Rủi ro Tín dụng Quốc gia và Rủi ro Tín dụng Đối tác trong quản lý nợ công (Bài 7)

12:00 PM 25/12/2019 |  Lượt xem: 1003 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Thông thường, quy mô nợ chính phủ càng cao thì khả năng trả nợ các trái chủ sẽ bị coi là giảm đi. Quan điểm của một số nhà nghiên là đối với các quốc gia thuộc thị trường mới nổi, ngưỡng dư nợ chính phủ ròng so với tổng sản lượng quốc gia (GNP) cần được duy trì dưới mức 40%, trong khi đối với các quốc gia phát triển thì dư nợ có thể lớn hơn GNP hàng năm (Reinhart, Rogoff, và Savastano, 2003). Các nhà quản lý nợ thường khó quản lý rủi ro tín dụng, phản ánh thông qua hệ số tín nhiệm quốc gia, phí bù rủi ro tín dụng (credit premia) và chênh lệch hoán vị rủi ro tín dụng (CDS). Tuy nhiên, rủi ro này quan trọng với nhà quản lý nợ vì nó sẽ xác định lợi tức trái phiếu và chi phí vay vốn tương ứng. Tác động này thường rõ nét hơn đối với các quốc gia không có dự trữ ngoại hối. Bên cạnh định mức tín nhiệm quốc gia, chênh lệch CDS quốc gia, và chênh lệch so với quốc gia lõi (core sovereign), phương pháp quyền đòi thanh toán tiềm tàng (contingent claims approach, CCA) thường được sử dụng để đo lường rủi ro tín dụng quốc gia (Gapen, et al, 2008 và Papaioannou, 2006) (1)

Một loại rủi ro tín dụng khác mà các nhà quản lý nợ quan tâm là rủi ro tín dụng đối tác, nhất là trong các hợp đồng phái sinh, và rủi ro này phụ thuộc vào xác suất đối tác phá sản, quy mô của sản phẩm chịu rủi ro, và giá trị thu hồi được trong trường hợp đối tác mất khả năng thanh toán (2). Quy mô nợ chịu rủi ro thường chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với giá trị danh nghĩa của hợp đồng cơ sở, những có thể thay đổi đáng kể trong vòng đời của hợp đồng do giá của tài sản cơ sở và nhận định về xác suất bên đối tác phá sản sẽ thay đổi. Hơn nữa, kể cả trong trường hợp giá của tài sản có (tài sản nợ) cơ sở không thay đổi, rủi ro tín dụng đối tác chắc chắn sẽ thay đổi khi giá của sản phẩm phái sinh thay đổi. Ví dụ, một giao dịch hoán đổi lãi suất truyền thống theo đó bên phát hành phòng vệ một khoản vay với lãi suất thả nổi thông qua hoán đổi thành khoản vay lãi suất cố định trong một giai đoạn nhất định, sẽ làm thay đổi mức độ chịu rủi ro tín dụng khi lãi suất thay đổi, kể cả trong trường hợp giá của khoản nợ cơ sở không thay đổi (vì chênh lệch tín dụng không thay đổi – trên thực tế, giá cả khoản nợ với lãi suất thả nổi không bị ảnh hưởng bởi biến động lãi suất, mà bị ảnh hưởng bởi biến động về chênh lệch tín dụng/thanh khoản).Thêm vào đó, rủi ro đối tác phụ thuộc vào nếu các tài sản bảo đảm (ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ) có tương quan với xác suất bên phát hành phá sản.

Khi một quốc gia sử dụng sản phẩm phái sinh, yêu cầu bảo chứng (margin call) có thể loại trừ hầu hết rủi ro tín dụng đối tác. Một điều kiện tiên quyết thường được áp dụng khi thực hiện các giao dịch phái sinh không được thanh toán bù trừ tập trung (non-centrally cleared) là ký kết thỏa thuận ISDA và các thỏa thuận thế chấp tài sản. Trong khuôn khổ này, vì các giao dịch phái sinh đòi hỏi thế chấp, tác động của mức độ chịu rủi ro liên quan đến việc thế chấp tài sản (ký kết thông của Phụ lục Hỗ trợ tín dụng CSA của Hiệp hội hoán đổi chứng khoán phái sinh (3)với các ngân hàng đối tác) và chi phí ngầm định phát sinh từ yêu tăng mức thế chấp cần được giám sát chặt chẽ. Ví dụ, khi quốc gia bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm hoặc gặp khó khăn, mức độ chịu rủi ro phái sinh hàng ngày có thể biến động đáng kể, đặc biệt khi rủi ro này còn chịu ảnh hưởng tiêu cực của điều kiện thị trường nói chung, các điều khoản liên quan đến Sự kiện Chấm dứt Bổ sung (additional termination event, ATE), cũng như vi phạm các điều khoản về Khối lượng Độc lập (Indepedent Amount) trong hợp đồng khung ISDA.

