Hội nghị với các Bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 và các giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022

05:02 PM 09/12/2022 |  Lượt xem: 621 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Sáng ngày 01/12/2022, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các Bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 và các giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022. Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng chủ trì hội nghị

Thứ trưởng Võ Thành Hưng phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho rằng, giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

Toàn cảnh Hội nghị

Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đọc báo cáo tham luận tại Hội nghị

Thay mặt Bộ Tài chính, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đọc báo cáo tham luận tại Hội nghị, theo đó:

I. Về giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng KHV 2022:

1. Việc giao kế hoạch và nhập Tabmis:

- Tại Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn (KHV) đầu tư công năm 2022 nguồn nước ngoài là 34.800 tỷ đồng, trong đó Bộ ngành 12.110,3 tỷ đồng, địa phương 22.689,7 tỷ đồng.

- Tại Quyết định số 1126/QĐ-TTg  ngày 26/9/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài nguồn NSTW 424,4 tỷ đồng của 02 Bộ và 03 địa phương, để bổ sung dự toán 210 tỷ đồng cho 06 địa phương; số vốn điều chỉnh giảm còn lại là 214,4 tỷ đồng sẽ được báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định khi đáp ứng đủ điều kiện bổ sung dự toán theo quy định. Theo đó, KHV đầu tư công năm 2022 nguồn nước ngoài là 34.585,6 tỷ đồng, trong đó Bộ ngành 11.808,9 tỷ đồng; địa phương 22.775,7 tỷ đồng.

- Đến nay, các Bộ ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ KHV chi tiết và nhập dự toán trên hệ thống Tabmis là 32.449,2 tỷ đồng, đạt 93,82% KHV  được giao; trong đó: Bộ ngành 10.869,4 tỷ đồng, đạt 92,04% và địa phương 21.579,8 tỷ đồng, đạt 94,75%.

2. Tình hình giải ngân:

Với mục tiêu nhanh chóng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, việc đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công được Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm thông qua các Nghị quyết, Công điện, với nhiều cuộc họp, văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân. 

Bộ Tài chính cũng đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài. Bộ trưởng BTC đã có công văn số 3994/BTC-QLN ngày 06/5/2022 gửi Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đôn đốc giải ngân vốn nước ngoài và BTC tiếp tục có công văn số 9972/BTC-QLN ngày 30/9/2022 gửi các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW về đẩy mạnh giải ngân đầ tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022. Đồng thời, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị sơ kết giải ngân, tích cực làm việc và trao đổi trực tiếp, trực tuyến với tất cả các cơ quan chủ quản và chủ dự án để rà soát, đôn đốc giải ngân, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài chưa được như mong muốn.

- Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài KHV năm 2022 của các Bộ ngành, địa phương đến 30/11/2022 đạt tỷ lệ 34,27% KHV (11.852,2 tỷ đồng), trong đó của Bộ ngành đạt 38,38% (4.532,2 tỷ đồng) và của địa phương đạt 32,14% (7.320 tỷ đồng).

- Lũy kế giải ngân KHV đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng kế hoạch 2022 đạt 26,06% với (9.014,59 tỷ đồng (trong đó giải ngân của các Bộ ngành là 4.154,05 tỷ đồng, đạt 35,17%, giải ngân của các địa phương là 4.860,54 tỷ đồng, đạt 21,34%). Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 nói trên gần gấp 3 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 (9,12% KHV), tuy nhiên vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2022 (đạt khoảng 60% kế hoạch).

- Đến thời điểm 30/11/2022: Bộ Tài chính nhận được đề xuất điều chỉnh giảm KHV của 8/13 Bộ, ngành với tổng số vốn đề nghị giảm là 3.678,5 tỷ đồng (số này không bao gồm 250,364 tỷ đồng của Bộ TNMT và 50 tỷ đồng của Bộ Y tế đã được chấp thuận điều chỉnh giảm), 35/59 địa phương với tổng số vốn đề nghị giảm là 8.804,5 tỷ đồng

- Cụ thể việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2022 của Bộ, ngành, địa phương như sau:

(a) Phân theo Bộ ngành, địa phương:

- Đến 30/11/2022 có 54 địa phương và 10 Bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó còn 6 Bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%.

- Tỷ lệ giải ngân trên 50% KHV có 3 Bộ và 5 địa phương.

