Phát biểu cảm ơn Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã dành thời gian tiếp, Phó Chủ tịch ADB Ahmed Saeed cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên ông tới thăm và làm việc kể từ khi nhận chức. Ông Ahmed Saeed đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam về kinh tế- xã hội trong thời gian gần đây.
Dẫn lời Chủ tịch ADB Takehiko Nakao, ông Ahmed Saeed cho rằng, Việt Nam tiếp tục chứng tỏ tiềm năng mạnh mẽ trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong bối cảnh quản lý tài khóa thận trọng, lạm phát ổn định... Việt Nam cũng đang khẳng định vị trí của mình một cách hiệu quả trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đang thay đổi.
Trong hội nghị thương đỉnh G20, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao coi Việt Nam là một hình mẫu ở Châu Á nói riêng và của thế giới nói chung về những thành tựu đạt được, ông Ahmed Saeed cho biết.
Ông Admed Saeed phát biểu tại cuộc họp.
Đề cập tới nội dung làm việc, Phó chủ tịch ADB đề xuất Thứ trưởng Trần Xuân Hà trao đổi và chia sẻ thông tin về 3 vấn đề, bao gồm: Các vấn đề liên quan tới phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian gần đây; hiện trạng tham gia của ADB đối với việc hợp tác với Bộ Tài chính nói riêng, các cơ quan của Chính phủ nói chung trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội; trao đổi về những chương trình, dự án mà Chính phủ, Bộ Tài chính cần hỗ trợ từ những tổ chức như ADB.
Đề cập tới mối quan hệ hợp tác với ADB, Thứ trưởng khẳng định, trong nhiều năm qua Chính phủ Việt Nam và ADB đã có mối quan hệ chặt chẽ trong việc tư vấn cho chính phủ về chính sách kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nguồn lực để triển khai chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội, có chương trình viện trợ, hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia cho một số ngành, lĩnh vực cụ thể. ADB hỗ trợ Bộ Tài chính nhiều trong xây dựng Luật Quản lý nợ công, xây dựng các văn bản hướng dẫn luật, cũng như tổ chức các cuộc hội thảo theo chuyên đề như phân tích rủi ro, đảm bảo an toàn nợ công bền vững…
Thứ trưởng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có nhiều đối tác đa phương như WB, ADB, IFAD… song phương, nên cần phải xác định khung huy động vốn theo từng lĩnh vực và từng khối các nhà tài trợ để đảm bảo cân đối chung về quản lý nợ công bền vững. Đồng thời, Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam đều hết sức quan tâm tới hiệu quả sử dụng nguồn lực do ADB hỗ trợ thời gian qua, cũng như đối với nguồn vốn OCR từ nay về sau, khi Việt Nam chính thức tốt nghiệp vốn ODA, đặc biệt cần đánh giá về nhu cầu, cách thức để sử dụng nguồn vốn OCR một cách hiệu quả và phù hợp.
Phó Chủ tịch ADB cảm ơn Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã chia sẻ thông tin chi tiết, cụ thể và đồng thời khái quát tổng quan về mối quan hệ hợp tác giữa ADB và Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam.
Trong thời gian tới, ADB mong muốn tiếp tục thực hiện và hợp tác với Bộ Tài chính về tất cả các lĩnh vực đã được xác định là quan trọng trước đó như: các dự án về cơ sở hạ tầng, phát triển khu vực tài chính, phát triển du lịch, xã hội. Đồng thời, mong muốn kết hợp các hoạt động tài trợ truyền thống của ADB với những dự án, chương trình mới, cùng đáp ứng nhu cầu của Việt Nam trước bối cảnh thay đổi trên toàn cầu./.