Trả lời kiến nghị cử tri: Quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo bền vững nợ và an ninh tài chính quốc gia

06:05 PM 13/05/2019 |  Lượt xem: 594 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm: nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.

Trong một số năm trước đây, do bội chi ngân sách nhà nước cao, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển lớn, vì vậy phải vay nợ nhiều. Bên cạnh đó, Chính phủ còn vay về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ với số lượng vốn khá lớn nên nợ công tăng cao. Năm 2016, nợ công ở mức 63,7% GDP; nợ Chính phủ ở mức 52,7% GDP.

Nhận thức được tầm quan trọng của nợ công và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2017 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn bền vững, trong đó có một số nhóm giải pháp chủ yếu sau:

- Một là, tập trung cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, đảm bảo an toàn và bền vững nền tài chính quốc gia. Thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

- Hai là, hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, tăng tỷ trọng thu nội địa. Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

- Ba là, hoàn thiện thể chế, chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công để kiểm soát toàn diện rủi ro, hiệu quả nợ công. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn;. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại. Hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính – ngân sách và nợ công.

Trong các năm 2017-2018, với việc thực hiện các biện pháp quản lý nợ công chặt chẽ nói trên, thu ngân sách nhà nước tăng, bội chi ngân sách nhà nước giảm (bội chi năm 2018 là 191,5 nghìn tỷ đồng, giảm 12,5 nghìn tỷ đồng so với dự toán, bằng 3,46% GDP thực hiện), vì vậy, nợ công, nợ Chính phủ đã giảm. Năm 2017, nợ công là 61,4% GDP, nợ Chính phủ là 51,7% GDP. Năm 2018, theo số liệu ước tính, dư nợ công khoảng 58,4% GDP và nợ Chính phủ khoảng 50,7% GDP, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW nói trên và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội, đảm bảo nằm trong giới hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt (không quá 65% GDP).

Với những kết quả tích cực nêu trên, hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam cũng không ngừng được cải thiện, đặc biệt kể từ năm 2018 đến nay, thể hiện ghi nhận tích cực của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm về thành quả điều hành kinh tế vĩ mô, quản lý tài chính công của Chính phủ, qua đó tiếp tục nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế và góp phần giảm chi phí huy động vốn vay thương mại nước ngoài của Chính phủ cũng như các thành phần kinh tế khác.

 

S&P nâng hệ số tín nhiệm của Việt Nam từ BB- lên mức BB với triển vọng Ổn định (tháng 4/2019); Moody’s nâng XHTN Việt Nam từ B1 lên Ba3 và thay đổi triển vọng từ Ổn định sang Tích cực (tháng 8/2018); Fitch nâng XHTN Việt Nam từ BB- lên BB (tháng 5/2018) và thay đổi triển vọng từ Ổn định sang Tích cực (tháng 5/2019).

Xét về cơ cấu nợ, tỷ trọng nợ trong nước trên tổng nợ Chính phủ tiếp tục duy trì ở mức cao (trên 61,4% đến cuối năm 2018), góp phần giảm bớt rủi ro về tỷ giá. Các biện pháp cơ cấu lại danh mục nợ trong nước của Chính phủ do Bộ Tài chính triển khai những năm gần đây cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

- Tỷ trọng trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ 10-30 năm phát hành trên thị trường chiếm hơn 70% tổng khối lượng phát hành, góp phần kéo dài kỳ hạn còn lại của danh mục nợ.

- Lãi suất phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ giảm, năm 2016 là 6,7%/năm giảm xuống 4,73%/năm vào năm 2018. 4 tháng đầu năm 2019 lãi suất phát hành bình quân duy trì ở mức hợp lý (4,92%/năm), góp phần tiết kiệm chi phí huy động cho ngân sách nhà nước.

Cơ cấu nhà đầu tư tiếp tục đa dạng hóa. Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại giảm mạnh, từ mức 80% năm 2016 xuống gần 48% năm 2018, tỷ lệ nắm giữ của các doanh nghiệp chứng khoán, bảo hiểm tăng đáng kể.

Cơ cấu nợ Chính phủ giai đoạn 2010-2018

Nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là các khoản vay ODA, vay ưu đãi từ WB, ADB và Nhật Bản (chiếm gần 80%) với kỳ hạn dài, lãi suất với hàm lượng ưu đãi cao (bình quân 2%/năm). Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhìn chung các khoản vay mới ký kết có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với giai đoạn trước.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ nợ công, bao gồm:

- Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại nợ công, đa dạng hóa công cụ nợ và cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn trong nước để đáp ứng nhiệm vụ huy động vốn vay theo Nghị quyết của Quốc hội.

- Tập trung vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên của ngân sách.

- Tăng cường công tác thẩm định dự án đầu tư, giải ngân rút vốn chặt chẽ; đồng thời thực hiện biện pháp cấp phát một phần, cho vay lại một phần đối với chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan này trong việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, giảm áp lực tới ngân sách nhà nước.

Các nội dung liên quan đến hoàn thiện định mức chi tiêu, chống lãng phí và tham nhũng.... mà một số đại biểu Quốc hội nêu cũng là các giải pháp quan trọng trong công tác quản lý tài chính nói chung và quản lý nợ công nói riêng.

Hồ Việt Hương