Khuôn khổ bền vững nợ (Debt Sustainability Framework, DSF), được Ngân hàng Thế giới và IMF xây dựng năm 2005 với mục tiêu định hướng chiến lược huy động vốn vay của các nước thu nhập thấp để một mặt đáp ứng được nhu cầu tài chính của họ, trong khi vẫn phù hợp với khả năng trả nợ trong hiện tại và tương lai của quốc gia đó. Khuôn khổ này cũng cho phép các chủ nợ điều chỉnh điều kiện tài chính của các khoản vay trước những nhận định về rủi ro trong tương lai đối với quốc gia nhận nợ.
Bên cạnh đó, khung DSF còn là cơ sở để cung cấp Ngân Hàng Thế giới quyết định cung cấp nguồn vốn vay thông qua Tổ chức Phát triển Quốc tế (IDA) cho các quốc gia với thu nhập thấp. Ngân hàng Thế giới sử dụng DSF để quyết định tỷ lệ cho vay-viện trợ không hoàn lại đối với từng khoản hỗ trợ phát triển dựa trên đánh giá về rủi ro mất khả năng trả nợ của từng quốc gia.
DSF hướng tới 3 mục tiêu chủ đạo:
• Đánh giá tình hình nợ hiện hành tập trung vào cơ cấu đáo hạn (lịch trả nợ gốc) của các khoản vay, cơ cấu lãi suất (cố định hay thả nổi), việc khoản vay có gắn liền với chỉ số cụ thể (như lạm phát) hay không, và cơ sở đối tác phát triển/nhà đầu tư nắm giữ công cụ nợ;
• Xác định rủi ro tiềm ẩn trong trung-dài hạn đối với cơ cấu nợ, hoặc trong khung khổ chính sách quản lý, với thời gian đủ sớm để đảm bảo các giải pháp điều chỉnh về chính sách có thể được kịp thời triển khai trước khi phát sinh vấn đề gặp khó khăn trả nợ;
• Trong trường hợp khó khăn trả nợ đã (hoặc sắp) xảy ra, phân tích tác động của các kịch bản điều chỉnh chính sách khác nhau nhằm ổn định quy mô nợ.
Phân tích Bền vững Nợ (DSA) là một công cụ quan trọng trong khuôn khổ DSF. DSA là việc phân tích mang tính cấu trúc về nợ của một quốc gia do các chuyên gia về nợ tại IMF và Ngân hàng Thế giới thực hiện thường xuyên tại các quốc gia có mức thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình. DSA đánh giá liệu chiến lược huy động vốn vay hiện hành của một quốc gia có khả năng dẫn đến khó khăn thanh toán nghĩa vụ nợ trong tương lai hay không. Một số điểm chính của công cụ phân tích này là:
• Phân tích về dự báo gánh nặng nợ của một quốc gia trong 20 năm tới và khả năng dễ bị tổn thương của quốc gia này trước các cú sốc chính sách hoặc cú sốc từ bên ngoài;
• Đánh giá về rủi ro nợ nước ngoài trong giai đoạn này, dựa trên các ngưỡng an toàn nợ được tính toán phụ thuộc vào chất lượng chính sách và thể chế của từng nước; và
• Đưa ra khuyến nghị về chiến lược vay nhằm hạn chế rủi ro mất khả năng trả nợ.
Tuy vậy kết quả DSA không nên được hiểu một cách máy móc, cứng nhắc. Kết quả phân tích bền vững nợ cần được đánh giá dựa trên các yếu tố đặc thù của từng quốc gia, bao gồm đặc điểm cụ thể của các khoản vay của quốc gia đó, tính ổn định trong công tác hoạch định chính sách cũng như dư địa chính sách của nước đó. Do đó, IMF và Ngân hàng Thế giới sử dụng những công cụ DSA khác nhau để phân biệt giữa các quốc gia tiếp cận thị trường (MAC - thường là những nước có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay đáng kể đến thị trường vốn quốc tế), và các nước thu nhập thấp (LIC - là những quốc gia đáp ứng nhu cầu tài chính nước ngoài của họ chủ yếu thông qua các kênh cho vay có tính ưu đãi cao). Trong cả hai trường hợp, các khung đánh giá bền vững nợ đều được cập nhật, tinh chỉnh thường xuyên để phù hợp với môi trường kinh tế và tài chính luôn thay đổi (khuôn khổ DSA đã được điều chỉnh năm 2005, 2009, 2012 và 2017). Kể từ năm 2016, IMF áp dụng khung DSA MAC cho Việt Nam. Đánh giá bền vững nợ công và nợ nước ngoài được thực hiện trong khuôn khổ các đoàn giám sát Điều IV của IMF.
Tài liệu tham khảo:
http://www.worldbank.org/en/topic/debt/brief/dsa
https://www.imf.org/external/pubs/ft/dsa/index.htm