Làm việc với đoàn đánh giá rủi ro quốc gia của Cơ quan Phát triển Pháp

03:56 PM 05/05/2023 |  Lượt xem: 1714 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) là một trong những công cụ của Chính phủ Pháp để thực hiện cung cấp các khoản ODA. AFD hiện diện ở Việt Nam từ năm 1994 và Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thụ hưởng các khoản tài trợ từ AFD, với tổng mức vốn ODA cam kết đạt khoảng 1,9 tỷ EUR trong 25 năm qua cho 84 dự án. Để đáp ứng các mục tiêu ưu tiên trong Chiến lược phát triển của Việt Nam, chiến lược tài trợ của AFD tại Việt Nam hướng tới mục tiêu tổng quát là phát triển bền vững, hỗ trợ Việt Nam đi theo quỹ đạo tăng trưởng xanh và tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Đánh giá rủi ro quốc gia là đoàn đánh giá định kỳ (3 năm/lần) của AFD phục vụ công tác đánh giá chính sách vĩ mô của Việt Nam để xác định chiến lược và chính sách tài trợ cho Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động này đã bị gián trong đoạn thời gian dài (đoàn đánh giá gần nhất được thực hiện vào năm 2018) và mới được AFD khôi phục lại trong năm 2023.

 

Về phía Bộ Tài chính, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì làm việc với đoàn cùng đại diện Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Chính sách Thuế, Vụ Tài chính ngân hàng và Cục Tài chính doanh nghiệp. Đoàn đánh giá rủi ro quốc gia lần này của AFD bao gồm ông Hugo PIERRE, Phó Tổng Giám đốc AFD tại Việt Nam, ông Maxim TERRIEUX, bà Pascale SCAPPECHI, chuyên gia của AFD tại Paris cùng đại diện của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và cán bộ của AFD tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cùng các đơn vị trong Bộ đã cung cấp thông tin, trả lời các câu hỏi của đoàn AFD trong các lĩnh vực như quản lý nợ công (như khung quản lý nợ công, mục tiêu trung hạn của nợ công, quỹ đạo nợ công và phân tích tính bền vững của nợ (DSA),...), ngân sách (phạm vi củng cố tài khóa sau Covid-19 và chính sách kích hoạt hiện tại, kế hoạch chi ngân và tình hình thực hiện quản lý ngân sách chung), rà soát các chính sách thuế, các nội dung liên quan đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trái phiếu chính phủ, v.v... trong năm 2022 - 2023

Kết thúc buổi làm việc, AFD cho biết cơ quan này đánh giá rất cao các thành tựu về kinh tế, xã hội mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như những bất ổn về kinh tế, chính trị đang diễn ra toàn cầu. AFD trân trọng cảm ơn những thông tin Bộ Tài chính cung cấp tại buổi làm việc.

Thay mặt Bộ Tài chính, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đánh giá cao việc đoàn chuyên gia AFD làm việc với Bộ Tài chính và khôi phục lại hoạt động đánh giá định kỳ sau nhiều năm gián đoạn. Bộ Tài chính mong AFD sẽ tiếp tục sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Tài chính nói chung và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nói riêng về các khoản vay và dự án mà hai bên cùng quan tâm./.

Nguyễn Thu Vân