Giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 8 tháng đầu năm 2022 thấp, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự toán năm 2022 cho một số Bộ, ngành, địa phương.

03:25 PM 01/12/2022 |  Lượt xem: 3942 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 8 tháng đầu năm 2022 trung bình cả nước mới chỉ đạt 15,48% kế hoạch vốn được giao, trong đó Bộ ngành đạt 22,94 %, địa phương đạt 11,5%. Có 07 Bộ, địa phương giải ngân trên 30% kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, vẫn có 14 Bộ, địa phương chưa hề có giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 8 tháng đầu năm 2022 đạt 15,48% là cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (7,43%) nhưng thấp hơn kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước (khoảng 41% kế hoạch).

 Tính đến nay, Bộ Tài chính nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn 2022 của: 11/59 địa phương (Hà Nội, Lai Châu, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ) với tổng số tiền là 4.142 tỷ đồng; 6/13 Bộ, ngành (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) với tổng số tiền là 2.827 tỷ đồng.

Ngày 26/9/2022 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1126/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương 424,402 tỷ đồng của 02 bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế) và 03 địa phương (Khánh Hòa, Đắk Nông, Vĩnh Long), để bổ sung dự toán 209,988 tỷ đồng cho 06 địa phương (Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Thọ, Bắc Giang, Tây Ninh, Hậu Giang). Số vốn điều chỉnh giảm còn lại là 214,414 tỷ đồng, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi đáp ứng đủ điều kiện bổ sung dự toán theo quy định.

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài thấp chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án dẫn đến việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân và được nhóm thành các nguyên nhân sau:

(1) Nhóm nguyên nhân từ triển khai dự án như (i) dự án chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư (chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, chậm thiết kế cơ sở và thẩm định, phê duyệt; chậm hoặc vướng mắc trong đấu thầu; vướng trong thực hiện hợp đồng với nhà thầu); (ii) dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, sử dụng vốn dư, điều chỉnh hiệp định vay; (iii) dự án chậm tiến hành nghiệm thu, thanh toán hoặc đang kiện toàn ban quản lý dự án;

(2) Nhóm nguyên nhân từ kế hoạch vốn: Công tác kế hoạch vốn đã cải thiện so với năm 2021 nhưng vẫn còn bất cập như chưa thể phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao; bố trí kế hoạch cho cả các dự án chưa ký hiệp định vay, chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc dự án đề xuất dừng.

 (3) Nhóm nguyên nhân từ phía nhà tài trợ và đặc thù của dự án sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài như vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ WB áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ; một số nhà tài trợ (như WB, ADB) tập trung tài trợ nhiều cho các dự án ô giai đoạn trước đây phức tạp cả trong triển khai các hoạt động dự án cũng như việc giải ngân, thanh toán. Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài như (i) Có công văn số 6921/BTC-QLN ngày 18/7/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả Hội nghị sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022; (ii) Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công văn số 3994/BTC-QLN ngày 6/5/2022 gửi Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về thúc đẩy giải ngân vốn nước ngoài; (iii) Bộ Tài chính đã có 4 lượt công văn gửi các Bộ ngành địa phương và chủ dự án đôn đốc nhập Tabmis và giải ngân vốn nước ngoài; (iv) Rà soát quy trình tiếp nhận hồ sơ và xử lý đơn rút vốn đảm bảo thời hạn ngắn nhất (tối đa 01 ngày làm việc đối với đơn thanh toán trực tiếp) và trả ngay cho các chủ dự án nếu hồ sơ chưa hợp lệ; (v) Bộ Tài chính đã chủ động tổ chức các đoàn làm việc với 2 Bộ và 5 địa phương có số kế hoạch vốn nước ngoài được giao lớn, hàng tháng đều có làm việc với các chủ dự án đôn đốc giải ngân; đồng thời tham gia toàn bộ các đoàn công tác đôn đốc giải ngân của Thủ tướng Chính phủ.

 Trong thời gian còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy giải ngân như đã nêu trên nhưng quan trọng hơn cả là các Bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt rà soát, chỉ đạo, xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương để có khối lượng giải ngân

 

Nguyễn Thị Ngọc Thọ