thủ công. Hai điểm ga này được coi là hai trong bốn nút thắt của tuyến đường sắt Hà Nội – Hồ Chí Minh trong nhiều năm chưa được giải quyết. Mặc dù là hai ga kỹ thuật giúp cho việc tránh tàu, các tiêu chuẩn kỹ thuật đã không còn đảm bảo.
Nhằm đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường kỹ thuật và nâng cao an toàn trong hoạt động của hai ga Ga Hòa Duyện và Thanh Luyện, Dự án “Cải tạo khu gian Hòa Duyệt-Thanh Luyện, tuyến đường sắt Thống Nhất” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 17/4/2017 với trị giá vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc khoảng 68 triệu USD. Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Dự án đầu tư với các kết quả chính là: Nâng cấp, cải tạo 4,8km đường sắt và cải dịch 7,4km đường sắt; Cải tạo, nâng cấp 02 ga Hòa Duyệt và Thanh Luyện; Xây dựng mới 01 cầu, 02 hầm và 13 cống chui dân sinh, 15 cống thóa nước ngang qua đường sắt. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ góp phần đảm bảo an toàn đường sắt, rút ngắn thời gian và nâng cao năng lực, chất lượng vận tải trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hồ Chí Minh. Thời gian hoàn thành Dự án dự kiến đến năm 2026.
Trên cơ sở phê duyệt chủ trương đàm phán của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tổ chức Đoàn công tác do Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại làm trưởng đoàn, cùng với sự tham gia của các cơ quan liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý các dự án đường sắt – Chủ dự án) đàm phán về nội dung dự thảo Thỏa thuận vay cho Dự án với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) tại trụ sở chính của KEXIM, Seoul, Hàn Quốc ngày 25/10/2022.
Tại cuộc họp đàm phán, hai bên đã trao đổi về dự thảo Thỏa thuận vay với các nhóm nội dung mang tính chất nguyên tắc đảm bảo tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam (như vấn đề vế thuế, luật áp dụng, ý kiến pháp lý…) và nhóm nội dung mang tính chất kỹ thuật của Dự án (như rà soát về giá trị cam kết vay, thời gian thực hiện và giải ngân của Dự án, tỷ lệ xuất xứ hàng hóa tối thiểu mà Dự án có khả năng đáp ứng…). Các ý kiến góp ý của Việt Nam đều được KEXIM tiếp thu tại dự thảo Thỏa thuận vay hoặc làm rõ để thống nhất cách hiểu giữa hai bên.
Kết quả của cuộc họp đàm phán là cơ sở để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung dự thảo Thỏa thuận vay để ký kết trong tháng 12/2022, tạo điều kiện cho Dự án bắt đầu triển khai, thực hiện./.