Nhà quản lý nợ cũng chịu rủi ro tín dụng nếu họ đồng thời quản lý các tài sản với tính thanh khoản cao, hoặc cho vay các đối tượng khác. Nhìn chung, tùy thuộc vào loại hình đối tác (như chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân) và loại hình nghĩa vụ (trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, giao dịch phái sinh, hạn mức tín dụng, khoản vay), rủi ro tín dụng cũng có nhiều dạng khác nhau đòi hỏi cần được đánh giá và quản lý khác nhau (Bank for International Settlements 2000). Các mô hình định lượng cho phép tính toán mức độ vốn (hoặc tài sản thế chấp) cần thiết để xử lý các khoản lỗ tín dụng không lường trước với mức độ tin cậy nhất định. Định giá rủi ro tín dụng cũng tương tự như định giá tần suất bảo hiểm (insurance frequency) truyền thống và rủi ro nghiêm trọng (severity risk). Các mô hình truyền thống thường đánh giá mức lỗ kỳ vọng đối với một tài sản hoặc một danh mục tài sản thông qua việc tính đến (sử dụng dạng công thức) mức độ chịu rủi ro liên quan (rủi ro tín dụng) và tính thiếu chắc chắn (xác suất vỡ nợ và tỷ lệ hoàn vốn trong trường hợp vỡ nợ) (Culp, 2001). Trong khuôn khổ quản lý rủi ro, công thức dạng giản lược được sử dụng để ước lượng mức lỗ do rủi ro tín dụng: Mức lỗ kỳ vọng = Xác suất phá sản x Giá trị chịu rủi ro tín dụng x Mức lỗ kỳ vọng nếu xảy ra vỡ nợ.

Tài liệu tham khảo:

Bank for International Settlements, 2000, Principles for the Management of Credit Risk, Basel (Basel, Switzerland: Committee on Banking Supervision).

Culp, C.L., 2001, The Risk Management Process, (New York: Wiley).

Gapen, Michael, Dale Gray, Cheng Hoon Lim, and Yingbin Xiao, 2008, “Measuring and Analyzing Sovereign Risk with Contingent Claims,” IMF Staff Papers, 55 (1), pp. 109–48.

Papaioannou, Michael, 2006, “A Primer for Risk Measurement of Bonded Debt from the

Perspective of a Sovereign Debt Manager,” IMF Working Paper 06/195 (Washington:

International Monetary Fund).

Reinhart, Carmen M., Kenneth S. Rogoff and Miguel A. Savastano. "Debt Intolerance," Brookings Papers on Economic Activity, 34, 2003-1 (2003): 1-74.

(1)Cần nói thêm rằng các chỉ tiêu dánh giá rủi ro tín dụng của bên đi vay đã thể hiện trong lợi tức của trái phiếu, như chênh lệch hoán đổi tài sản (asset swap spread) và chênh lệch biến động bằng không (z-spread) cũng được sử dụng, cũng như các phân tích giá trị tương đối liên quan. Tuy chênh lệch CDS và chỉ tiêu quan trọng phản ánh rủi ro tín dụng, chất lượng thông tin do chỉ số này cung cấp cũng có những bất cập nhật định, đặc biệt khi đo lường phí bù rủi ro tín dụng quốc gia có những nền kinh tế lớn, do một số ngân hàng đối tác bán các sản phẩm bảo vệ rủi ro nhiều khả năng cũng sẽ mất khả năng trả nợ khi các chính phủ này phá sản. Thêm vào đó, chênh lệch hoán đổi tài sản và chênh lệch z là cực kỳ cần thiết khi triển khai các triển lược ứng phó với rủi ro đảo nợ/tái cấp vốn (xem thêm phần III.A).

(2)Rủi ro đối tác cũng có thể phát sinh từ rủi ro thanh toán, nhất là khi quá trình rà soát năng lực của bên mua để nhận phần giao (take delivery) các khoản chứng khoán không được thực hiện nghiêm túc.

(3)International Swap and Derivatives Association, còn gọi là “ISDA”.

Hồ Việt Hương