Theo Moody’s, Việt Nam có nhiều điểm mạnh với triển vọng tăng trưởng thuận lợi trong dài hạn, thu hút dòng vốn đầu tư và khả năng cạnh tranh thương mại. Việc cải thiện sức mạnh kinh tế là kết quả của những thành tựu đạt được trong việc thực thi hiệu quả chính sách và hội nhập. Hiệu quả chính sách tài khóa được ghi nhận khi số thu ổn định mặc dù phải chịu các cú sốc bên ngoài như đại dịch và tăng trưởng toàn cậu chậm lại; mặc khác, chiến lược quản lý nợ chủ động giúp làm giảm thiểu rủi ro thanh khoản của Chính phủ. Công tác quản lý nợ được chính phủ bảo lãnh được tăng cường thông qua giám sát chặt chẽ việc thanh toán nợ đến hạn.
Điểm xếp hạng được xem xét dựa trên 4 yếu tố: sức mạnh kinh tế, thể chế, sức mạnh quản trị, tài khóa và tính nhạy cảm với các rủi ro. Triển vọng ổn định phản ánh sự cân bằng giữa các rủi ro. Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam dần phục hồi, tăng trưởng GDP ở mức cao, tiêu dùng hộ gia đình tăng phản ánh nhu cầu trong nước sau khi các hạn chế do đại dịch được nới lỏng vào cuối năm 2022 trong bối cảnh lạm phát ở mức tương đối thấp. Phía Moody’s kì vọng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 5,5% - 6%, chi cho đầu tư phát triển dự kiến cao hơn năm 2022, và dòng vốn FDI sẽ tăng mạnh nhờ quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong khu vực.
Ảnh: Chuyên gia của Moody’s trong buổi làm việc với Bộ Tài chính
Bên cạnh đó, tổ chức Moody’s cũng nêu một số điểm hạn chế, thách thức đối với hệ số tín nhiệm của Việt nam, xuất phát từ các rủi ro do tình hình lạm phát toàn cầu có thể gây ra nhiều đợt tăng lãi suất, làm chậm hoạt động thương mại, rủi ro biến đổi khí hậu, rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, cũng như những yếu kém trong quản trị doanh nghiệp của các DNNN.
Các yếu tố Moody’s sẽ xem xét nâng hạng bao gồm: thể chế và sức mạnh quản trị được cải thiện, đặc biệt là về hiệu quả điều hành và chính sách tiền tệ thông qua việc tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng, giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng và ổn định tài chính; dấu hiệu cải thiện sức mạnh kinh tế, thông qua khả năng thu hút FDI, hưởng lợi từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu...
Ảnh: Phía Việt Nam trình bày một số điểm sáng về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam trong buổi họp với tổ chức XHTN Moody’s.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s sẽ xem xét hạ bậc xếp hạng trong trường hợp bất ổn tài chính tái xuất hiện dẫn đến lạm phát tăng cao, tăng chi phí trả nợ hoặc vị thế trả nợ nước ngoài xấu đi có thể do tác động sự đảo chiều quỹ đạo ổn định nợ và thâm hụt hiện tại, khả năng ngân sách phải trang trải mức độ khá lớn các rủi ro tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng hoặc các DNNN: sự gia tăng căng thẳng địa chính trị gây cản trở khả năng tiếp cận của Việt Nam với nguyên vật liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất quan trọng, hoặc làm xói mòn khả năng cạnh tranh của xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.