Fitch giữ xếp hạng Việt Nam năm 2023 ở mức BB – triển vọng Tích cực
02:22 PM 08/06/2023 |
Lượt xem: 5567 |
In bài viết |
Đọc bài viết
Gửi góp ý
Ngày 31/5/2023, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch đã công bố Báo cáo kết quả phân tích hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Năm năm 2023. Theo đó tổ chức này giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba2, triển vọng Tích cực.
Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch, những điểm mạnh của Việt Nam là triển vọng tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn với dòng vốn đầu tư FDI lớn và dự trữ ngoại hối dần phục hồi. Tổ chức Fitch dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 5,7% năm 2023, nhờ sự phục hồi trong dịch vụ và sản xuất. Áp lực lạm phát đã giảm bớt kể từ đầu năm 2023. Mặc dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm mạnh trong năm 2022, nhưng với dự báo của Fitch, dự trữ ngoại hối sẽ tiếp tục cải thiện dần vào năm 2023 và 2024, hoạt động xuất khẩu sẽ vẫn mạnh mẽ trong trung hạn, do khả năng cạnh tranh về chi phí của Việt Nam, sự chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc và tác động từ việc tham gia các hiệp định thương mại quan trọng. Tài khoản vãng lai của Việt Nam được dự báo sẽ vẫn thặng dư cận biên trong giai đoạn 2023-2024 - điều này cũng một phần được thúc đẩy bởi sự phục hồi của du lịch đã trở lại mức trước đại dịch.
Nguồn: Tổng cục thống kê
Trong lĩnh vực tài khóa, Fitch dự báo thâm hụt ngân sách của Việt Nam dự kiến sẽ thu hẹp dần từ năm 2024 trở đi. Nợ Chính phủ ổn định và thấp hơn nhiều so với các quốc gia có cùng xếp hạng. Phía Fitch dự báo tỷ lệ nợ Chính phủ/ GDP nói chung sẽ ổn định ở mức khoảng 37% vào năm 2023 và 2024, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia xếp hạng 'BB'. Nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm dần, từ 3,8% vào năm 2021 đã giảm xuống còn 3,2% GDP vào năm 2022. Chiến lược quản lý nợ chủ động giúp giảm thiểu rủi ro thanh khoản của Chính phủ.
Ảnh: Ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì làm việc với Fitch tháng 4/2023
Bên cạnh đó, tổ chức Fitch cũng nêu một số điểm hạn chế, thách thức đối với hệ số tín nhiệm của Việt Nam, xuất phát từ các rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, cũng như những yếu kém trong quản trị doanh nghiệp của các DNNN. Các chỉ số về quản trị, thu nhập bình quân đầu người và phát triển con người (theo xếp hạng toàn cầu WGI của Ngân hàng Thế giới) vẫn yếu hơn so với các quốc gia cùng xếp hạng. Fitch ước tính GDP bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 4.082 USD vào cuối năm 2022, so với mức trung bình các quốc gia xếp hạng 'BB' là 6.616 USD.
Phía Fitch cũng đề cập đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định nâng hạng hoặc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, cụ thể:
- Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định nâng hạng, bao gồm chính sách và hiệu quả kinh tế vĩ mô: Tăng trưởng cao bền vững giúp giảm khoảng cách GDP bình quân đầu người so với các nước cùng xếp hạng và hỗ trợ ổn định nợ chính phủ trong khi duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Cải thiện số thu ngân sách Nhà nước hoặc giảm rủi ro nợ dự phòng để củng cố tài khóa bền vững trong trung hạn.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định hạ bậc, bao gồm thâm hụt tài khóa cao và kéo dài, thất bại trong việc ổn định nợ Chính phủ trong trung hạn. Dự trữ ngoại hối giảm ảnh hưởng đến vị thế đối ngoại của quốc gia.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Fitch, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để tiếp tục có đánh giá đầy đủ và cập nhật về hồ sơ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.