(b) Phân theo dự án: Trong tổng số 294 dự án/tiểu dự án (gọi chung là dự án) trong cả nước được giao KHV đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022, trong đó 114/294 dự án chưa giải ngân, với số KHV được giao là 6.235,2 tỷ đồng chiếm 18,03% KHV giao, 47/294 dự án giải ngân dưới 20% KHV, 59/294 dự án giải ngân trong khoảng từ 20-50% KHV và 74/294 dự án giải ngân trên 50% KHV.

II. Tình hình giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài:

Theo công văn số 3261/BKHĐT-TH ngày 19/5/2022 về thông báo kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 sang 2022, vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài KHV năm 2021 được kéo dài sang năm 2022 là 5.321,9 tỷ đồng, trong đó của Bộ, ngành là 1.666,6 tỷ đồng, của địa phương là 3.655,3 tỷ đồng.

KHV 2021 được kéo dài giải ngân đến 31/12/2022. Do đó, đối với các dự án được kéo dài KHV 2021, đồng thời được giao KHV 2022, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm đảm bảo giải ngân hết cả hai KHV được giao.

Tỷ lệ giải ngân KHV 2021 kéo dài đến 30/11/2022 đạt 23,65% (1.233,7 tỷ đồng), trong đó Bộ ngành đạt 28,84%, địa phương đạt 21,44%. Đến 30/11/2022, mới chỉ có 15/39 địa phương và 4/5 Bộ giải ngân KHV 2021 kéo dài.

III. Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài

Qua ý kiến các Bộ, địa phương tại Hội nghị tháng 6/2022, qua các cuộc làm việc trực tiếp, trực tuyến, và qua công tác ghi nhận, thống kê số liệu, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài thấp chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án dẫn đến việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân hoặc đã có khối lượng nhưng chưa được kiểm soát chi hoặc đã kiểm soát chi nhưng chưa được tập hợp để gửi hồ sơ rút vốn. Cụ thể:

1. Nhóm nguyên nhân từ triển khai dự án:

a) Dự án chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như:

- Chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư;

- Chậm thiết kế cơ sở và trong các khâu thẩm định, phê duyệt;

- Chậm đấu thầu, vướng mắc trong đấu thầu hoặc vướng trong thực hiện hợp hiện hợp đồng với nhà thầu.

b) Nhiều dự án lúng túng và rất chậm trong quá trình thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, sử dụng vốn dư, điều chỉnh hiệp định vay. Trong 11 tháng đầu năm 2022, có 22 dự án điều chỉnh hiệp định vay, 18 dự án vừa điều chỉnh chủ trương đầu tư vừa điều chỉnh hiệp định vay, 34 dự án mới chỉ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. 

c) Một số dự án có vướng mắc do ảnh hưởng thời tiết, bão lũ, sạt lở, dự án không triển khai được; vướng mắc do điều chỉnh danh mục hàng hóa để đảm bảo tỷ lệ xuất xứ; vướng mắc về quy chuẩn tiêu chuẩn, định mức kinh tế về chuyên ngành đường sắt đô thị.

2. Nhóm nguyên nhân chậm làm các thủ tục giải ngân mặc dù dự án đã có khối lượng nhưng chưa kiểm soát chi hoặc đã có kiểm soát chi nhưng chưa được tập hợp để gửi hồ sơ rút vốn:

- Như trên đã nêu, chênh lệch giữa số kiểm soát chi và số giải ngân lên tới 2.838 tỷ đồng, chiếm 8,21% KHV. Chủ yếu do các chủ dự án đã thực hiện kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước các tỉnh nhưng chưa gửi hồ sơ rút vốn cho Bộ Tài chính để làm thủ tục giải ngân với nhà tài trợ. Số chênh lệch này tại các địa phương lên tới 2.460 tỷ đồng.

- Ngoài ra còn có nguyên nhân do dự án chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán; trình độ, năng lực cán bộ quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu công việc; chờ kiểm đếm khối lượng.

3. Nhóm nguyên nhân từ công tác kế hoạch vốn:

- Công tác kế hoạch vốn đã cải thiện so với năm 2021 nhưng vẫn còn bất cập như các Bộ, địa phương bố trí kế hoạch cho cả các dự án chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.

- Ngoài ra, do KHV kéo dài của năm 2021 được thông báo và giao chậm (tháng 5/2022), trong khi đó, KHV 2021 kéo dài phải được thực hiện và giải ngân trước 31/12/2022 nên nhiều dự án không thể giải ngân KHV 2022 trước, đồng thời KHV 2021 kéo dài giải ngân rất chậm.

