Sáng ngày 16/01/2024, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 tại trụ sở chính (25A Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao tại các Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 15/3/2023 về việc giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2023, đồng thời nêu các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của toàn bộ hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Đại diện các Bộ ngành tham dự Hội nghị
Đồng chí Lê Văn Hoan – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và đại diện các Bộ, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lê Văn Hoan nhấn mạnh, năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, hệ thống văn bản pháp lý đang hoàn thiện lại, khó khăn thiếu hụt về nguồn lực tài chính và con người, toàn hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã và đang nỗ lực ổn định hệ thống, tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Về kết quả thực hiện kế hoạch được Bộ Tài chính giao tại công văn số 12928/BTC-TCNH ngày 24/11/2023, trong năm 2023 Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã giải ngân tín dụng đầu tư 415,6 tỷ đồng (đạt 99,7% kế hoạch), tỷ lệ nợ xấu chịu rủi ro tín dụng tại thời điểm 31/12/2023 thấp hơn 2,21% so với mức tối đa kế hoạch giao, kết quả tài chính năm 2023 theo sổ sách kế toán là 529 tỷ đồng (cao hơn 15 tỷ đồng so với kế hoạch tối thiểu được giao).
Về công tác xây dựng chính sách, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cơ cấu lại, định hướng hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2023-2027 và xây dựng các văn bản pháp lý quy định hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã hoàn hiện và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Phương án cơ cấu lại, định hướng hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2023-2027 và ban hành 11 văn bản quy định cụ thể các hoạt động khác nhau như huy động, tiếp nhận, quản lý điều hành và sử dụng vốn, cho vay tín dụng đầu tư, cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ..., đồng thời xây dựng đề cương định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trong năm 2023, ngân sách nhà nước đã chuyển cấp đủ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo dự toán, đạt 100% kế hoạch năm (2.693,172 tỷ đồng bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 cấp trong năm 2023 và 4.313 tỷ đồng theo kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023).
Về công tác huy động vốn, trong năm 2023 Ngân hàng Phát triển Việt Nam không thực hiện phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, số dư vốn huy động có kỳ hạn tại thời điểm 31/12/2023 là 80.140,6 tỷ đồng (trong đó số dư vốn huy động từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 77.231 tỷ đồng, chiếm 96%). Nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong năm 2023 đã đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Về công tác tín dụng, tổng số vốn giải ngân tín dụng đầu tư trong năm 2023 là 415,6 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch được giao. Công tác giải ngân đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các dự án trong năm.
Đồng chí Lê Văn Hoan khẳng định công tác thu hồi nợ và xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam triển khai quyết liệt trong năm 2023. Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác thu hồi nợ, đôn đốc các chi nhánh tổ chức thực hiện, thành lập các đoàn công tác đôn đốc thu hồi nợ năm 2023, tổ chức các cuộc họp chuyên đề định kỳ hàng tháng để đánh giá kết quả thực hiện công tác xử lý thu hồi nợ và chỉ đạo các giải pháp tổ chức thực hiện, xây dựng và ban hành lộ trình và giải pháp xử lý nợ xấu tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam Lê Văn Hoan phát biểu tại Hội nghị
Với sự nỗ lực tập trung của toàn ngành, năm 2023 là năm đầu tiên số nợ quá hạn và lãi đến hạn chưa trả tín dụng đầu tư giảm mạnh so với năm trước: nợ quá hạn tín dụng đầu tư giảm 5.404 tỷ đồng (giảm 25,2%), lãi đến hạn chưa trả tín dụng đầu tư giảm 4.433 tỷ đồng (giảm 11,2%). Nợ xấu năm 2023 về số tuyệt đối đã giảm so với cuối năm 2022 là 3.593 tỷ đồng (giảm 7,85%).
Năm 2024 là năm Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiếp tục thực hiện cơ cấu lại theo kết luận của Bộ Chính trị và là năm đầu tiên triển khai cho vay mới tín dụng đầu tư theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023. Mục tiêu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong năm 2024 là tiếp tục giữ ổn định hệ thống, đẩy mạnh đổi mới toàn diện tổ chức bộ máy, nhân sự, quản trị; triển khai hiệu quả, an toàn các dự án cho vay mới tín dụng đầu tư; quyết liệt xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung khắc phục tồn tại hạn chế trong hoạt động; tiếp tục từng bước lành mạnh hóa tình hình tài chính.
Theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 28/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như sau:
1. Tiếp tục báo cáo giải trình, phối hợp với các Bộ ngành trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành đầy đủ các văn bản khung pháp lý cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam ban hành đầy đủ các quy chế quản trị nội bộ để làm căn cứ triển khai thực hiện.
2. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và mô hình quản trị rủi ro; bổ sung, đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, bố trí cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc trong năm 2024 cũng như trong giai đoạn cơ cấu lại hoạt động.
3. Tập trung cán bộ và nguồn lực cho nhiệm vụ thu hồi và xử lý nợ xấu. Đảm bảo mục tiêu xử lý nợ xấu của năm 2024 theo lộ trình đã phê duyệt, nhằm đảm bảo cho mục tiêu xử lý nợ xấu giai đoạn 2023-2027 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 28/10/2023.
4. Tiết giảm chi phí, đa dạng và tối đa các nguồn thu nhập của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đặc biệt tập trung thu nợ lãi quá hạn từ hoạt động tín dụng để đảm bảo cân đối tài chính theo kế hoạch năm và góp phần đạt mục tiêu đến hết năm 2027 xóa hết lỗ lũy kế đã phát sinh.
5. Tích cực tìm kiếm các dự án mới đúng đối tượng, đủ điều kiện, có hiệu quả kinh tế tài chính và khả năng trả nợ để cho vay, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 và giai đoạn 2023-2027 được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo thêm nguồn lực tài chính tích lũy cho Ngân hàng.
6. Xây dựng và thực hiện từng bước kế hoạch hiện đại hóa công nghệ thông tin của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản trị điều hành và quản trị rủi ro cho các hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
7. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chỉ tiêu nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao trong năm 2024.
8. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, hạn chế rủi ro trong hoạt động. Khẩn trương khắc phục các tồn tại, sai sót sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần ban hành quy trình hoạt động, quy chế quản lý; công tác tổ chức bộ máy, quản trị phải đảm bảo để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và giai đoạn 2023-2027, bám sát quy định pháp luật. Đối với hoạt động quản lý cho vay lại nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi lưu ý cần đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định từ quá trình thẩm định dự án, quản l;ý tài sản đảm bảo cho đến quản lý rút vốn, thu hồi nợ theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Ngoài ra, trong thời gian tới Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát, đối chiếu số liệu nhận nợ, thu hồi nợ, phát huy hơn nữa trách nhiệm của cơ quan được ủy quyền cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ trong việc thẩm định phương án tài chính, quản lý tài sản đảm bảo, quản lý việc rút vốn, thu hồi nợ vay lại các dự án, đặc biệt là thẩm định phương án xử lý các khoản nợ xấu còn tồn tại để Bộ Tài chính có căn cứ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định./.