Căn cứ Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, toàn quốc được giao 27.976 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn nước ngoài (trong đó địa phương được giao 16.117,7 tỷ đồng, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương được giao 11.858,3 tỷ đồng).
Theo số liệu báo cáo định kỳ hàng tháng của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài kế hoạch vốn năm 2023, ước lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 30/4/2023 là 1.755,599 tỷ đồng, đạt 6,28% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
2 Bộ và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10%
Từ số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài, tỷ lệ ước giải ngân 04 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 6,28% kế hoạch, nếu so với cùng kỳ năm 2022 (2,6%) thì tỷ lệ giải ngân năm 2023 cao hơn.
Tính đến hết 31/3/2023, các địa phương đã thực phân bổ chi tiết 87,12% kế hoạch vốn năm 2023 được giao. Các địa phương có tỷ lệ phân bổ thấp có thể kể đến: Tuyên Quang (0%), Quảng Ninh (6,27%), Phú Yên (11,39%).
Ước đến 30/4/2023 tỷ lệ giải ngân của nhóm các địa phương sẽ đạt 4,02% kế hoạch (648,552 tỷ đồng). Đặc biệt, tỉnh Nam Định có tốc độ giải ngân ấn tượng nhất cả nước, cụ thể tính đến 31/3/2023 đã giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn được giao (15,575/15,575 tỷ đồng). Ngoài ra, có thể kể tên 04 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10% gồm: Bắc Kạn (31,22%), Thành phố Hà Nội (15,32%), Bình Định (13,47%), Lào Cai (11,5%). Các địa phương còn lại hầu hết đều đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp, có tới 30 địa phương thậm chí chưa giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài.
Đối với nhóm các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, tính đến 31/3/2023 đã thực hiện phân bổ chi tiết 92,36% kế hoạch vốn năm 2023 được giao. Những Bộ, ngành, cơ quan trung ương sau đây vẫn chưa thực hiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn: Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Uớc giải ngân đến 30/4/2023 của nhóm các Bộ, ngành, cơ quan trung ương là 1.107,046 tỷ đồng, đạt 9,34% kế hoạch được giao. Trong đó, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan dẫn đầu khối các Bộ, cơ quan trung ương với 465,925 tỷ đồng, đạt 20,25% kế hoạch. Xếp ở vị trí thứ hai là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với ước giải ngân là 182,990 tỷ đồng, đạt 10,17% kế hoạch. Bộ Giao thông vận tải tuy không góp mặt trong danh sách các Bộ, cơ quan trung ương đạt tỷ lệ giải ngân trên 10% nhưng cũng được đánh giá có tốc độ giải ngân tương đối tốt với 452,925 tỷ đồng, đạt 9,13% kế hoạch được giao. Các Bộ cơ quan trung ương được giao vốn đầu tư công nguồn nước ngoài không được nêu tên trên đều chưa giải ngân.
Nguyên nhân chậm giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài
Theo báo cáo của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tỷ lệ giải ngân ước 4 tháng đầu năm chưa cao là do hiện nay các Bộ, ngành và địa phương đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn được kéo dài năm 2021 và năm 2022. Một số vướng mắc ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân có thể kể đến: vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chính sách tái định cư, nguồn cung nguyên vật liệu chưa đảm bảo, khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị để làm cơ sở xác định giá gói thầu, vướng trong công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, chưa có khối lượng để kiểm soát chi và giải ngân….
Quyết liệt đẩy nhanh thủ tục đầu tư, thủ tục lựa chọn nhà thầu, triển khai thực hiện các dự án
Nhằm tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 về việc khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 03 năm 2023. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Thời gian kiểm tra, đôn đốc từ ngày 10 đến ngày 25 hàng tháng.
Những chỉ đạo, hành động nói trên đã cho thấy quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên toàn quốc. Để đạt được mục tiêu tận dụng tối đa nguồn lực tài chính quốc gia, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, các Bộ, ngành địa phương, chủ dự án cần quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục lựa chọn nhà thầu, triển khai thực hiện các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc để có phương án tháo gỡ, khắc phục kịp thời./.