Nợ công Việt Nam: Mức thấp nhất từ năm 2015

08:27 AM 21/05/2019 |  Lượt xem: 821 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 7 khóa XIV, dự kiến nợ công năm 2018 ở mức 58,4% GDP, mức thấp nhất kể từ năm 2015. 

Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 7 khóa XIV, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ đưa ra con số về các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2018 dựa trên ước thực hiện kế hoạch vay, trả nợ và các hạn mức nợ năm 2018. Theo đó, dự kiến nợ công năm 2018 sẽ ở mức 58,4% GDP, là mức thấp nhất trong 3 năm qua và thấp hơn chỉ tiêu nợ được đưa ra Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (phấn đầu tới cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5%, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,6%). Báo cáo của Chính phủ đưa ra nhận định nợ công dù quy mô tăng nhưng áp lực nợ đã giảm. Ngoài ra, các nỗ lực cơ cấu lại danh mục nợ công đang đi đúng hướng, góp phần giảm nợ nước ngoài của Chính phủ, tăng nợ trong nước để kiềm chế rủi ro tỷ giá.

Cũng tại Báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cũng đưa ra ước tính các chỉ tiêu nợ Chính phủ, nợ Chính phủ Bảo lãnh, nợ Chính quyền địa phương, nợ nước ngoài quốc gia so với GDP cuối năm 2018, chi tiết theo bảng dưới đây.

TT

Chỉ tiêu

31/12/2017

31/12/2018

 1

Nợ công/GDP

61,4%

58,4%

2

Nợ Chính phủ/GDP

51,7%

50,0%

3

Nợ Chính phủ bảo lãnh/GDP

9,1%

7,9%

4

Nợ chính quyền địa phương/GDP

0,6%

0,5%

5

Nợ nước ngoài của quốc gia / GDP

48,9%

46,0%

Để đạt được những kết quả nêu trên, tiếp tục bám sát chủ trương, giải pháp của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 16/11/2016 để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chính phủ cho biết đã ban hành đồng bộ và nghiêm túc triển khai các biện pháp “siết chặt" quản lý nợ công, bao gồm việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai Luật Quản lý nợ công năm 2017; tăng cường quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực ngân sách gắn với huy động tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với nợ Chính phủ, đã áp dụng cơ cấu huy động vốn trong và ngoài nước với kỳ hạn và chi phí phủ hợp, điều chỉnh khối lượng vay phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, điều kiện thị trường. Trong bối cảnh thị trường tiền tệ, ngoại hối nhiều biến động, đã chủ động giảm khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018. Thêm vào đó, với chính sách tập trung phát hành trái phiếu trong nước với kỳ hạn dài (hơn 90% khối lượng huy động có kỳ hạn trên 10 năm), hiện nay kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ cũng kéo dài hơn, đạt mức 12,7 năm (cao hơn 4-6 năm so với năm 2015 và 2016). Bên cạnh đó, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ dài cùng với mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung giảm so với giai đoạn trước là những yếu tố quan trọng giúp kiềm chế áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước.

Đối với nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài mặc dù đã có sự thay đổi cả về khối lượng cũng như điều kiện, lãi suất của các khoản vay trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, song năm 2018 vẫn duy trì tỷ lệ vốn vay ODA có lãi suất thấp với trên 76% là các khoản vay có lãi suất dưới 3%/năm. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ động rà soát, công khai thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ, khả năng điều kiện cho vay lại vốn vay ODA... làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án và các doanh nghiệp đề xuất dự án mới, nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn vay.

Tiếp tục bám sát chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chủ động tăng cường kiểm soát việc cấp bảo lãnh và quản lý rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN. Năm 2018 không cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay vốn trong nước, chỉ thực hiện cấp bảo lãnh Chính phủ cho 02 dự án trong lĩnh điện vay vốn nước ngoài. Trong quản lý, đã đôn đốc quyết liệt để hoàn tất việc ký hợp đồng thế chấp tài sản đối với các dự án vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh; khuyến khích người vay trả nợ trước hạn để giảm dư nợ bảo lãnh.

Trong năm 2018 Chính phủ chỉ thực hiện cấp bảo lãnh cho 02 dự án trong lĩnh điện vay vốn nước ngoài.

Ngoài ra, nợ chính quyền địa phương đã và đang được cơ quan quản lý kiểm soát an toàn một cách xuyên suốt, từ việc tham gia ý kiến đề xuất sử dụng vốn ODA ODA/vay ưu đãi Chính phủ đến khâu thẩm định cho vay lại và giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài cho các dự án đã được duyệt. Bộ Tài chính thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn liên quan đến công tác lập kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm tại các địa phương cũng với việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn./.

Hoàng Phương Hà