Vận hành, đánh giá hệ thống hỗ trợ y học từ xa tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sử dụng vốn vay chính phủ Đức

11:11 AM 23/08/2021 |  Lượt xem: 412 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Ảnh buổi vận hành

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 21/1/2015 với số vốn vay ODA của Chính phủ Đức là 7 triệu Euro, cơ chế tài chính cấp phát 100%. Trên cơ sở phê duyệt của TTCP tại Quyế định số 836/QĐ-TTg ngày 11/6/2015, Bộ Tài chính đã ký kết Hiệp định vay với KfW trị giá 7 triệu EUR ngày 7/9/2015. Dự án đã được gia hạn thời gian giải ngân đến ngày 31/12/2020 tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 4/5/2019. Dự án Telemedicine ra đời với mục đích chính là có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa, miền núi có thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế hiện đại mà không cần phải di chuyển đến những bệnh viện lớn thuộc tuyến trung ương, góp phần tiết kiệm chi phí của người bệnh và giảm quá tải bệnh viện.

Buổi vận hành diễn ra với sự tham dự của các Lãnh đạo của các bệnh viện, đơn vị trực thuộc, Tư vấn dự án và nhà tài trợ – KfW, Liên danh nhà thầu. Thông qua buổi vận hành này, phía nhà tài trợ – KfW đã có cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động của hệ thống, đặc biệt trong công tác khám, chữa bệnh từ xa giữa các bệnh viện tuyến trên và các cơ sở y tế tuyến dưới. Trả lời câu hỏi của ông Matthias Nactnabel – Tư vấn y tế (KfW) về ý nghĩa và sự quan tâm của chính phủ cũng như tính khả thi và bền vững của dự án, PGS. TS. Nguyễn Đức Chính – thay mặt Ban quản lý Dự án, Bệnh viện HN Việt Đức, cho biết thực tế hệ thống Telemedicine với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt nam đã được thiết lập, vận hành và ngày càng mở rộng. Với hệ thống hiện có Bệnh viện Việt Đức đã kết nối với 23 các tỉnh thành phía Bắc triển khai hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đào tạo trực tuyến. Việc đưa vào sử dụng hệ thống Telemedicine mới này bằng nguồn ODA của Chính phủ Đức giúp tăng cường hơn hoạt động khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Việt Đức với các bệnh viện địa phương bằng thiết bị công nghệ hiện đại, sẽ phát huy tối đa để hỗ trợ các bác sĩ tuyến dưới khi có nhu cầu hỗ trợ. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra, các hoạt động trực tuyến diễn ra phổ biến hơn bao giờ hết, qua đó càng chứng minh được tầm quan trọng của hệ thống Telemedicine.

Ảnh thầy thuốc BV Việt Đức theo dõi ca phẫu thuật của đồng nghiệp qua y tế từ xa

Cũng trong buổi đánh giá vận hành hệ thống, đại diện nhà tài trợ – KfW, bà Laura Scherle – phụ trách Dự án khu vực châu Á (KfW) đã đặt ra những câu hỏi với các đơn vị tham gia thực hiện dự án để hiểu rõ hơn về các khía cạnh hoạt động cũng như ý nghĩa của hệ thống Telemedicine hỗ hợ chuyên môn tuyến dưới qua theo dõi thảo luận hai 2 trường hợp của bệnh viện Đa khoa Thanh Hoá và Yên Bái trình bày trực tuyến do PGS.TS Nguyễn Đức Tiến, cố vấn Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến điều hành. Phía nhà tài trợ – KfW cũng quan tâm khả năng tiếp cận tư vấn chuyên môn, quá trình triển khai trong công tác chuyên môn hàng ngày đặc biệt những ca cấp cứu…, nhân sự chuyên môn, vận hành trang thiết bị.

Đại diện nhà tài trợ – KfW phát biểu

Kết thúc buổi làm việc trực tuyến thành công tốt đẹp, phía nhà tài trợ – KfW cùng với đơn vị Tư vấn quốc tế đánh giá cao sự phối hợp Bệnh viện Việt Đức cùng các bệnh viện tại 02 tỉnh. Phía nhà tài trợ – KfW cũng như Tư vấn quốc tế mong muốn hệ thống Telemedicine thực hiện nhiều chức năng một cách đồng bộ, hạn chế tối đa những lỗi liên quan đến kĩ thuật trong quá trình đưa vào sử dụng để phục vụ công tác tư vấn khám và điều trị bệnh từ xa cũng như đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc y tế tại Việt Nam, đặc biệt với các tỉnh và các địa phương vùng xa, miền núi.

Nguyễn Thị Thu Huyền