Thực hiện Công điện số 123/CĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, sáng ngày 04/4/2023, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) đã tổ chức buổi làm việc đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài 3 tháng đầu năm và thúc đẩy giải ngân năm 2023. Đoàn làm việc của Bộ Tài chính do ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì. Tham gia dự cuộc họp tại Bộ NN&PTNT có ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, đại diện các đơn vị liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong Bộ NN&PTNT (Vụ Kế hoạch, Vụ Hợp tác quốc tế) và Lãnh đạo của các Ban Quản lý dự án có dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Bộ NN&PTNT.
Toàn cảnh buổi làm việc
Năm 2023, Bộ NN&PTNT được giao 1.800 tỷ đồng vốn nước ngoài theo Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ NN&PTNT đã phân bổ toàn bộ số vốn nước ngoài nêu trên cho 15 dự án và đến nay đã nhập TABMIS 1.800 tỷ đồng vốn nước ngoài (đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo số liệu của Bộ Tài chính, chất lượng, tốc độ và tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài của Bộ NN&PTNT cao hơn mức trung bình cả nước. Đến 31/3/2023, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thống kê số giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Bộ NN&PTNT là 95,3 tỷ đồng, đạt 5,29% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Thảo luận tại cuộc họp, đại diện Bộ NN&PTNT và các đơn vị đã đánh giá tình hình giải ngân, những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2023. Bên cạnh một số dự án có tiến độ giải ngân tốt như Dự án “Chương trình cải cách giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề - Trung tâm giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề xanh chất lượng cao”, Dự án “Nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn và sông Mơ nhằm nâng cao khả năng kiểm soát mặn, cải tạo môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu (KEXIM1)”, Dự án “Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (JICA2)… thì các dự án còn lại chưa giải ngân.
Tại buổi làm việc, Bộ NN&PTNT có nêu một số khó khăn, vướng mắc chính liên quan đến việc giải ngân, thực hiện các dự án, cụ thể:
- Giá vật liệu trong thời gian qua tăng cao dẫn đến dự toán xây dựng tăng mạnh gây vướng mắc trong triển khai. Đặc biệt có dự án vượt tổng mức đầu tư cần phải nghiên cứu kết cấu lại dự án, trình điều chỉnh như Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3).
- Vướng mắc, khó khăn trong điều hành, phối hợp giữa Trung ương và địa phương đối với các dự án có tính chất dự án ô như: Dự án hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR); Dự án kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại Kiên Giang và Cà Mau (KGCM);
- Mô hình quản lý dự án chưa phù hợp, như: dự án Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện thực hiện đấu thầu tập trung tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng vốn lại giao về Bộ NN&PTNT, dẫn đến Bộ NN&PTNT không chủ động trong việc thực hiện và giải ngân vốn.
- Một số dự án trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, hoặc có nhu cầu sử dụng vốn dư để đầu tư tiếp (không làm thay đổi mục tiêu chính tại chủ trương đầu tư đã phê duyệt) nhưng thủ tục thực hiện các nội dung trên rất phức tạp, mất nhiều thời gian.
Để chủ động tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ NN&PTNT đã thực hiện các giải pháp, cụ thể như:
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo xây dựng tiêu chí đánh giá xếp loại năng lực Chủ đầu tư theo kết quả thực hiện, giải ngân làm cơ sở đánh giá xếp loại, xét hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thường xuyên tổ chức họp giao ban XDCB để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện từng dự án;
- Chủ đầu tư đã lập kế hoạch cam kết khối lượng thực hiện, giải ngân theo tháng, quý và cả năm 2023 trên cơ sở vốn kế hoạch được giao cho từng dự án, báo cáo Bộ NN&PTNT kết quả tình hình thực hiện, giải ngân hàng tháng (số liệu Kho bạc và số liệu đối chiếu tại Cục Quản lý nợ) vào mùng 5 của tháng sau.
Bộ NN&PTNT cũng đã đề xuất các kiến nghị đối với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và Nhà tài trợ cụ thể theo từng dự án.
Đại diện Bộ NN và các Ban Quản lý dự án phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - ông Trương Hùng Long có nêu Bộ NN&PTNT là một trong các Bộ, cơ quan trung ương quan trọng, hàng năm được giao vốn đầu tư công lớn từ cả hai nguồn vốn trong nước và nước ngoài. Trong thời gian qua, Đoàn công tác đánh giá cao công tác phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Tài chính nói chung, Cục QLN&TCĐN nói riêng trong việc giải ngân nguồn vốn nước ngoài, kịp thời báo cáo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - ông Trương Hùng Long cũng trực tiếp trao đổi để thống nhất về thông tin với Bộ NN&PTNT và các Ban QLDA, đưa ra phương án tháo gỡ, xử lý đối với các dự án đặc thù, có nhiều vướng mắc khó khăn mà Bộ NN&PTNT và các Ban QLDA báo cáo. Trong thời gian tới, đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát tiến độ giải ngân của các dự án đã được giao kế hoạch vốn, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền nếu phát sinh vướng mắc. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ để xử lý nhanh, không làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất phối hợp với Bộ NN&PTNT, các Ban QLDA và các địa phương tổ chức các đoàn thực địa đối với các dự án tại các địa điểm phát sinh nhiều vướng mắc để nắm tình hình, có thể trực tiếp trao đổi, tháo gỡ vướng mắc hoặc đề xuất phương án xử lý báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
Cục trưởng Cục QLN&TCĐN Trương Hùng Long phát biểu kết luận buổi làm việc