Cuối tháng 12 năm nay, Ghana đã đình chỉ thanh toán đối với hầu hết các khoản nợ nước ngoài, dẫn tới khả năng vỡ nợ trong lúc nền kinh tế quốc gia này đang phải vật lộn để bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán. Tuy nhiên, Chính phủ cho biết việc đình chỉ sẽ không bao gồm các khoản thanh toán nợ đa phương, các khoản nợ mới được thực hiện sau ngày 19 tháng 12 hoặc các khoản nợ liên quan đến một số khoản vay thương mại ngắn hạn.
Bộ Tài chính Ghana cho biết họ sẽ áp dụng “biện pháp khẩn cấp tạm thời” thông qua việc ngừng thanh toán các khoản nợ bao gồm trái phiếu quốc tế Eurobond, khoản vay thương mại và hầu hết các khoản vay song phương. Đồng thời, Chính phủ Ghana cũng sẵn sàng tham gia thảo luận với tất cả các chủ nợ nước ngoài ngoài để đảm bảo nợ của Ghana được bền vững. Thông báo về việc đình chỉ thanh toán nợ phản ánh tình trạng khó khăn của nền kinh tế của quốc gia ở Tây Phi.
Kể từ đầu năm đến nay, Ghana đã bị nhiều cơ quan xếp hạng tín nhiệm hạ bậc do lo ngại về khả năng trả nợ của đất nước này. Quốc gia Tây Phi, nơi có 13 tỷ đô la Mỹ trái phiếu nước ngoài, đã bị S&P Ratings coi là vỡ nợ và hạ xuống mức CC, “vỡ nợ có chọn lọc”. Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Ghana xuống mức C. Theo các nhà phân tích, vỡ nợ xảy ra khi Ghana phải chịu “mức dự trữ ròng rất thấp, tỷ giá hối đoái biến động mạnh, lạm phát cao và nền kinh tế suy yếu”.
Vào tuần trước, Chính phủ nước này đạt được một thỏa thuận trị giá 3 tỷ đô la Mỹ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ghana đã công bố một chương trình hoán đổi nợ trong nước và cho biết việc tái cấu trúc nợ nước ngoài đang được xúc tiến thông qua việc đàm phán với các chủ nợ. Bên cạnh đó, IMF đã thông báo rằng tái cơ cấu nợ toàn diện là điều kiện hỗ trợ của tổ chức này.
Ghana đang phải vật lộn để vay đảo nợ cho các khoản nợ của đất nước và đẩy nợ công của Ghana vào tình trạng tồi tệ hơn. Nợ công của nước này vào tháng 9 năm 2022 ở mức 467,4 tỷ cedi Ghana (tương đương khoảng 55 tỷ USD), trong đó 42% là nợ trong nước. Thâm hụt cán cân thanh toán hơn 3,4 tỷ đô la Mỹ trong tháng 9, giảm so với thặng dư 1,6 tỷ đô la vào cùng thời điểm năm ngoái. Là đất nước hàng đầu về sản xuất ca cao và vàng cùng với trữ lượng dầu khí lớn, nhưng nợ nước này đã tăng vọt trong năm nay do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid và xung đột Nga – Ukraine.
Nguồn thu của chính phủ hiện được sử dụng từ 70% đến 100% để trả nợ, khiến lạm phát của nước này đã tăng vọt lên tới 50% trong tháng 11.
Vào cuối tháng 9, tổng dự trữ ngoại hối của đất nước Tây Phi này ở mức khoảng 6,6 tỷ đô la Mỹ, tương đương với chưa đầy ba tháng nhập khẩu và giảm từ khoảng 9,7 tỷ đô la vào cuối năm ngoái. Để đối mặt với những thách thức về đình chỉ nợ của Ghana, những chủ nợ nắm giữ trái phiếu bằng đồng Euro của quốc gia này đã thành lập một Ủy ban của các chủ nợ nhằm tìm kiếm những giải pháp “toàn diện và có tính trật tự”.