Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cơ hội và thách thức đan xen. Sau hơn ba thập kỷ tiến hành Đổi mới, Việt Nam đã có bước tiến dài trên con đường phát triển của mình với nhiều thành tựu rất quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần xây dựng con đường phát triển phù hợp với thực tiễn và điều kiện đặc thù của đất nước. Do đó, việc phân tích các mô hình, bài học kinh nghiệm phát triển quốc tế sẽ là kênh tham khảo hữu ích trong xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển của Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến thay đổi nhanh chóng, báo cáo đánh giá đa chiều quốc gia lần này sẽ nhìn nhận đánh giá Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới một cách khách quan, từ đó giúp Chính phủ có những phân tích đánh giá, xây dựng chiến lược phát triển và có những dự báo dài hạn cho Việt Nam trong những năm tới.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đang khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Trong đó có Báo cáo MDCR được xây dựng theo lộ trình 3 giai đoạn: Giai đoạn I, đánh giá sơ bộ; Giai đoạn II, đánh giá chuyên sâu và tư vấn, khuyến nghị chính sách; Giai đoạn III, Đề xuất các biện pháp hành động.
OECD cho hay, Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển thông qua cung cấp các đánh giá, tư vấn chính sách phát triển có tính đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Trên cơ sở làm việc với các bộ ngành, khảo sát một số địa phương tại Việt Nam vào cuối tháng 2 năm 2019, trong đó có buổi làm việc với đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, OECD đã xây dựng Bản thảo đánh giá sơ bộ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. Bản thảo đề cập nhiều vấn đề phát triển trong nhiều ngành, lĩnh vực, đồng thời sơ bộ nêu ra 03 “lực cản” có tác động nhiều chiều và cản trở sự phát triển của Việt Nam gồm: (i) Mô hình phát triển tiêu hao nhiều nguồn lực, kém hiệu quả; (ii) Khả năng tài chính cho phát triển; (iii) Năng lực thể chế và quản trị hạn chế.
Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD Mario Pezzni phát biểu tại Tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD Mario Pezzni cho rằng, để có những đánh giá đa chiều về Việt Nam, chúng ta cần phải xem xét các vấn đề ở các góc độ khác nhau, liên ngành để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích của người dân Việt Nam.
Ông Mario Pezzini cho biết, tăng trưởng không phải là mục tiêu cuối cùng mà OECD hướng đến, cải thiện phúc lợi, mang đến hạnh phúc cho người dân mới là cốt lõi. Để đạt được điều này, OECD sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phác thảo kế hoạch phát triển xã hội, kinh tế.
Về các đánh giá, ông Mario Pezzini cho biết, quá trình này cần phải là đánh giá quốc gia, đa chiều, học hỏi lẫn nhau và bằng chứng là Việt Nam đã tham gia rất nhiều vào quá trình này. Vì vậy, quá trình học hỏi lẫn nhau rất quan trọng và qua đó chúng tôi muốn học hỏi từ Việt Nam vì những thách thức Việt Nam đang gặp phải có thể tạo cảm hứng cho các nước khác đang trong quá trình phát triển, kể cả các nước đã phát triển.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe trình bày về những hạn chế chủ yếu đối với con đường tăng trưởng bền vững của Việt Nam, các ưu tiên được đề xuất trong phân tích sâu của Báo cáo MDCR Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận và đưa ra các câu hỏi, bình luận liên quan đến Bản thảo đánh giá sơ bộ về MDCR Việt Nam.
Một số quốc gia đã thực hiện báo cáo MDCR.
Báo cáo MDCR là công cụ đánh giá thực trạng phát triển của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nhằm cung cấp thông tin, cơ sở phục vụ quá trình hoạch định, triển khai chiến lược phát triển. Trên cơ sở nhận diện các điểm mạnh, điểm yếu của các nền kinh tế, OECD sẽ đề xuất các chính sách, biện pháp khắc phục nhằm duy trì động lực phát triển kinh tế-xã hội cũng như xây dựng các chiến lược hiệu quả hướng tới tăng trưởng bền vững, bao trùm. MDCR là quá trình tổng thể và có thể được điều chính dựa trên nhu cầu, thực trạng của từng quốc gia. Một số báo cáo tương tự đã và đang được thực hiện tại một số quốc gia như Maroc, Bờ Biển Ngà, Uruguay, Kazkhastan, Peru, Senegal. Tại khu vực Đông-Nam Á, OECD đã thực hiện Báo cáo với Myanmar và Thái-lan.
Tài liệu tham khảo:
https://www.oecd.org/development/mdcr/