Viện trợ của Việt Nam cho các nước là viện trợ không hoàn lại trong đó chủ yếu dành cho Lào (trung bình 65%) và campuchia (17%). Viện trợ không hoàn lại của Việt Nam dành cho Lào và Campuchia không chỉ đơn thuần là nguồn hỗ trợ phát triển mà còn là nghĩa vụ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với hai nước. Ngoài Lào và Campuchia, Việt Nam còn cung cấp viện trợ không hoàn lại cho một số đối tác cơ quan hệ truyền thống (trung bình 18%) như Cuba, Mô-dăm-bích… và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, cử chuyên gia, viện trợ nhân đạo cho các nước ngoài, nước gặp thảm họa, thiên tai, và quà tặng nhân các chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới một số nước.
Về cơ bản, viện trợ của Việt Nam ra nước ngoài được các bộ, ngành, địa phương cung cấp, quản lý, triển khai sử dụng đúng mục đích, phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, nguồn lực của Việt Nam có hạn nên quy mô viên trợ của Việt Nam còn nhỏ, chưa thực sự trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy quan hệ với các nước. Hoạt động viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song bộc lộ một số hạn chế, bất cập dẫn đến hiệu quả chưa cao về chính trị - đối ngoại và kinh tế - xã hội. Một nguyên nhân chính của thực trạng này là chưa có quy định pháp lý, cơ chế quản lý và điều phối tổng thể thống nhất, cụ thể, rõ ràng về cung cấp viện trợ cho nước ngoài.
Hiện chưa có luật pháp, quy định riêng cho việc cung cấp, quản lý viện trợ của Chính phủ Việt Nam cho nước ngoài. Việc lập dự toán, bố trí, cung cấp, quản lý, triển khai viện trợ cho nước ngoài phải dựa trên các luật pháp, quy định có liên quan (như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quản lý ngoại hối, Luật Điều ước quốc tế….) và các điều ước quốc tế, thỏa thuận, hiệp định, nghị định thư…ký kết với nước nhận viện trợ.
Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 quy định một số ít nội dung về viện trợ cho nước ngoài liên quan đến phạm vi và quy định về lập dự toán và Nghị định 163/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước chỉ quy định về chi viện trợ cho nước ngoài từ ngân sách trung ương.
Với thế và lực của Việt Nam ngày càng được củng cố và nâng cao, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, việc tiếp tục duy trì, tăng cường nguồn vốn viện trợ cho nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước và xu thế chung của thế giới là cần thiết, song hành cùng nâng cao chất lượng, hiệu quả viện trợ và giải quyết các hạn chế, vướng mắc. Thục tế này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sử dụng viện trợ cho nước ngoài như một công cụ quan trọng phục vụ các mục tiêu chính trị - đối ngoại và kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh như vậy, các cơ quan chức năng, cơ quan kế hoạch và đầu tư cần phải xây dựng một văn bản pháp luật riêng quy định về quy trình viện trợ và chế độ quản lý tài chính đối với khoản viện trợ của Chính phủ Việt Nam ra nước ngoài. Việc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và có tác dụng tích cực tới việc thực hiện chính sách đối ngoại, ổn định chính trị, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.