Tổng số KHV 2022 đề xuất điều chỉnh giảm như Bộ Tài chính đã thống kê ở trên khoảng 12.482 tỷ đồng, trong khi đó KHV 2021 được kéo dài là 5.215,9 tỷ đồng.

4. Nhóm nguyên nhân từ phía nhà tài trợ và đặc thù của dự án sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài:

- Vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ WB áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả phát sinh tại 18/61 địa phương.

- Vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ làm chậm giải ngân. Một số nhà tài trợ (như WB, ADB) tập trung tài trợ nhiều cho các dự án ô giai đoạn trước đây phức tạp cả trong triển khai các hoạt động dự án cũng như việc giải ngân, thanh toán.

IV. Giải pháp và kiến nghị của Bộ Tài chính

Với tỷ lệ giải ngân 11 tháng chiếm chưa đầy 26,1% KHV như trên, nhiệm vụ hoàn thành giải ngân KHV đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022 còn nhiều thách thức.

Từ tình hình nêu trên, với quyết tâm cả nước hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra tại Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022; Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 về các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, đồng thời Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp như sau:

a) Nhóm giải pháp đẩy nhanh tiến độ tập hợp, gửi hồ sơ giải ngân khi đã có khối lượng hoàn thành:

- Các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định; phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trong việc giải ngân đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt. Đề nghị các địa phương chỉ đạo các ban quản lý dự án khẩn trương gửi đề nghị rút vốn đối với khối lượng đã được kiểm soát chi tới Bộ Tài chính để giải ngân theo quy định.        

- Do Tết âm lịch năm 2023 rơi vào cuối tháng 1/2023, Bộ Tài chính đề nghị các chủ dự án gửi hồ sơ rút vốn đủ điều kiện cho Bộ Tài chính muộn nhất ngày 10/1/2023 để kịp ký đơn rút vốn gửi nhà tài trợ trong tháng 1/2023.

- Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn, đúng chế độ quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; trao đổi với nhà tài trợ để phối hợp với các chủ dự án tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và xử lý nhanh các hồ sơ giải ngân.

b) Nhóm giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân:

- Đối với các hoạt động dự án có khả năng hoàn thành: các cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu, các cơ quan phê duyệt chuyên môn) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng), chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng, bố trí đủ vốn đối ứng, đảm bảo việc thực hiện thông suốt, nghiệm thu khối lượng hoàn thành đến 31/12/2022 và gửi hồ sơ đến cơ quan kiểm soát chi và tập hợp để giải ngân theo thời hạn đã nêu ở trên.

Đặc biệt, đối với các dự án năm 2022 là năm cuối thực hiện, giải ngân, các cơ quan chủ quản cần chỉ đạo các chủ dự án xử lý dứt điểm đề hoàn thành khối lượng và giải ngân.

- Đối với các hoạt động dự án vẫn đang ở giai đoạn hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng, các vướng mắc về đất đai, tài nguyên, đấu thầu, các dự án đang trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa xong điều chỉnh hiệp định vay,...: các chủ dự án báo cáo rõ với cơ quan chủ quản về khả năng thực hiện và hoàn tất các thủ tục này để thực hiện dự án và giải ngân trong năm 2022. Trường hợp có khả năng hoàn thành các thủ tục để đầu tư, cần tập trung dứt điểm để hoàn thành đúng thời hạn trên. Trường hợp không khả thi, đề nghị rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện và kế hoạch vốn trong năm 2023.

- Đối với các cơ quan tổng hợp, thẩm định, phê duyệt: đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt đối với các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ.

c) Nhóm giải pháp khác:

- Về công tác hoàn thiện các văn bản pháp lý về ODA và các văn bản pháp lý có liên quan: Sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với Luật số 03/2022/QH15 theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn nước ngoài, tăng cường phân cấp trong quản lý, sử dụng vốn ODA gắn với trách nhiệm của cấp, đơn vị sử dụng vốn ODA. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu bổ sung xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức, đơn giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt để có căn cứ áp dụng, thực hiện.

- Đề nghị không cho phép kéo dài KHV 2022, trường hợp không giải ngân hết KHV 2022, số không giải ngân sẽ bị hủy bỏ theo quy định của Luật Đầu tư công. Các Bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí đủ KHV 2023 để thực hiện dự án.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng kết luận, bế mạc Hội nghị

Tóm lại, để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2022 đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt, đặc biệt là của các Bộ, ngành, địa phương và các chủ dự án. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. Bộ Tài chính mong muốn các Bộ ngành, địa phương với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2022./.

phạm thị hồng vân