Tọa đàm về chủ đề “Phương thức đầu tư PPP - kinh nghiệm quốc tế và ý nghĩa chính sách đối với quản lý tài chính - ngân sách tại Việt Nam”

07:02 PM 17/01/2020 |  Lượt xem: 273 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia quốc tế từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Công ty kiểm toán Ernst & Young đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai dự án PPP, các hình thức tham gia của Nhà nước và cách thức để quản lý rủi ro tài khóa phát sinh từ các dự án này. Các đại biểu sôi nổi tham gia bình luận, trao đổi với các chuyên gia và các tổ chức quốc tế về các khía cạnh tài chính, ngân sách đang được đưa ra trong dự thảo Luật. Các đối tác đều cùng chia sẻ ý kiến về tầm quan trọng của Luật PPP trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ khu vực tư nhân ở Việt Nam. Để đảm bảo các rủi ro được kiểm soát và lợi ích của nhà đầu tư và nhà nước được cân bằng, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi triển khai dự Luật này.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Quang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng nêu ra một số vấn đề về mối liên hệ giữa dự Luật PPP và các Luật có liên quan hiện hành như Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Ông tán thành với cơ chế chia sẻ rủi ro như dự Luật đang dự thảo; tuy nhiên cũng nêu lên các vướng mắc với hai Luật trên khi Luật PPP có hiệu lực thực hiện. Do đó, dự Luật PPP cần phải dự thảo theo hướng khả thi và có thể giải quyết được những bất cập hiện nay.

Về phía Ngân hàng Thế giới, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguồn vốn khác ngoài vốn ngân sách nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển của Việt Nam, theo đó, việc ban hành Luật PPP là rất cần thiết để đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh vai trò của của Bộ Tài chính trong việc triển khai Luật PPP để đảm bảo bền vững tài khóa quốc gia. Đồng thời, ông cũng cho rằng cần phải chia sẻ quan điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư chỉ phát huy hiệu quả nếu các bên tham gia sẵn sàng chia sẻ một số rủi ro. Về các rủi ro nhà nước chia sẻ trong dự án PPP, Nhà nước cần phải đưa ra giải pháp phù hợp để nhận diện và giám sát các rủi ro đó.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư của Việt Nam ngày càng tăng lên nhưng nguồn lực ngân sách có hạn, việc triển khai và thực hiện PPP là cách tốt để huy động nguồn lực tư nhân ở trong và ngoài nước. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì đầu tư xây dựng Luật đối tác công tư (PPP) trình Quốc hội cho ý kiến. Về những vấn đề liên quan đến tài chính - ngân sách, Dự thảo Luật đã kế thừa quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ như hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, công trình phụ trợ, góp vốn để hỗ trợ xây dựng công trình. Bên cạnh đó, dự thảo Luật có quy định mới về cơ chế chia sẻ doanh thu. Ban hành được một Luật PPP tốt sẽ thúc đẩy sự tham gia của các nguồn lực trong khu vực tư nhân. Tuy nhiên, chính phủ và các cơ quan liên quan cũng cần nhìn nhận toàn diện các Luật hiện hành khác đặc biệt là Luật Ngân sách nhà nước để đảm bảo cơ sở pháp lý đối với các chi phí có thể phát sinh từ dự án PPP. Ngoài ra, các cơ chế hỗ trợ cho các dự án PPP có tác động đến Ngân sách nhà nước trong ngắn hạn và dài hạn, do đó cần phải có đánh giá tác động trong trung và dài hạn để dự báo và giám sát tương ứng./.

Nguyễn Mạnh Đức